Tin nên đọc
Bài 1 - BỒI DƯỠNG, PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN TẠI QUẢNG NINH
Công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên, đặc biệt đội ngũ Đảng viên trẻ chất lượng, tạo nguồn nhân lực vững mạnh cho các tổ chức cơ sở Đảng của Quảng Ninh đã và đang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền hết sức quan tâm. Việc chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên sẽ tạo đà thúc đẩy cho các các tổ chức cơ sở Đảng có nhiều khả năng, cơ hội phát huy những giá trị nòng cốt, thế mạnh của mình.
"Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng..."
Tăng cường và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong giai đoạn phát triển mới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng cần phải nêu gương, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua: “Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Thấm nhuần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt vai trò chủ thể trong việc ban hành các chính sách, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá.
Qua đó đã chủ động, tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ vào các tổ chức trong hệ thống chính trị và tăng cường và phát huy sức mạnh của các tổ chức Đảng cũng như người đứng đầu, tiên phong trong các hoạt động xây dựng các chi bộ, các cơ sở Đảng tại các thôn, bản...
Qua thực tế ở một số địa phương tại Quảng Ninh cho thấy, tầng lớp đoàn viên, thanh niên được xác định là đối tượng chính để phát triển Đảng. Tuy nhiên, hiện nay tầng lớp này cũng là lực lượng lao động đi làm ăn xa, không thường xuyên có mặt tại địa phương.
Những năm qua, thực hiện các giải pháp về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, Đảng bộ, chính quyền huyện Bình Liêu đã tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, thanh niên tạo điều kiện thiết thực cho các đối tượng này xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã tại địa phương, nhằm nâng cao đời sống kinh tế.
Bên cạnh đó, với đặc thù huyện miền núi, biên giới với 96% đồng bào dân tộc thiểu số, một số thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương dẫn tới tình trạng thiếu nguồn đoàn viên ưu tú khiến cho công tác giáo dục, bồi dưỡng kết nạp Đảng còn hạn chế.
Băn khoăn về những hạn chế nêu trên, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bình Liêu - Lý Văn Bình cho hay: “Bình Liêu là huyện tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 96% dân số toàn huyện. Toàn huyện có 25 chi Đảng bộ cơ sở với 161 chi bộ thuộc các Đảng bộ cơ sở, với hơn 2.500 Đảng viên, các Đảng viên cơ bản là người dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, Dao và Sán Chỉ. Đây cũng là một trong những hạn chế cơ bản, đặc thù của không riêng gì Bình Liêu mà nhiều địa phương miền núi, biên giới nơi tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số".
Nói về những khó khăn của địa phương trong công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên, đặc biệt đối với đối tượng đoàn viên, thanh niên là người dân tộc, bà Lô Thị Minh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Húc Động, huyện Bình Liêu trăn trở: “Một số đoàn viên thanh niên chưa nhận thức sâu sắc được vai trò của công tác Đảng, từ đó chưa mặn mà với các hoạt động sinh hoạt Đảng tại các chi bộ. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, các đối tượng học cảm tình Đảng cũng như có những Đảng viên phải thường xuyên đi làm ăn xa, do đó các hoạt động sinh hoạt Đảng tại các chi bộ chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức chấp hành các quy tắc về Đảng”.
Giáo dục tư tưởng chính trị vững chắc cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng đối với các tổ chức Đảng, đặc biệt là các tổ chức đảng tại cơ sở. Qua đó nâng cao nhận thức, nhạy bén chính trị, đề kháng với những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội.
Đó cũng là một trong những ý kiến được PGS.TS Phạm Tất Thắng - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bàn luận cùng PV Báo Pháp luật Việt Nam trong công tác phát triển Đảng viên tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
PGS. TS Phạm Tất Thắng cho rằng: "Thực trạng những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo là rất thực tế. Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, trước hết cần bám sát các giải pháp được Nghị quyết 21 NQ/TW nêu ra và cần được cụ thể hóa với điều kiện cụ thể của từng địa phương".
Trong đó lưu ý một số những giải pháp cụ thể như: "Các Tỉnh ủy cụ thể hóa các quy định chung của Đảng vào điều kiện cụ thể của tỉnh mình về các tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp Đảng viên, tổ chức các lớp cảm tình đảng và tham gia sinh hoạt Đảng.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua nhiều hình thức, biện pháp thiết thực. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước để thu hút đoàn viên, thanh niên, qua đó giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng Đảng viên. Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong công tác bồi dưỡng Đảng viên trẻ, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các cơ quan trên địa bàn".
Các cấp ủy Đảng phải đặt niềm tin vào thanh niên
Cùng đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế những khó khăn trong công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên trẻ tại các huyện miền núi, biên giới, hải đảo, Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng viên trẻ tại các huyện miền núi, biên giới, hải đảo.
"Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, “tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương chia sẻ.
Nhằm nâng cao hiểu quả hơn nữa trong công tác phát triển thế hệ Đảng viên trẻ, cũng như tạo nguồn Đảng viên ưu tú cho các tổ chức Đảng, theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương đã đưa ra 5 giải pháp cụ thể.
"Theo tôi, để nâng cao chất lượng phát triển Đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW thì các địa phương phải thực hiện một số giải pháp sau đây: Một là, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các chi, đảng bộ. Trong đó, cán bộ, Đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu, gần gũi, gắn bó với nhân dân, giúp người dân thấy được vai trò thực sự của Đảng viên và của tổ chức Đảng trong cộng đồng dân cư.
Hai là, các chi bộ, đảng bộ phải có cách làm mới trong công tác tạo nguồn bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể ở địa bàn dân cư, nhất là Hội Cựu hiến binh, Hội Cựu quân nhân, Hội Phụ nữ.. . Các hội, đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống vẻ vang của Đảng cho đoàn viên, hội viên. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức phấn đấu. Cần quán triệt sâu sắc và nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng đối với thanh niên.
Ba là, các cấp ủy Đảng phải đặt niềm tin vào thanh niên; xác định đây là rường cột của nước nhà; luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên; xây dựng thế hệ thanh niên ưu tú, có tinh thần lập thân, lập nghiệp trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Bốn là, cần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ về Đảng, lý tưởng cách mạng và truyền thống hào hùng của dân tộc để từ đó vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần phụng sự nhân dân, cống hiến sức mình cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng ta.
Năm là, các cơ sở Đảng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội khác ở các cấp, các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ các hoạt động, tạo ra tính thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút thanh niên tham gia các hoạt động của các cơ sở Đoàn, có những giải pháp hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm nhằm giải quyết các vấn đề về nhu cầu đời sống cho thanh niên, từ đó định hướng giá trị cho thanh niên về lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng, hun đúc khát khao đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Phát triển đảng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bổ sung lực lượng, trẻ hoá đội ngũ đảng viên, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đặc biệt đội ngũ Đảng viên trẻ, những Đảng viên là người dân tộc, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Tại các huyện miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh đã có những chương trình, kế hoạch định hướng cụ thể giúp cho các hoạt động đoàn, đảng tại địa phương đi vào đời sống thực tế của từng cấp ủy, để từng bước hình thành giáo dục tư tưởng cụ thể, phát huy vai trò, nòng cốt của từng Đảng viên trong các cơ sở Đảng, tạo nên các tổ chức cơ sở Đảng phét triển vững mạnh, toàn diện trong tình hình mới.
Quảng Ninh và những con số ấn tượng
Kết quả trong 9 tháng năm 2023, nhất là tăng trưởng kinh tế GRDP đạt gần 10% là những “con số ấn tượng” mà không phải tỉnh/thành phố nào ở Việt Nam cũng có thể làm được.
Để đạt được những con số ấn tượng đó là sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy.
9 tháng năm 2023, vượt qua những khó khăn, thách thức, tỉnh Quảng Ninh đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,94%, trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%.
Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% (so với cùng kỳ năm trước); tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8%. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đạt 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao, tăng 4%, trong đó: thu nội địa đạt 28.678 tỷ đồng, tăng 3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 5%.
Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 45.372,6 tỷ đồng, tăng 5,5% so với kế hoạch, tăng 33,8%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt được kết quả rõ nét, ước đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch. Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả; vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao.
Trước những thuận lợi/khó khăn đan xen của tình hình quốc tế và trong nước, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong tình hình mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; rà soát, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung kịp thời, nâng cao chất lượng ban hành các quy chế, quy định; ban hành các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn theo hướng thiết thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt hướng tới an ninh con người.
HẾT