Trong số các quần thể, di tích nổi tiếng ở xứ Kinh Bắc, chùa Đại Quang tọa lạc ở xã Hòa Long, TP Bắc Ninh được biết đến là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 300 năm tuổi và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, các phật tử nơi đây không ngừng gìn giữ, bảo tồn nhưng đến nay ngôi chùa cổ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Ngôi chùa cổ
So với những ngôi chùa trong vùng, chùa Đại Quang (hay còn gọi là chùa Chấp) hoang sơ, hiu quạnh hơn nhiều. Có lẽ cũng chính vì quang cảnh đổ nát bên trong ngôi chùa, khiến các phật tử trong vùng ít khi lui tới. Duy chỉ còn sư trụ trì Thích Tâm Đức cùng vài phật tử vẫn ngày đêm thay nhau trông coi chùa.
Trước mặt tôi là sư thầy Thích Tâm Đức - Sư trụ trì của ngôi chùa Chấp. Ấn tượng đầu tiên của tôi là vị sư thầy trẻ tuổi nhưng lại chọn lựa nơi tu hành hoang tàn, già cỗi. Sau lời chào hỏi, thầy kể cho chúng tôi về duyên nghiệp tu hành và những ngày đặt chân đến ngôi chùa cổ này.
|
Chùa Đại Quang ở thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc ninh có niên đại hơn 300 năm tuổi. |
Mặc dù đã sáp nhập vào thành phố, nhưng Hòa Long vẫn là một xã nghèo. Trước đây là một trong những vùng quê trù mật và văn hiến bậc nhất nhị xứ Kinh Bắc. Chùa Chấp tọa lạc ở trung tâm làng, có vị thế đắc địa, phía trước là hàng cây cổ thụ quanh năm rợp bóng. Theo các tư liệu lịch sử, ngôi chùa có niên đại hơn 300 năm. Trước năm 2010, chùa hoàn toàn hoang sơ, không có sư trụ trì.
Bước đầu về hành đạo nơi đất khách quê người, sư thầy Tâm Đức gặp rất nhiều khó khăn: "Khi ấy, ngôi chùa chỉ là nhà cấp bốn đổ nát, sập sệ. Những bức tượng thờ trong chùa bị đánh cắp. Thế rồi, thầy trò chúng tôi đã chung tay cùng với người dân trong vùng sửa sang ngôi chùa, sắm thêm tượng phật về thờ. Và ngôi chùa mới tạm được như ngày hôm nay".
|
Những bia đá cổ nhà chùa lưu giữ cho đến nay. |
Từ phía ngoài, tổng quan kiến trúc chùa có quy mô lớn và cảnh đẹp. Phía trung tâm là Tam bảo, đằng sau là nhà bếp, vườn, ao và phía phải là cổng ra vào. Trước cổng là bức tượng Quan thế âm bồ tát. Toàn bộ hệ thống khung đỡ, kèo, cột đều được dựng bằng gỗ lim, chạm khắc trang trí họa tiết tinh xảo với nhiều đề tài như: “Rồng mẫu tử”, “Tứ linh hội tụ”, “Tứ quý khoe sắc”…
Kể từ khi có Sư trụ trì về tiếp quản, ngôi chùa lưu giữ, bảo tồn nhiều cổ vật quý như: bia đá thời Nguyễn, quả chuông cổ và nhiều pho tượng phật giá trị. Ngoài những giá trị lịch sử, tâm linh, chùa Chấp còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hàng năm cứ vào ngày 15 tháng Giêng, chùa lại mở hội trong làng đón khách, đón chạ, sinh hoạt với các phật tử.
Theo lời sư Trụ trì, hằng năm, nhà chùa mở các khóa tu tập: Niệm Phật, Tụng Kinh, Thọ Bát quan trai, sám hối, Bồ tát và mở những lớp Anh ngữ, Tin học; dạy Phật Pháp cho các em thanh thiếu niên (không phân biệt Tôn giáo) v.v. … Cung thỉnh những bậc Cao Tăng Thiền Đức từ khắp nơi quang lâm để hướng dẫn cho Phật tử về đường lối tu tập. Chùa Chấp là nơi để mọi người trở về tắm trong dòng suối tươi mát, thanh lương của đạo Từ Bi và Giải Thoát.
Và nhiều khó khăn...
Nguyện vọng của người dân trong vùng là được tham dự nhiều khóa tu, thế nhưng gần đây đang bị gián đoạn. Nguyên nhân bắt nguồn từ ngôi chùa cổ xuống cấp trầm trọng, ít ai dám lui tới Tam Bảo, sảnh chính. Nhiều khi, nhà chùa phải sinh hoạt ngoài sân.
|
Những chiếc kèo ở điện Tam Bảo mục ruỗng, chờ sập. |
Mục sở thị ngôi chùa, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn của nhà chùa. Những cây cột, kèo đã bị mục rỗng, các đầu mối của khung gỗ gần như bị rời ra, mái ngói bị vỡ, xô lệch. Chỉ cần một trận mưa giông cũng cướp đi tòa Tam Bảo. Một người dân trong vùng cho biết: "chúng tôi ra chấp tác cho nhà chùa rất e ngại. Đương quét dọn thế này nó lại sập ngói hay gỗ. Hôm vừa rồi cũng thế, ngói nó rơi xuống đầu. Khách thập phương vào chùa vừa làm lễ vừa sợ, toàn đứng ngoài thôi, không dám vào".
Trải qua 300 năm, mặc dù đã trải qua không ít thiên tai, biến cố song chưa một lần nào chùa được chỉnh trang một cách có hệ thống. Có chăng cũng chỉ là sự chắp vá tạm thời. Sự chắc chắn của ngôi chùa đang mất dần đi và thay vào đó là những vết nứt rạn, sập sệ ở khắp nơi.
Toàn bộ hệ thống cột trụ bằng lim trong chùa và những hoa văn đã bị phủ đầy rêu mốc, những lớp sơn trạm trổ không còn rõ hình thù chỉ là những mảng bám mờ nhạt. Những pho tượng được gác trên cao tạm bợ. Nhiều cột trụ bị mối mọt đục rỗng không còn đứng vững, dân làng đành phải dùng các thanh gỗ, cột tạm thay thế chống đỡ nhưng mái chùa vẫn có nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào.
Được biết, các phật tử và người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp về tình trạng xuống cấp của chùa Chấp. Tuy nhiên đến nay ngôi chùa vẫn trong tình trạng chờ sập. Ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Hòa Long cho biết: "Chùa Chấp nằm trên địa phận xã Hữu Chấp. Rất nhiều năm nay ngôi chùa đã xuống cấp.
|
Sư thầy Thích Tâm Đức cho biết: rất ít người dám lui tới Điện Tam Bảo chỉ vì chùa xuống cấp nghiêm trọng. |
Nhân dân trong khu đã họp bàn thống nhất, quyết định sẽ khởi công trùng tu chùa bằng nguồn kinh phí tự đóng góp và huy động xã hội hóa. Mặc dù vậy, số kinh phí dự trù lên đến gần 10 tỷ đồng là quá sức dân. Rất mong các cơ quan cấp trên nhanh chóng hỗ trợ thêm kinh phí và đặc biệt là các tập thể, cá nhân phát tâm công đức để cùng nhân dân địa phương giữ gìn ngôi chùa cổ giá trị này".
"Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ Tiên". Câu thơ đã in đậm trong lòng mỗi người dân Hữu Chấp và là niềm tự hào của mỗi con người nơi đây về ngôi chùa cổ - nơi gắn bó sinh hoạt tâm linh, văn hóa tín ngưỡng của các thế hệ hơn 300 năm qua. Người dân nơi đây mong muốn ngôi chùa được tôn tạo, trùng tu để chùa Chấp không chỉ tồn tại trong kí ức.