Theo nguồn tin của Pháp luật Plus, giữa tháng 3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã có những đánh giá về việc mua, bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Dũng, thị xã Việt Yên và thành phố Bắc Giang.
Qua cuộc đánh giá này, cơ quan chức năng đã ghi nhận những mặt tích cực và tồn tại xung quanh công tác quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất; UBND huyện Yên Dũng, thị xã Việt Yên và thành phố Bắc Giang đã chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, thị, thành phố rà soát các hồ sơ chuyển nhượng quyển sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp do đơn vị tiếp nhận và thụ lý đều có hợp đồng, văn bản theo quy định; việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành.
Đáng chú ý, tính đến tháng 3/2024 thị xã Việt Yên chưa tổng hợp danh sách chủ rừng báo cáo theo quy định.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang nhận định trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp. Ảnh minh họa - tác giả Chí Kiên |
Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại 03 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (huyện Yên Dũng, thị xã Việt Yên và thành phố Bắc Giang), cơ quan chức năng nhận định: Có một số trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất rừng sản xuất); kết quả kiểm tra cho thấy tất cả các hồ sơ đều có hợp đồng chuyển nhượng theo quy định, việc chuyển nhượng đăng ký biến động quyền sử dụng đất được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật hiện hành. Chưa phát hiện trường hợp nào chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái quy định.
Tuy nhiên, thực tế tình trạng mua, bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp đã và đang diễn ra, được thực hiện giữa các hộ dân với nhau, người mua chủ yếu là người địa phương khác, việc mua, bán thông qua hình thức viết tay mà không thực hiện trình tự thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, chưa được thường xuyên, còn lúng túng trong việc tham mưu, đề xuất thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, việc xử lý một số vụ vi phạm về lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp còn chậm, chưa dứt điểm.
Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng đã thông tin: Trên địa bàn huyện Yên Dũng hầu hết diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình quản lý sử dụng và cơ bản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất; Công tác quản lý, sử dụng phát huy hiệu quả;
UBND huyện đã chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện (đơn vị chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn) rà soát các hồ sơ chuyển nhượng quyển sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp do đơn vị tiếp nhận và thụ lý đều có hợp đồng, văn bản theo quy định; việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành; không có trường hợp nào vi phạm quy định về chuyển nhượng rừng, đất lâm nghiệp trái quy định của pháp luật.
"Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện Yên Dũng có 1.389,12 ha đất rừng sản xuất của 11 xã, thị trấn. Toàn bộ diện tích đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, sử dụng; phần lớn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn một phần nhỏ tại thị trấn Nham Biền chưa quy chủ (hiện đang ghi UBND xã) là do trong quá trình đo đạc bản đồ địa chính các chủ sử dụng rừng không có mặt tại địa phương hoặc chưa cung cấp được giấy tờ về việc giao đất giao rừng nên tạm thời quy chủ cho UBND xã", lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng thông tin.
Ảnh minh hoạ - tác giả Chí Kiên |
Trong khi đó, phía UBND TP Bắc Giang nhận định: Tình trạng mua, bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp đã và đang diễn ra tại 02 xã Đồng Sơn và Song Mai; việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng chủ yếu được thực hiện giữa các hộ dân với nhau, người mua chủ yếu là người địa phương khác, việc mua, bán thông qua hình thức viết tay mà không thực hiện trình tự thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hiện hành, không thực hiện trách nhiệm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính quyền xã chưa quyết liệt tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng mua, bán, chuyển nhượng rừng (do lực lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kiêm nhiệm nhiều công việc).
Để giải quyết tình trạng trên, phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về mua, bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp; làm rõ các trường hợp chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái quy định (không đủ điều kiện được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp; mua bán thông qua giấy tờ viết tay; không thực hiện thủ tục chuyển nhượng, đăng ký biến động quyền sử dụng đất...) để xử lý nghiêm theo quy định.
Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin vụ việc có người phá rừng với diện tích hơn 10ha tại khu vực Đình Hẩy, thôn Văn Non, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam trái pháp luật. Liên quan đến vụ việc trên, cơ quan công an huyện Lục Nam đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại rừng tại khu Đình Hẩy, thôn Văn Non, xã Lục Sơn (Lục Nam) xảy ra năm 2023, 2024. Cùng với đó, ngày 4/4, UBND huyện Lục Nam có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ phá rừng trên địa bàn thôn Văn Non, xã Lục Sơn. |