Đây là một trong nhiều ý kiến tâm huyết được các đại biểu đóng góp vào Hội thảo phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra mới đây.
Mở đầu buổi Hội thảo, ông Mai Sơn - PCT Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu một thực tế rất thiết thực đối với các đại biểu có mặt, đó là nhờ công nghệ AI viết hộ bài phát biểu khai mạc.
“Để test thử sức mạnh của chip bán dẫn và công nghệ AI, đêm qua tôi có nhờ Chat GPT soạn hộ bài phát biểu khai mạc hôm nay, tôi gõ lệnh: “Viết hộ lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bài phát biểu khai mạc hội thảo thực trạng, giải pháp đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý từ trung ương, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài sản xuất chip bán dẫn. Sau đúng 41 giây, đã cho ra kết quả ấn tượng”.
“Có lẽ sau khi nhận được bài gợi ý này thì chúng ta có thể khẳng định không có ai trong chúng ta có thể trong vòng 2/3 phút có thể viết xong một bài phát biểu như vậy. Điều đó cũng cho chúng ta thấy sức mạnh của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang hàng ngày phát triển một cách mạnh mẽ quanh ta và chúng ta rất khoát phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào chuỗi giá trị này”, ông Mai Sơn cho hay.
|
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang |
Chuẩn bị nguồn nhân lực chip bán dẫn ngay và luôn
Kinh tế quý I/2024 của Bắc Giang đứng đầu cả nước, tỉnh có 3 DN lớn đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, 5 cụm công nghiệp điện tử. Chính vì vậy, Bắc Giang có nền tảng vững chắc để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành cái nôi phát triển nguồn lao động bán dẫn cho các DN, khu công nghiệp (KCN).
Chính vì vậy, ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT, kiêm Chủ tịch Công ty FPT IS (thuộc Tập đoàn FPT) đánh giá: “Bắc Giang cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để trở thành thành phố bán dẫn và là một trong những tỉnh đi đầu về bán dẫn như: Chuẩn bị nguồn nhân lực chip bán dẫn ngay và luôn để đáp ứng nhu cầu của các DN nước ngoài đến Bắc Giang mở nhà máy. Thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước xây mới nhà máy bán dẫn trên địa bàn để nội địa hóa chuỗi cung ứng.
"Phát triển trung tâm về chuỗi cung ứng và kho bãi, trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực và toàn cầu vì có vị trí địa lý thuận lợi và chính sách cởi mở. Trên quá trình đó, FPT mong muốn tận dụng thế mạnh trong lịch sử hợp tác nhiều năm song hành cùng Bắc Giang, để khai thác các tiềm năng tiếp theo về bán dẫn và FPT sẽ luôn đồng hành cùng Bắc Giang trong quá trình trở thành thành phố bán dẫn”, Chủ tịch Công ty CP bán dẫn FPT nhận định.
|
Các doanh nghiệp FDI tại Bắc Giang luôn tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Trong khi đó, TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) cho rằng: Bắc Giang đang dần chuyển mình để trở thành một khu vực tiềm năng cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn từ các nguồn vốn FDI.
Tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn, do đó việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch đóng vai trò rất quan trọng. Việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ mang lại lợi ích cho các DN và tỉnh Bắc Giang, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội Việt Nam trong tương lai.
|
TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC). |
PGS.TS. Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Với tài nguyên đất đai và nguồn nhân lực lao động trẻ của Bắc Giang, việc thu hút các nhà máy và tập trung vào khâu sản xuất đóng gói, kiểm thử như các địa phương hiện nay là phổ biến và phù hợp. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang, tỉnh cần chú trọng xác định mục tiêu và nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và thu hút đầu tư, phục vụ phát triển các KCN.
Việc đào tạo có thể thông qua hợp tác, đặt hàng với các trường đại học có năng lực và các loại hình đáp ứng nhu cầu từ đào tạo nghề, đào tạo thực hành, đào tạo theo nhu cầu bổ sung kiến thức đến đào tạo trình độ cao chuyên sâu đặc thù. Ngoài ra, tỉnh có thể đặt hàng các khóa ngắn hạn theo nhu cầu, các khóa liên kết đào tạo kết hợp thực hành tại DN trong và ngoài nước để nhanh chóng tăng cường nguồn nhân lực. Tỉnh cần có chính sách thu hút con người có trình độ phù hợp từ các địa phương đến làm việc.
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực
TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) cho rằng với số lượng các DN đang tăng lên, nhu cầu nguồn nhân lực cho tất cả các giai đoạn trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành phụ trợ đang thay đổi nhanh chóng, Bắc Giang cần phải nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các DN tại Bắc Giang.
Để làm được điều đó, Bắc Giang cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức… để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo.
|
Tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn, do đó việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch đóng vai trò rất quan trọng. |
TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chuẩn bị nguồn nhân lực cần phải đi trước một bước; đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho những người lao động đã có các kỹ năng cơ bản để kịp thời tham gia vào các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là một cách hiệu quả để bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt trong giai đoạn hiện nay.
Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa bàn lân cận trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách cụ thể trong việc thu hút nhân tài làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.