Gia Lâm: "Khó" kiểm tra xe quá tải do không được trang bị cân kiểm tra tải trọng!

Theo Công an huyện Gia Lâm, do không được trang bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, nên khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.


Tin nên đọc

Liên quan đến việc xe ô tô tải có dấu hiệu quá tải chạy trên tuyến đê sông Hồng qua địa bàn 2 xã Đông Dư – Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) mà trước đó Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết phản ánh.

Mới đây Công an Huyện Gia Lâm đã có văn bản trả lời nội dung Pháp luật Plus đã đăng tải.

Theo văn bản, Công an huyện Gia Lâm cho biết, huyện Gia Lâm đang trên đà phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án, tuyến đường đang được triển khai, nâng cấp, mở rộng, đặc biệt là các tuyến đê trên địa bàn huyện Gia Lâm, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng để phục vụ việc thi công các dự án, tuyến đường nói trên đã ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

hanoi16

Những chiếc xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy trên tuyến đê sông Hồng qua địa bàn xã Đông Dư, Gia Lâm.

Trước tình hình trên, Công an huyện đã mời chủ các bến bãi, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cá nhân có xe kinh doanh, chở vật liệu xây dựng và các đơn vị thi công để tuyên truyền ký cam kết thực hiện nghiêm túc Luật giao thông đường bộ.

Công an huyện thường xuyên phối hợp với đội CSGT số 5 Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đội Thanh tra giao thông vận tải huyện tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đặc biệt là các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, chở vật liệu xây dựng rơi vãi, lôi kéo đất ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường...

Công an huyện Gia Lâm cũng cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát, Công an huyện nắm được các doanh nghiệp vận tải, cá nhân có xe kinh doanh vận tải chở vật liệu xây dựng phân công người cảnh giới, khi có mặt cơ quan chức năng thì các xe không hoạt động, né tránh lực lượng chức năng, khi không có lực lượng chức năng làm việc thì các xe lén lút hoạt động…

271810552_466404551856296_57243490965006011_n

Văn bản phía Công an huyện Gia Lâm gửi tới Tòa soạn Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam.

Công an huyện không được trang bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm, phải đưa đến trạm cân tải trọng xe cơ giới để kiểm tra tải trọng, nhưng vào các khung giờ từ khoảng 20h đến 07h30 phút sáng hôm sau các trạm cân nghỉ không hoạt động, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Để giải quyết khó khăn trên, Công an huyện Gia Lâm cho biết, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với đội Thanh tra giao thông vận tải huyện, đội CSGT số 5 - PC08 Công an TP Hà Nội tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, đặc biệt là các hành vi chở hàng quá khổ, quá tải, vận chuyển bùn đất, vật liệu xây dựng không che chắn hoặc có nhưng không đảm bảo để rơi vãi gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường... trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung, tuyến đê sông Hồng nói riêng…

Trước đó, Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin về việc trong suốt thời gian dài tình trạng các xe tải trọng tải lớn có dấu hiệu quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng ngày, đêm "cày nát" tuyến đê sông Hồng trên địa bàn qua 2 xã Đông Dư và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) gây hư hỏng mặt đê, bụi, cát rơi vãi khắp lòng đường khiến giao thông khu vực luôn bị ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông cao.

hanoi14
hanoi18

Những chiếc xe tải ngày đêm chạy trên tuyến đê sông Hồng.

hanoi9

Oằn mình lên dốc.

Theo ghi nhận của Phóng viên, những “binh đoàn” xe tải cỡ lớn này vận chuyển cát từ khu vực tập kết cát ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Đông Dư để mang đi phục vụ một số dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm và vùng lân cận. Điều đặc biệt mà Phóng viên quan sát thấy phần đa các loại xe tải ben này đều mang nhãn hiệu HOWO và các logo trên đầu xe như AB, T&B, IS, 6789…. như một tín hiệu ám chỉ “xe vua” hoặc một “tín hiệu” khác để lưu thông dễ dàng.

Được biết, trên tuyến đê này có biển báo ghi rõ trọng tải xe chạy trên tuyến đường này là 18 tấn. Tuy nhiên với những chiếc xe tải ben mang nhãn hiệu Howo 4 chân do Trung Quốc sản xuất thì tổng trọng tải toàn bộ là khoảng 30 tấn, thùng xe nguyên bản cho phép là khoảng hơn 12 khối vật liệu. Nếu tính ra những chiếc xe này khi chở cát sẽ thì tổng trọng tải sẽ gấp 3 – 4 lần so với quy định được phép.

Một người dân sinh sống trên địa bàn xã Đông Dư cho biết: “Chúng tôi là những người dân sinh sống ở đây lâu đời, làm ổi, bán ổi quanh năm cạnh tuyến đê này đã lâu, các loại xe tải chở nguyên vật liệu này chạy ở đây suốt ngày, đêm xe này vào xe khác lại ra nối đuôi nhau ra vào chở cát chạy cứ vun vút”.

Anh N.V.H một người dân sinh sống trên địa bàn xã Đông Dư cho biết: “Tuyến đê này trước đây cách khoảng 2,3 năm là được làm bằng bê tông, sau vì lún, nứt tạo thành các đoạn đứt, gãy khiến giao thông đi lại khó khăn. Đợt năm 2018-2019 tuyến đê này được làm lại và trải nhựa nhìn sạch sẽ và đẹp. Tuy nhiên thời gian qua lượng xe tải chở cát ngoài bãi sông Hồng vào chạy trên tuyến đê này khiến cho tuyến đê bụi bẩn mù mịt, tình trạng đê hiện nay có dấu hiệu nứt, lún. Điều đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao”.

Mặc dù tuyến đê này mới được làm lại không lâu, tuy nhiên hiện nay một số chỗ trên đê đã bị lún, nứt. Mới đây đơn vị thi công đã tiến hành sửa chữa lại những nơi bị hỏng.

Theo một số người dân bên đường cho hay. Cách đây khoảng nửa tháng (đầu tháng 1/2022), đơn vị sửa chữa đã sửa chữa lại những nơi bị hỏng. Tuy nhiên khi thi công, đơn vị sửa chữa đưa máy cắt vào cắt phần bị hỏng kiểu khoanh vùng. Nhưng khi tiến hành vá đường họ không thấy đơn vị sửa chữa dùng máy móc phần bị hỏng lên và tiến hành đầm lại cho chắc mà họ trải nhựa đường trực tiếp lên trên mặt như kiểu mình dán miếng Salonpas vậy.

"Chúng tôi không biết đơn vị sửa chữa vậy có đúng kỹ thuật không, chúng tôi thấy làm vậy sợ không hiệu quả và mất thẩm mỹ cả tuyến đê khi chắp vá tạo ra những mảng đường nhấp nhô", một người dân sinh sống tại khu vực cho hay.

IMG20220122110509

Tuyến đường đê bị hỏng và được sửa chữa.

IMG20220122110753

Theo ghi nhận của Phóng viên, đơn vị sửa chữa trải nhựa trực tiếp lên lớp mặt đường chứ không móc phần bị hỏng lên rồi đầm lại và trải nhựa khiến phần mặt đường bị nhấp nhô.

Cũng theo phản ánh của người dân, tình trạng xe tải ben cỡ lớn chạy như vậy có dấu hiệu quá khổ, quá tải hoạt động trong suốt thời gian dài nhưng rất hiếm khi họ thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Như Trường

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/gia-lam-kho-kiem-tra-xe-qua-tai-do-khong-duoc-trang-bi-can-kiem-tra-tai-trong-167545.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.