Chuyện xảy ra cách đây đã 22 năm. Vậy mà bóng đen của nó vẫn tiếp tục trùm phủ xuống mối quan hệ giữa Pháp và Rwanda.
Không chỉ thế, nó làm cho mối quan hệ song phương này trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân sâu xa là cả hai phía đều dùng việc đổ vấy trách nhiệm hoặc cáo buộc bên kia chịu trách nhiệm liên đới để phủ nhận hay hạn chế trách nhiệm của chính mình.
|
Ảnh minh họa. |
Bản chất vụ việc xảy ra cách đây 22 năm không bị bên nào phủ nhận. Đó là diệt chủng ở Rwanda khiến khoảng 800.000 người bị sát hại.
Phía Pháp đã lập tòa án riêng để truy tố và xét xử một số cá nhân ở Rwanda bị cáo buộc và phía Pháp cho rằng đã chứng minh được là liên quan trực tiếp đến vụ diệt chủng này.
Bị cáo đầu tiên đã bị phía Pháp bắt giữ và đưa ra xét xử, bị kết án ở cả tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Nhưng mới đây thôi, phía Rwanda tuyên bố bắt đầu tiến hành điều tra về việc ít nhất 20 quan chức của Pháp liên quan trực tiếp đến vụ diệt chủng, từ chủ mưu, hậu thuẫn và tham gia trực tiếp đến liên đới.
Cả phía Pháp lẫn phía Chính phủ hiện tại ở Rwanda đều có động cơ mục đích và lợi ích giống nhau trong cách hành xử “ăn miếng trả miếng” này. Vụ diệt chủng xảy ra cách đây đã lâu nhưng vì là vụ diệt chủng nên nó không bao giờ bị phai mờ bởi thời gian.
Nó là vết nhơ không thể rửa tẩy đi nổi trong mối quan hệ giữa Pháp và Rwanda mà câu trả lời cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai ám ảnh lâu dài thể diện và uy danh quốc gia của Pháp và Rwanda trên thế giới.
Hai bên chủ ý biểu lộ quyết tâm tìm ra sự thật và vãn hồi công lý không phải vì có thái độ cầu thị trước lịch sử mà vì muốn chứng tỏ mình vô can.
Vụ việc này đã được đưa ra xử lý tại Tòa án quốc tế của LHQ nhưng cả Pháp lẫn Rwanda đều vẫn vận hành quy trình xét xử riêng với phương châm là “buộc tội kẻ khác để chứng minh mình vô tội”.