Tính đến 28/3/2024, toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9%.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Giao Thông) |
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài Chính diễn ra vào hôm 29/3, thông tin về tình hình xuất hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu hiện nay, ông Mai Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế; khoản 4 Điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Cụ thể: Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Căn cứ quy định nêu trên bắt buộc các cửa hàng xăng dầu phải thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng bắt buộc từ ngày 01/7/2022.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu…
Tính đến ngày 28/03/2024, toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Còn khoảng trên 100 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 1,1%. Đã có 59/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%, 40 địa phương hoàn thành 100% tiến độ.
Theo báo cáo của các Cục Thuế, phấn đấu đến 31/3/2024 về cơ bản các cửa hàng xăng dầu trên cả nước sẽ thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý tiền ảo Cũng tại buổi hợp báo, liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, tài sản ảo, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo. Đây thực sự là nội dung khó bởi tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm đa dạng các sản phẩm, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy các nước vẫn đang có các cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này. Đây là lĩnh vực mới cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khuôn khổ pháp lý cần được xem xét kĩ. |