Hơn 3 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào bất động sản, Bùng nổ tranh chấp chung cư, Năm "vật vã" của nhà ở xã hội,...là những sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2017.
1.Sốt đất nền ngoại thành TP HCM, sân bay Long Thành và đặc khu
Thời điểm tháng 3/2017, cơn sốt đất nền bắt đầu bùng phát ở khu vực huyện ngoại thành TP HCM như Bình Chánh, Nhà Bè và tới tháng 5 ghi nhận ở tận huyện đảo Cần Giờ.
Không dừng lại ở đó, cơn sốt đất nền cũng phủ sóng tới huyện Củ Chi, Hóc Môn với thông tin sẽ có tập đoàn đầu tư khu đô thị lớn tại huyện Củ Chi và xây dựng hàng loạt dự án giao thông kết nối.
|
Đất nền vùng ven lên cơn sốt năm 2017 |
Cơn sốt đẩy lên đỉnh điểm khi ở các tuyến đường lớn nhỏ đều được treo biển bán đất. Giá đất cũng tăng mạnh theo giờ và những dự án phân lô bán nền nhỏ lẻ đua nhau mọc ra như nấm sau mưa.
Trước tình trạng này, UBND TP HCM nhận định đây chỉ là cơn sốt ảo và đưa ra biện pháp mạnh nhằm dập cơn sốt, trong đó có cả yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng thổi giá đất. Trước động thái này, cơn sốt đất nền đã nhanh chóng hạ nhiệt.
2.Hơn 3 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào bất động sản
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 với tổng vốn đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất trong năm 2017 là Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP HCM với tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do liên doanh từ Hàn Quốc đầu tư.
|
Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2. |
Trong năm qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ “thâu tóm” bất động sản lớn của nhà đầu tư nước ngoài như: Capitaland (Singapore) mua lại dự án căn hộ có tổng giá trị đầu tư 177 triệu USD tại Quận 4, TP.HCM; Keppel Land (Singapore) thâu tóm 2 lô đất tại khu Nam Sài Gòn và quận 9, dự kiến chi gần 300 triệu USD để phát triển dự án; tại Hà Nội, Growing Sun Investment mua lại dự án phức hợp cao cấp Diamond Rice Flower Complex rộng 4,2 ha từ Kinh Bắc City Group…
3.Bùng nổ tranh chấp chung cư
Năm 2017 có thể nói là năm có nhiều tranh chấp chung cư nhất từ trước đến nay. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã rộ lên hàng loạt sự vụ gây “nhức đầu” cho các cơ quan chức năng như tranh chấp tại Home City, Him Lam Thạch Bàn 2, New Horizon, Capital Garden, Golden West, Parkview Residence, Mulberry Lane, Goldmark City, Goldsilk Complex, Imperia Garden, Ngoại giao đoàn…
Còn tại TP. HCM, theo báo cáo của HoREA, toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt phức tạp.
4.Năm "vật vã" của nhà ở xã hội
Kể từ khi gói 30.000 tỷ kết thúc giải ngân, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ mới cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội (vay với lãi suất ưu đãi 4,8%).
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Việc này khiến cho chủ đầu tư và các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, các khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 (do dự án chưa hoàn thành) thì kể từ ngày 1/1/2017 trở đi đã không còn được nhận giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng.
5.Bộ Xây dựng cắt giảm điều kiện kinh doanh
Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trong đó, Bộ đề xuất bãi bỏ 6 ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa tang; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine.
Sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tạm thời Bộ chưa đề xuất bãi bỏ 2 ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư và Kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine.
Theo Nghị định này, Bộ Xây dựng sẽ bãi bỏ 41,3% tổng số điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 43,7% điều kiện kinh doanh và giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh.
6.“Siết nợ” hàng loạt dự án bất động sản
Từ tháng 8/2017, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và hàng loạt ngân hàng ráo riết thu giữ nhiều tài sản đảm bảo của khách vay, trong đó đa số là tài sản bất động sản. Động thái này được xem là mở đầu cho quá trình xử lý 'cục máu đông' nợ xấu tồn đọng lâu nay trong hệ thống các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 42.
|
VAMC thu giữ cao ốc Saigon One Tower |
Cụ thể, VAMC đã thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM vào cuối tháng 8. Trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án.
Sau đó, VAMC cũng tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank. Ngoài VAMC, nhiều ngân hàng cũng tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu như Maritime Bank, Agribank, Techcombank và Sacombank...
7.Dự án đường sắt đô thị chậm trễ cả trong Nam ngoài Bắc
Hai đại dự án đường sắt đô thị (metro) là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM và tuyến Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội đều đang chậm tiến độ vì thiếu vốn.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn đầu tư ước tính 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành, đoạn ngầm được gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng toàn tuyến theo kế hoạch vào năm 2020.
|
Dự án Metro Bến Thành đội vốn lên gần 2,5 tỷ USD đã khiến nguồn vốn ODA phân bổ cho dự án bị “tắc” hơn một năm nay. |
Cũng lâm vào tình cảnh chậm tiến độ là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dù đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%. Khối lượng còn lại 5% gồm hoàn thiện các đơn thể và hạ tầng khu Depot; hoàn thiện một số công việc còn lại của nhà ga do liên quan đến lắp đặt thiết bị (lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa…).
8.Bộ Xây dựng đề nghị TP HCM cho xây căn hộ 25m2
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP HCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45m2 như Luật Nhà ở năm 2005. Thay vào đó, có thể cho phép xây dựng một tỉ lệ nhất định (20%-25%) số căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25m2 - 45m2 đối với các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm. Các dự án ngoài khu vực trung tâm có thể áp dụng tỉ lệ căn hộ diện tích nhỏ cao hơn.
Nhu cầu căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2-3 người tại các khu đô thị lớn, các khu vực phát triển khu công nghiệp tương đối nhiều và đã được đầu tư xây dựng tại một số địa phương.
9.Giá nguyên vật liệu xây dựng đắt đỏ
Trong năm 2017, ngành xây dựng điêu đứng vì giá cát tăng quá cao. Nhiều nhà thầu xây dựng tại TP HCM lâm vào cảnh thi công cầm chừng vì chí phí bị đội lên. Hiện nay, giá cát tại TP HCM tăng đột biến từ 50-200% so với thời điểm đầu năm. Giá cát xây dựng đang ở mức trên 600 ngàn đồng/m3.
Điều tra của Bộ Xây dựng cho thấy từ 2016-2020, nhu cầu về cát cần xấp xỉ 2,3 tỉ m3. Dự báo đến năm 2020, với mức độ sử dụng cát sẽ đạt khoảng 130 triệu m3/năm. Các nhà thầu lo không còn đủ cát để xây dựng.
10.Nhà đất Hà Nội sôi động với nhiều dự án hạ tầng giao thông “khủng”
Hà Nội đang chuẩn bị cho xây mới 5 cây cầu lớn qua sông Hồng và sông Đuống, trong đó có 4 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Cây cầu mới được xây dựng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) gồm: Cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.