Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 18/4.
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời tại phiên chất vấn. (Ảnh: TTXVN) |
Các hành vi tung tin giả, phát tán tài liệu xấu, độc; phát ngôn thiếu chuẩn mực, nói xấu bất hợp pháp, kích động, thù hằn, vu khống, bôi nhọ xúc phẩm uy tín, danh dự của cá nhân và tổ chức… là những vấn đề được các ĐBQH đề cập nhiều tại phiên chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
“Xã hội bị phơi nhiễm” với tin xấu Trả lời tại phiên họp, Bộ trưởng Tuấn cho rằng thế giới ngày nay dịch chuyển theo hướng phát triển công nghệ thông tin, đặt ra thách thức mới cho cơ quan quản lý nói chung.
Mạng xã hội giúp người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin nhanh chóng, hiệu quả, thậm chí trở thành một quyền lực trong xã hội. Trong tương lai, những công cụ như mạng xã hội được dự báo sẽ chiếm lĩnh ưu thế về thông tin.
Tại Việt Nam, ông Tuấn cho biết, nước ta có lượng người sử dụng mạng xã hội thuộc hàng cao trên thế giới, với 45 triệu người có tài khoản mạng xã hội facebook còn youtube thuộc nhóm 10 nước có lượng người xem lớn nhất.
Trong bối cảnh nước ta đang tích cực hội nhập với thế giới, ông Tuấn cho rằng sự phát triển, thu hút của mạng xã hội là xu thế tất yếu và chúng ta không những không hạn chế mà còn khuyến khích mạng xã hội.
Nhưng, Bộ trưởng Tuấn cũng ví mạng xã hội như một đường đi, trên con đường đó có người tốt, có kẻ xấu, người tốt đưa tin tức tốt cho cộng đồng, còn người xấu dùng mạng xã hội để làm điều ác.
“Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền một cách chóng mặt, lan tới các công sở, trên các đường phố, mọi ngõ ngách trong xã hội. Vì vậy, tin tốt tạo hiệu ứng tích cực, còn tin xấu gây hậu quả khôn lường cho xã hội” – ông lưu ý.
Ở nước ta, theo Bộ trưởng Tuấn, việc ý thức, nhận thức pháp luật của một bộ phận dân cư mạng còn kém và một số khó khăn khác đã dẫn đến tình trạng xã hội bị “phơi nhiễm với tin xấu”, trên mạng xã hội đầy rẫy thông tin khiêu dâm, bạo lực, tin thất thiệt.
Trong đó có hiện tượng các thế lực thù địch đang lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, tung tin sai sự thật hoặc thông tin thật giả lẫn lộn để gây hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng được Bộ trưởng Bộ TTTT ví như một cái chợ được những kẻ bất lương, kém phẩm chất sử dụng để bôi nhọ uy tín của người khác, chửi bới nhau trên mạng xã hội. Đây chính là nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất của mạng xã hội hiện nay.
Theo ông Tuấn, thông tin mạng xã hội cung cấp bởi gồm 2 nguồn, bao gồm các cơ quan báo chí chính thống và thông tin do các tổ chức, cá nhân không phải cơ quan báo chí đăng tải. Các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước chủ yếu xuất phát từ mạng xã hội nước ngoài.
Gỡ bỏ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, để đối phó tin giả, tin xấu cần có thông tin chính xác và kịp thời trên các thông tin chính thống bởi khi thông tin báo chí chưa kịp thời thì người ta tìm đọc mạng xã hội.
Chính vì vậy nên quy hoạch báo chí, làm trong sạch người làm báo; bảo đảm minh bạch, tiếp cận thông tin là giải pháp quan trọng nhất để áp đảo thông tin sai trái, theo Bộ trưởng Tuấn.
Về hành lang pháp lý, theo Bộ trưởng Tuấn, gần đây, Bộ TTTT đã có thông tư 38/2016 quy định chi tiết thông tin công cộng qua biên giới và bước đầu có cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ các thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ rà soát cơ sở pháp lý để phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Với các trường hợp vi phạm xác định được nhân thân của người vi phạm thì áp dụng luật hiện hành để xử lý.
“Năm 2015 đã xử phạt hành chính 11 trường hợp, năm 2016 xử lý 4 trường hợp và tiến hành 2 đợt thanh tra. Từ đầu năm 2017 đến nay chúng tôi đã xử phạt 10 trường hợp. Còn đối với trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như facebook, google gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Đến nay Bộ TTTT đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.220 video clip có nội dung độc mà chủ yếu nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh youtube. Đến ngày 12/4/2017, Google đã gỡ bỏ hơn 1.299 video clip xấu độc trên kênh youtube theo yêu cầu của Bộ TTTT, trong đó có việc phối hợp xử lý kênh phản động có 517 clip” - Bộ trưởng Tuấn thông tin.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong tháng tới, Bộ TTTT sẽ làm việc tiếp với facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trên trang mạng xã hội này.
“Bộ TTTT cũng vừa thành lập tổ công tác xử lý thông tin vi phạm và phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất” - ông nói thêm.
Về giải pháp kỹ thuật, tới đây Bộ sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Việt Nam và đây là biện pháp then chốt để quản lý thông tin ở nước ta.
Cùng với đó xây dựng bộ đo lường theo thời gian, mức độ lan truyền, phát tán thông tin; xây dựng công cụ cảnh báo, đánh giá web thông tin trên internet; xây dựng cơ chế quản lý, kịp thời ngăn chặn chia sẻ tạm dừng phát hiện khi thông tin vi phạm, tăng cường giám sát thông tin sai phạm từ cộng đồng…
“Về dài hạn, chúng ta cần có mạng xã hội tương đương, thay thế và cạnh tranh với facebook tại Việt Nam. Bộ cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc” – Bộ trưởng Tuấn nói.
Quản lý chương trình truyền hình thực tế Về quản lý chương trình thực tế của một số đài truyền hình, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm.
Vừa qua, nhiều chương trình đã đưa tin không chính xác, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như phóng sự dùng chổi quét rau hay vụ nhiều cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải thông tin nước mắm nhiễm asen, một số chương trình gameshow... của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, có hình ảnh phản cảm...
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trước những sai phạm trong nội dung thông tin, Bộ TTTT đã có những hình thức xử lý, nhẹ nhất là nhắc nhở, xử phạt hành chính…
Để tránh những sai sót như trên trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm sai phạm; thậm chí sẽ thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm... Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo...