Nhà thơ Trần Nam Phong vừa xuất bản tập thơ Thức dậy một dòng sông gồm 47 bài, được anh cấu trúc trong ba phần Làng (18 bài), Trong từng khoảnh khắc (16 bài), Sông thức (13 bài).
Đọc tập thơ Thức dậy một dòng sông, dù ở phần nào, bao trùm vẫn là cảm xúc đối với quê hương, đất nước. Trần Nam Phong đi từ làng, đến đất nước; đi từ song thân đến thân phận con người.
“Làng tôi có lũy tre già / Cái năm giáp hạt nở hoa trắng trời / Người quê tần tảo muôn nơi / Đêm đêm thao thức nỗi đời, nỗi quê”, (Làng tôi). Đấy là làng, nơi anh sinh ra và lớn lên – vùng đất nghèo khó Kỳ Anh. Đó còn là ký ức, thuở nghe nói đến giáp hạt là người quê nghèo Hà Tĩnh rùng mình. Vì cơm ăn, áo mặc nên “người quê tần tảo muôn nơi”, vào Nam ra Bắc.
Bìa tác phẩm “Thức dậy một dòng sông” |
Ký ức làng, ký ức tuổi thơ luôn sống trong tâm hồn anh: “Về quê gặp trận mua rào/ Bao nhiêu mây móc lặn vào thịt da/ Mẹ còn đi chợ đường xa / Mình con thơ thẩn ngóng quà tuổi thơ”, (Giấc mơ tuổi thơ).
Quê không chỉ ký ức ấy, quê ngoài tổ tiên, ông bà, bố mẹ còn có những rung động đầu đời “Ngày xưa có mẹ, có bà / Có cô hàng xóm vì ta mà buồn”, (Khói). Đọc những bài thơ trong phần I có tiêu đề Làng, nhất là các bài Giấc mơ tuổi thơ, Làng tôi, Giếng quê, Hoa dong riềng mới thấy Trần Nam Phong sâu nặng với quê nhà, cố thổ.
Những hoài niệm của anh làm thức dậy ký ức của những người sinh ra và lớn lên từ làng, từng lấm láp trên cánh đồng. “Nghiêng gàu múc tiếng từ quy / Chạm con thuyền giấy mùa thi năm nào”, (Giếng quê). Làng từ ký ức qua thơ Trần Nam Phong bước ra, hiện hữu trước người đọc, từ xa đến gần.
Trần Nam Phong là nhà thơ trữ tình, giàu cảm xúc; tất nhiên, mảng thơ về làng quê trong Thức dậy một dòng sông còn chất chứa bao suy tư trước sự thay đổi, vì sự thay đổi.
“Bao nhiêu nước mắt phù du/ Thấm vào biển mặn sa mù bến mê / Ở quê mà vẫn nhớ quê / Đồng chiều ngọn gió bốn bề gọi tên”, (Con về ru tiếng vạc đêm). Câu thơ “Ở quê mà vẫn nhớ quê” gợi lên trong lòng người đọc những điều đã mất đi ở làng, đó có thể là cây đa, bến nước; có thể là văn hóa truyền thống; có thể là tình nghĩa xóm giềng đã không còn “Tắt lửa tối đèn có nhau” nữa?
Thơ luôn kỳ lạ. Thơ luôn bí hiểm, nhưng rõ ràng thơ hay là thơ tạo nên được dư ba, có nhiều vỉa tầng để ngẫm ngợi. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ hay là loại thơ dễ rung động người đọc bằng thứ cảm xúc và hình ảnh liên tưởng, suy tưởng tinh tế và đầy tính sáng tạo khi được khắc họa trong một trường thẩm mỹ giàu chất thơ. Thơ Trần Nam Phong là thơ giàu mỹ cảm.
Đọc thơ về làng của Trần Nam Phong, hẳn những người yêu thích văn học Nga đều nhớ đến tác phẩm Đaghextan của tôi? Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop, tác giả của tác phẩm từng viết: “Chẳng lẽ cái làng Đaghextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?”. Ông khẳng định: “Đẹp hơn là chắc chắn rồi, bởi vì mỗi lần trở về làng “trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”.
“Nửa đời về lại cố hương / Bóng mây còn nhắc con đường ngày đi”, (Giếng quê), nhà thơ Trần Nam Phong xác tín.
Làng là nơi chôn nhau cắt rốn. Làng là tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Trong Thức dậy một dòng sông, Trần Nam Phong dành cho bố, mẹ 5 bài Thưa cha, Cha, Nhớ cha, Mẹ thắp hương, Ngày thường bên mẹ và bố, mẹ với tư cách là hình tượng.
Không một thi sỹ nào không có những bài thơ, vần thơ dành cho song thân. Hình bóng cha mẹ luôn vẹn nguyên trong tâm thức Trần Nam Phong, từ tiếng cha nhắc nhở học bài, thuở còn cắp sách đến trường. “Chắt chiu nắng sớm mưa chiều / Lắng trong ngọn gió gọi triều ban mai/ Cha ơi, con vẫn học bài / Cùng bao ngọn gió thức ngoài mái hiên”, (Thưa cha).
Thơ là vẻ đẹp tâm hồn, là tiếng lòng. Từ văn bản, hiện lên chân dung nhà thơ Trần Nam Phong - người con hiếu nghĩa, luôn day dứt báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. “Cha sống cho con trọn cuộc đời / Bây giờ thương nhớ lắm cha ơi / Đời con dang dở bao mơ ước / Để khổ riêng cha một kiếp người”, (Nhớ cha). “Con về học mẹ làm người / Học cha làm gió sống đời cây xanh”, (Mẹ thắp hương).
Hình tượng mẹ, trong thơ Trần Nam Phong trước hết là người mẹ sinh ra mình, sau nữa là người mẹ miền Trung lam lũ, nghèo khó. “Bao giờ xanh lại ngày xuân / Cho đời mẹ bớt tảo tần nắng mưa / Bao giờ cho tới ngày xưa / Ngồi thương ngọn khói gió đưa về trời”, (Đi qua tháng mười).
Dân tộc Việt Nam có đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; có hẳn một “kho tàng” ca dao, tục ngữ về mẹ, “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, (Ca dao).
Người mẹ là hiện thân của phồn sinh, dâng hiến. Về huyền sử có cha Lạc Long quân, mẹ Âu cơ; về tâm linh có Tín ngưỡng thờ Mẫu; trong tự nhiên, những dòng sông lớn được gọi là sông Cả, trong kiến trúc nhà ở làng, cột chính được gọi là cột cái...
Trong Phật học có Kinh Bát nhã. Trong tiếng Phạn, “bát nhã” hàm nghĩa “trí tuệ”, “huệ”, “nhận thức”, “giác ngộ” - đó là khái niệm về giá trị trung tâm, sự hiểu biết toàn triệt. Mẹ chính là Đạo, là tiếng gọi Chân Như, là ánh sáng Bát nhã.
Chân dung nhà thơ Trần Nam Phong; |
Thức dậy một dòng sông gồm 16 bài lục bát, chủ yếu ở phần I Làng, chiếm 31%. Có thể gọi đó là những khúc ru làng, khúc ru ký ước. Trần Nam Phong là nhà thơ nặng lòng, dễ hiểu anh dùng thể thơ lục bát khi gọi tên miền hoài niệm. Các nhà nghiên cứu văn học thường gọi lục bát là thể thơ thuộc về hồn cốt dân tộc. Anh đã góp phần mang đến lục bát những điều mới mẻ.
Đọc thơ, nhất là lục bát của Trần Nam Phong, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng nhận xét: “...tôi như cảm thấy chất nhạc của các điệu hò, điệu ví dân gian của miền đất này đã ngấm vào các thi điệu lục bát ngọt ngào, tinh tế đang ngân nga trong không ít câu thơ lãng mạn làm nên tên tuổi anh”.
“Ngàn năm chỉ có trăng sao / Trăm năm giấc mộng hoàng bào về đâu / Thẫn thơ áo tím, áo nâu / Nào ai biết được cao sâu cõi người”, (Với Huế)
Đây là bài lục bát gồm 5 khổ, 18 câu. Khổ cuối biến thể chỉ gồm 2 câu. Đọc lục bát Trần Nam Phong, cụ thể ở bài Với Huế, người đọc dễ nhận ra, lục bát chưa bao giờ cũ. Ngược lại, ở lục bát vẫn chuyển tải được tâm hồn Việt; đủ sức chuyển tải nhiều thông điệp về thế sự.
Đọc câu thơ “Nào ai biết được cao sâu cõi người”, khó quên được Xi-mông - Guy-đơ Mô-pa-xăng. Ông từng nói, biển đã rộng mênh mông nhưng trời còn mênh mông hơn; trời đã mênh mông nhưng thấm gì so với lòng người vô biên vô tận. Cõi người đã vô cùng vô tận, văn học nói chung và thơ ca nói riêng khám phá được vẻ đẹp thân phận trong cõi người đó là hành trình bất tận.
Ý nghĩa của thơ luôn vượt ra ngoài “văn bản”. Câu thơ “Trăm năm giấc mộng hoàng bào về đâu”, không phải chỉ là câu hỏi để hỏi, nó mang ý nghĩa thông điệp từ thành quách xưa.
Thức dậy một dòng sông được nhà thơ Trần Nam Phong đề từ "Kính dâng kênh Nhà Lê lịch sử" được anh chọn làm tên chung cho cả tập thơ. Dòng kênh ấy xuất phát từ Hoa Lư chạy dài đến Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, quê hương nhà thơ Trần Nam Phong. Dòng sông ấy gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam.
"Trăm sông suối chảy ngang/ Một dòng kênh xẻ dọc"- đó là sự phát hiện của Trần Nam Phong. Trong bài có nhiều câu hay: "Ơn bông lúa biết cúi đầu niệm hạt/ Thức dậy mùa màng từ những dòng sông". Đây là bài thơ có vẻ đẹp tư tưởng.
“Dẫu vận nước đã bao lần dâu bể/ Con cháu Hồng Bàng chung một gốc sinh ra/ Tiếng đàn đá còn rung bờm ngựa sắt/ Tòa nhân gian là nhân ái chan hòa”, (Thức dậy một dòng sông)
Trần Nam Phong đã đến độ chín của từng trải. Điều này trở thành năng lượng sáng tạo. Thơ anh vừa dung dị, chân thành vừa suy tư, ưu tư tạo nên “cá tính thơ” lay thức, lan tỏa.
“Anh vẫn tin nơi ấy đường chân trời / Khung cửa mở và mặt trời thức dậy”, (Trăng). Thơ Trần Nam Phong luôn hướng tới vẻ đẹp của nhân bản, quy luật càn khôn, tin tưởng vào những điều tươi tốt, mát lành. Đó cũng là thiên chức của thi ca./.