Trong vụ án tham nhũng đất đai tại xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) xảy ra từ năm 2011, UBND huyện Phúc Thọ đã phải ban hành hàng loạt QĐ thu hồi dự án, thu hồi hàng chục ha đất công ích, đất ngoài sổ sách bị cán bộ xã cho thuê bừa bãi… Thế nhưng, ngay khi người dân đấu tranh chống tham nhũng bị CA huyện khởi tố, tạm giam thì chính quyền huyện bỏ ngỏ vô thời hạn việc thực thi khắc phục sai phạm.
|
Bà Nguyễn Thị Thìn - nông dân mù chữ, tham gia nấu cháo tích cực nhất, bị án sơ thẩm tuyên 60 tháng tù và bị tạm giam từ 1/7/2014. |
Trả thù người tố cáo?
Trước việc hàng trăm người dân xã Liên Hiệp liên tục tổ chức nấu cháo trong sân UBND xã từ tháng 4/2011 - 6/2014, ngày 16/5/2014 Cơ quan CSĐT CA huyện Phúc Thọ mới bắt giam Chủ tịch UBND xã này và hai Chủ nhiệm Hợp tác xã Hạ Hiệp, Đồng Hối.
Tuy nhiên, ngay sau đó ngày 26/5/2014 Cơ quan CSĐT CA huyện Phúc Thọ cũng ký hàng loạt QĐ khởi tố vụ án, khởi tố 17 bị can (là những người dân tích cực hoặc đại diện hợp pháp của dân xã Liên Hiệp) về 3 tội “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Hủy hoại tài sản” và trong các ngày 1/7, ngày 7/8/2014, bắt tạm giam 5 bị can.
|
Ông Nguyễn Chí Trọng: Phải chăng họ cố tình trả thù chúng tôi. |
Ông Nguyễn Chí Trọng - Trưởng Ban kiểm soát HTX nông nghiệp Đồng Hối nhiệm kỳ 2011 - 2016, Phó Ban Thanh tra nhân dân xã Liên Hiệp nhiệm kỳ 2013 - 2015, một bị can trong vụ án cho biết: “Trong quá trình tố tụng, Cơ quan CSĐT CA huyện, Viện Kiểm sát ND huyện, Tòa án ND huyện Phúc Thọ chỉ dựa vào các lời khai không đúng sự thật, vu khống của một số nhân chứng là cán bộ xã, CA viên toàn là vợ con, anh em thân thích của những cán bộ sai phạm đang bị nhân dân tố cáo, làm căn cứ buộc tội như vậy là không khách quan. Phải chăng họ cố tình trả thù những người dân dám đứng lên đấu tranh chống tham nhũng?”.
Ông Trọng cho biết thêm: “Bản thân tôi và những bị can khác không được cán bộ điều tra cho đối chất với những nhân chứng khi những lời khai của các nhân chứng mâu thuẫn, cố ý bịa đặt”.
Nói về vụ án này, các luật sư của các bị cáo cho rằng nhân chứng và lời chứng không khách quan, Cơ quan CSĐT CA huyện không đảm bảo được tính khách quan của lời chứng nên không thể dùng làm chứng cứ buộc tội các bị cáo.
Dùng án hình sự để trốn thu hồi hàng chục ha đất sai phạm
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong vụ án tham nhũng đất đai tại xã Liên Hiệp đã có 36,53ha đất nông nghiệp bị cán bộ xã cho thuê trái pháp luật, lập quỹ đen… Sau khi bị người dân tố cáo, ngày 4/5/2012 UBND huyện Phúc Thọ ban hành Thông báo 62/TBKL “Kết luận về việc giải quyết đơn tố cáo của công dân xã Liên Hiệp”.
|
Nhân dân xã Liên Hiệp bắt đầu nấu cháo chống tham nhũng trong sân UBND xã Liên Hiệp từ tháng 4.2011. |
Ngày 8/8/2012, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành hàng loạt QĐ về việc thu hồi các QĐ trước của chính UBND huyện này cho phép thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và hủy hợp đồng chuyển nhượng tài sản và quyền thuê đất trái quy định trên địa bàn xã Liên Hiệp.
Theo những QĐ này thì UBND huyện Phúc Thọ QĐ hủy 15 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất trái phép, của 8 dự án cho người ngoài địa phương; thu hồi 9 dự án vi phạm pháp luật. Số đất đai sai phạm phải thu hồi lên đến hàng chục nghìn mét vuông.
Thế nhưng theo đơn của người dân xã Liên Hiệp gửi Tòa soạn Báo Lao Động, người dân khẳng định: “Khi CA huyện Phúc Thọ khởi tố và bắt tạm giam một số người dân đấu tranh chống tham nhũng thì các ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Phúc Thọ về việc thực hiện Kết luận 62 và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội trong văn bản 323/TB-UBND ngày 10/12/2013 cũng như việc thực thi các QĐ xử lý vi phạm đang có hiệu lực pháp luật bị chính quyền huyện bỏ ngỏ không thực hiện”.
Ông Vương Chí Diên (một trong 17 bị cáo của vụ án) cho biết: “Nhân dân xã Liên Hiệp yêu cầu chính quyền huyện phải xử lý 36,53 ha đất nông nghiệp đã bị chiếm dụng, nhân dân gọi là đất tham nhũng, gian lận nhưng UBND huyện đến nay vẫn không xử lý. Kết luận sai phạm đất đai tại xã Liên Hiệp của UBND huyện Phúc Thọ và UBND TP Hà Nội đến nay vẫn chưa được thực hiện, vẫn chỉ là trên giấy tờ”.
Còn ông Nguyễn Chí Trọng cho biết: “Nhân dân xã Liên Hiệp bắt đầu nấu cháo đấu tranh chống tham nhũng từ tháng 4/2011. Thế nhưng khi Cơ quan CSĐT CA huyện Phúc Thọ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, họ lại chỉ tập trung “điều tra” vào giai đoạn nhân dân nấu cháo từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014. Đây là giai đoạn nhân dân đấu tranh đòi chính quyền huyện, xã thực thi khắc phục những sai phạm đã được chính UBND huyện kết luận và ra QĐ xử lý. Rõ ràng đã có một ý đồ dùng án hình sự để không xử lý sai phạm!”.