Sáng nay (14/1), TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án "chạy thận tử vong" xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tin nên đọc
Hôm nay xét xử vụ án "chạy thận tử vong" ở Hòa Bình
Đang xét xử vụ án "chạy thận tử vong" ở Hòa Bình
Chùm ảnh xét xử vụ án "chạy thận tử vong" ở Hòa Bình
Hoãn phiên tòa "chạy thận tử vong" ở Hòa Bình
Liên quan đến vụ án Chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được Tòa án Nhân dân T Hòa Bình ấn định xét xử lại vào ngày 14/1 gồm 7 bị cáo bị cáo buộc về các tội “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, đặc biệt là đối với trường hợp ông Trương Quý Dương (Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình). Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Tuấn - Chuyên gia pháp lý, người được ông Trương Quý Dương ủy quyền phát ngôn về ông trong vụ án này.
Vụ án chạy lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đến nay đã được Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình thụ lý và đưa ra xét xử, với cáo trạng truy tố đối với ông Trương Quý Dương, ông có ý kiến gì?
Ông Trần Huy Tuấn: Trước tiên, tôi cần nói rõ về cáo buộc của Viện Kiểm sát là một sự qui buộc hết sức nặng nề.
Tại bản Kết luận điều tra bổ sung lần 1 của Cơ quan CSĐT được chính Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt đã kết luận ông Trương Quý Dương không có tội, đồng thời kiến nghị Sở Y tế xử lý về mặt hành chính.
Tại cáo trạng lần này, Viện Kiểm sát không viện dẫn được bất kỳ văn bản pháp luật nào, hay bất kỳ chứng cứ nào, mà lại qui buộc ông Dương vi phạm Quy chế Bệnh viện do Bộ Y tế ban hành – thì điều này, tôi cho rằng, Viện Kiểm sát đã có sự nhầm lẫn khái niệm về Quy chế và Qui phạm pháp luật, mà ở đây, Viện Kiểm sát đã áp cái không phải là văn bản qui phạm pháp luật để buộc tội đối với ông Trương Quý Dương.
Thật vậy, Qui chế Bệnh viện là một hệ thống qui phạm nội bộ của một đơn vị, tuyệt nhiên nó không phải là văn bản qui phạm pháp luật, và qui chế nội bộ này do đơn vị tự ban hành.
Mẫu quy chế Bệnh Viện do Bộ Y tế ban hành kèm Quyết định 1895/1997 là thể thức văn bản mẫu hướng dẫn đơn vị tự xây dựng để điều hành nội bộ, là qui phạm điều chỉnh các vấn đề liên quan chính sách, chế độ, hoạt động,…có liên quan đến tính nguyên tắc nội bộ.
Viện Kiểm sát lấy nội dung rằng: “Giám đốc có trách nhiệm quản lý chung bệnh viện” để cho rằng, ông Dương không sâu sát để xảy ra sự việc nên có tội, nói thế là không đúng, bởi nó là nguyên tắc chung, không phải là trách nhiệm, không có tính bắt buộc và tính cưỡng chế.
Vấn đề, ông Dương là công chức, vậy Viện kiểm sát lấy Luật công chức, hay Luật y tế để buộc tội đối với hành vi công vụ đối với ông Trương Quý Dương? Và Quyết định 1895 đó có phải là Luật công chức? Liệu có đứng trên luật?
|
Các bị cáo đưa ra xét xử trong phiên tòa sáng 14/1. |
Vì vậy, việc dùng một qui chế nội bộ làm chứng cứ để cáo buộc về trách nhiệm hình sự ông Dương là hiểu sai về chứng cứ, là cáo buộc quá nặng nề, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự về chứng cứ.
Theo ông, nếu ông Trương Quý Dương bị buộc tội thì dựa trên những căn cứ gì? Và lý do tại sao lại buộc tội ông Trương Quý Dương khi mà trước đó ông Dương đã bị xử lý hành chính?
Ông Trần Huy Tuấn: Như đã nói, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã truy tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Trương Quý Dương. Vậy thì, để rỏ ràng và sòng phẳng, tôi cần một căn cứ pháp luật tương ứng với hành vi phạm tội của của ông Trương Quý Dương để xem xét việc cáo buộc ông ấy về trách nhiệm hình sự này liệu có đúng.
Bởi lẽ, pháp luật, và chỉ pháp luật chứ không phải là ý chí chủ quan, hay tư duy áp đặt làm cái gọi là căn cứ minh thị cho hành vi phạm tội đối với ông Dương. Bởi chính những lập luận, mà ban đầu cơ quan điều tra đã kết luận hành vi của ông Dương là không phạm tội, để rồi sau quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung tới lần 3, lại chính cơ quan điều tra và Viện kiểm sát lại luận tội với lý lẽ tương tự mà không hề có bất kỳ căn cứ nào mới mang tính quyết định đối với hành vi công vụ của ông Trương Quý Dương.
Động thái này, tôi cho rằng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chịu áp lực quá lớn từ dư luận, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã cố tìm cho bằng được một hành vi vi phạm để áp buộc.
Nên cạnh đó, cơ quan điều tra cần tìm chứng cứ để gỡ, và áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Với động thái cố moi cho bằng được tội đối với ông Dương – chính cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã tự “lấy đá ghè chân mình”.
Ông có thể phân tích rõ hơn trong cáo trạng này có những điểm nào không phù hợp trong việc truy tố đối với ông Trương Quý Dương?
Ông Trần Huy Tuấn: Với lập luận cho rằng hành vi của ông Trương Quý Dương là “buông lỏng trong công tác quản lý; chỉ đạo; điều hành; thiếu kiểm tra thường xuyên với cấp dưới (không có cụ thể là cấp nào) để cho cấp dưới vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài”, cáo buộc như thế này thì thật sự quá khiên cưỡng.
Khác với thực tế về chức năng nhiệm vụ của khoa, Đơn nguyên thận nhân tạo là một bộ phận kỹ thuật trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực (gọi tắt là ICU) và được vận hành theo nguyên tắc chuyên môn của khoa, nên Luật không qui định bắt buộc phải ban hành thêm bất kỳ một qui chế nào cho một bộ phận kỹ thuật thuộc khoa đó khi mà, khoa đó đã có qui trình.
Vì thế, cáo buộc ông Dương không ban hành qui chế riêng, hay giao cá nhân nào quản lý là kỹ sư, kỹ thuật viên là một cáo buộc cực kỳ vô lý, cáo buộc không những suy diễn từ ý chí chủ quan, mà còn trái pháp luật.
Ngành y tế là một ngành nghề đặc thù, trách nhiệm của các cá nhân trong bệnh viện là trách nhiệm trên cơ sở chuyên môn.
Nhiều cán bộ, bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo được Bệnh viện cử đi đào tạo về chuyên môn và được cấp chứng chỉ từ Bệnh viện Bạch Mai, tất cả đều nắm rất rõ về qui trình chuyên môn. Ý thức của các lãnh đạo khoa và bác sĩ phụ trách ở đây đều nắm rõ, vì Đơn nguyên lọc máu được thành lập và hoạt động cả 10 năm nay, chạy thận cho hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân và kỹ thuật này trở nên mang tính thường qui chứ không phải là một kỹ thuật gì cao siêu hay phức tạp.
Giám đốc cũng vậy, họ cũng chỉ thực hiện trách nhiệm của mình với việc phân công, phân nhiệm theo từng chuyên môn cụ thể, ở đó có các khoa gồm các Trưởng khoa, Phó khoa và định kỳ nghe báo cáo, chỉ đạo, điều hành theo báo cáo; đề xuất từ các khoa trong các cuộc họp giao ban, đồng thời chỉ đạo kịp thời nếu có đề xuất, thành lập các tổ công tác, đoàn công tác, thanh tra toàn diện,…chứ không thể đi xuống từng khoa, từng bộ phận kỹ thuật để mà chỉ đạo điều hành, vì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có cả hàng ngàn bộ phận kỹ thuật, hàng ngàn cán bộ nhân viên.
Khi sự cố sắp xảy ra, ông Dương không nhận được báo cáo chỉ đạo, cho đến tận trưa mới nghe điện báo cáo thì ông đã cùng các anh em trực tiếp xuống khoa, tích cực trong việc chỉ đạo, cứu chữa và khắc phục sự cố, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo chuyên môn… bảo rằng ông Dương không xử lý kịp thời là cách lý luận suy diễn và rất võ đoán.
Ông vui lòng nói rõ thêm về một số tình tiết để ông thật sự khẳng định rằn, ông Trương Quý Dương không có hành vi phạm tội và đã thực hiện đầy đủ qui trình?
Ông Trần Huy Tuấn: Cáo trạng khẳng định ông Trương Quý Dương giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện đã không chỉ đạo, giám sát kịp thời để xảy ra hậu quả là cái chết của 8 bệnh nhân, tôi nghe mà thật sự rất đau lòng.
Cả đời làm nghề y, 29 tuổi đã làm lãnh đạo, chưa bao giờ có bất kỳ kết luận nào khẳng định ông ấy sai phạm, thậm chí còn được phong tặng và tuyên dương. Pháp luật mặc định cho tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là hậu quả của vụ án. Thế thì, thiết nghĩ, cần phải soi rọi hậu quả ấy dưới lăng kính pháp luật để xác định: Thế nào là hậu quả nghiêm trọng? Hậu quả ấy tương xứng thế nào; và có mối quan hệ nhân quả như thế nào đối với hành vi trái pháp luật để buộc ông với tội “Thiếu trách nhiệm”? Ông Dương là Giám đốc, là lãnh đạo chung của Bệnh viện, quyền hạn và trách nhiệm được qui định ở Luật công chức, dứt khoát là thế, không thể trí trá.
Mà Luật công chức không có qui định nào buộc Giám đốc phải chịu trách nhiệm về hậu quả khi mà hậu quả ấy không hề liên quan trực tiếp, không hề có mối quan hệ nhân quả đối với hành vi công vụ.
Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, hoặc Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV, hoặc Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, hoặc Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn pháp lý về hậu quả của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”,thì chắc chắn rằng, hành vi của ông Dương không thể nào gây ra hậu quả của vụ án, hay nói cách khác, không hề có mối quan hệ nhân quả nào, đây là điều mà pháp luật buộc cơ quan tố tụng phải chứng minh.
Việc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau đó CQĐT ra quyết định đề nghị truy tố, ông nhận định sao về điều này?
Ông Trần Huy Tuấn: Sau khi sự cố làm 8 bệnh nhân tử vong xảy ra, quá trình điều tra các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy ông Trương Quý Dương không hề nhận được bất kỳ báo cáo nào từ cấp dưới của mình liên quan đến việc hệ thống thiết bị sửa chữa chưa được bàn giao, chưa đúng qui trình, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn mà đã đồng ý đưa vào vận hành chạy lọc thận, huống hồ gì ông không phải là người phụ trách chuyên môn, càng không có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động chuyên môn của khoa.
Về trách nhiệm người đứng đầu như kết luận điều tra đã chứng minh có phân công, phân nhiệm rất rõ ràng, và sâu sát trong việc quản lý điều hành với trai trò quản lý chung của bệnh viện. Tất cả đều được thực hiện đúng qui định pháp luật.
Và trong quy trình chạy lọc thận sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO liên quan đến sự cố của vụ án này, tôi muốn trình bày rõ rằng: Việc Xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định lượng các Chỉ số quy định trong AAMI để đảm bảo tiêu chuẩn cho nước dùng cho chạy thận nhân tạo.
Đạt tiêu chuẩn AAMI là các chỉ số nằm dưới giới hạn cho phép. Trong vụ việc này, việc xét nghiệm AAMI được quy định cụ thể là một nội dung của Hợp đồng ký giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện thể hiện nhận thức của bệnh viện về việc cần thiết phải có sự đảm bảo của một tiêu chuẩn cụ thể về nước cho chạy thận thì mới an toàn.
Vì vậy đây là điều kiện để đảm bảo nguồn nước khi sửa chữa xong để đưa vào chạy thận.
Theo công văn của Bộ Y tế về việc cần thiết phải có xét nghiệm sau sửa chữa trùng với nhận thức của bệnh viện và Công ty Thiên Sơn về độ an toàn của nguồn nước. Theo các nội dung sửa chữa trước thì Công ty Thiên Sơn phải bàn giao hệ thống đã đánh giá sửa chữa cho Bệnh viện sau đó mới nghiệm thu bàn giao.
Điều kiện để nghiệm thu bàn giao là kết quả xét nghiệm AAMI, và Phòng vật tư của bệnh viện phải tiến hành bàn giao cho đơn nguyên thận thì mới đưa vào sử dụng.
Trong Bản tự Khai của Ông Trương Quý Dương khai rất rõ về việc phải có xét nghiệm mới được đưa vào sử dụng và quy trình bàn giao nội bộ.
Vì vậy trong mọi trường hợp khi chưa cho nghiệm thu bàn giao thì không thể có sự đảm bảo về an toàn cho nguồn nước chạy thận.
Kiểm tra trong các hồ sơ thanh toán đều có kết quả của các lần trước. Về trách nhiệm phối hợp sau khi sửa chữa với Thiên Sơn đã có Phòng vật tư có quyết định bàn giao, việc sửa chữa này có kế hoạch từ cuối năm 2016, có phân công cụ thể từng phòng ban, gồm: Đơn Nguyên Thận Nhân Tạo, Phòng Vật Tư, Phòng Tài Chính,... Về qui trình thành lập Đơn Nguyên Thận Nhân Tạo hoàn toàn do quyền tự chủ của bệnh viện, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình là bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện có đầy đủ các bác sĩ cơ hữu, bác sĩ mời,... kỹ thuật phụ trách RO có phòng vật tư, kỹ sư phụ trách RO phòng vật tư cũng có, và khi cần thiết vẫn có thể linh hoạt mời kỹ sư, việc này đã rõ vì các qui trình đã có ở các lần sửa chữa trước, bệnh viện có đủ các danh sách đó, cơ quan điều tra cũng đã thu thập và có trong hồ sơ vụ án.
Quá trình điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, ông đánh giá về động thái của cơ quan điều tra như thế nào trong việc tuân thủ pháp luật?
Ông Trần Huy Tuấn: Với một cơ quan điều tra cấp tỉnh, đến lúc này tôi vẫn không cho rằng vụ án liên quan đến chạy lọc thận gây chết người xảy ra tại bệnh viện đa tỉnh Hòa Bình là một vụ án vượt quá khả năng điều tra của Công an cấp tỉnh.
Như đã đề cập trên, hậu quả của vụ án không chỉ là quá lớn, mà còn quá thảm khốc. Nhưng cũng vì vậy, vụ án này chỉ lớn về mặt hậu quả; còn lại phải công bằng mà nói là cực kỳ đơn giản về mặt tình tiết; độc lập về mặt hành vi; rõ mồn một về mặt chứng cứ; bối cảnh và không gian vụ án được mặc định trong phạm vi cực nhỏ.
Vụ án cực kỳ đơn giản là thế, không có tình tiết gì mới, mọi hành vi và mọi con người đều hoàn toàn tách bạch, vụ án không hề có sự đánh đố nào buộc cơ quan CSĐT phải “lội ngược dòng”. Vì thế, nên tôi mới khẳng định rằng: Vụ án không có gì vượt quá khả năng của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình.
PV: Xin cảm ơn ông!