Nhiều chuyên gia việc xử lý vật chứng trong các vụ án diễn ra gần đây còn nhiều vướng mắc.
Bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án hình sự phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM về việc xử lý vật chứng trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (ngân hàng Đại Tín - nay là ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB) đang gây sự chú ý trong dư luận.
Theo đó, bản án tuyên buộc Tổng công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền 200 tỷ đồng (được xác định là vật chứng vụ án) cho ngân hàng CB. Cụ thể, Tòa án cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn thông qua việc chỉ đạo các thuộc cấp của mình cũng như các cán bộ ngân hàng Đại Tín thực hiện hạch toán thu khống để bị cáo sử dụng 5256 tỷ đồng của ngân hàng. Trong đó bị cáo khai đã dùng 200 tỷ đồng chuyển cho VNECO do trước đây bị cáo có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với VNECO về việc cùng nhau thực hiện dự án Bình Điền tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh.
|
Trụ sở Công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam. |
VNECO đã chuyển cho bị cáo số tiền 310 tỷ đồng theo như thỏa thuận nhưng do không thực hiện được theo thỏa thuận ban đầu nên cả 2 bên đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư số 1001/TLHĐ/VNECO-NKH ngày 30/6/2010 với nội dung bị cáo phải hoàn lại cho Tổng công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam số tiền 400 tỷ đồng.
Qúa trình giải quết vụ án, Tòa án nhận định, số tiền 200 tỷ đồng được chuyển cho VNECO trong tổng số 400 tỷ đã chuyển là vật chứng của vụ án nên cần phải thu hồi và tuyên buộc Tổng công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền 200 tỷ đồng cho ngân hàng CB, số tiền thu hồi được sẽ xem xét khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo đối với ngân hàng CB trong vụ án này.
Sau khi Tòa tuyên án, phía VNECO rất bất ngờ, hàng chục nghìn người lao động cũng như cổ đông, nhà đầu tư của VNECO cũng phản kháng dữ dội. Lý do VNECO đưa ra là giao dịch năm 2007 và 2010 giữa VNECO và bị cáo trong vụ án này là hoàn toàn tự nguyện, hợp pháp, tuân theo quy định pháp luật. VNECO nhận được khoản tiền từ đối tác (là bị cáo trong vụ án chuyển trả) một cách hợp pháp, đây là nghĩa vụ đối tác phải thực hiện theo biên bản thanh lý hợp đồng.
Từ thời điểm VNECO nhận tiền thì quyền sở hữu số tiền đó đã thuộc về VNECO và VNECO đã sử dụng số tiền này để chuyển giao trong các giao dịch dân sự hợp pháp về sau của VNECO và hiện nay không còn nữa. VNECO không có nghĩa vụ phải biết số tiền đó bị cáo lấy từ đâu, có phải số tiền bất minh hay không và thực tế VNECO hay bất kỳ ai cũng không thể biết được. Hiện nay Tòa án buộc VNECO phải trả số tiền này là gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của VNECO.
Những băn khoăn trên khiến dư luận đặt ra dấu hỏi về vấn đề xử lý vật chứng trong các vụ án, đặc biệt là trong các vụ đại án diễn ra thời gian gần đây. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hưng - Nguyên cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ông Hưng cho biết, việc xử lý vật chứng trong các vụ án diễn ra gần đây còn nhiều vướng mắc. Một trong những hình thức "xử lý vật chứng” gây ra bất cập đó là “vật chứng” có liên quan người thứ 3, không liên quan đến quan hệ pháp luật hình sự.
Ông Hưng phân tích, trong một số vụ án cụ thể, các bị cáo đã thực hiện hành vi chiếm đoạt, chiếm dụng của một cá nhân, một tổ chức, sau đó các bị cáo sử dụng khoản tiền đó vàomột giao dịch dân sự khác, nghĩa là phát sinh bên thứ 3 tham gia giao dịch dân sự ngay tình.
"Nhưng khi vụ án hình sự bị phát hiện, mặc dù không thu giữ được “vật chứng”, chỉ chứng minh được mối liên quan dòng tiền trôi theo, nhưng với cơ sở đó, có rất nhiều bản án của Toà án đã tuyên buộc cơ quan, đơn vị, cá nhân (bên thứ 3) phải nộp lại khoản tiền đã giao dịch với người phạm tội. Tôi cho rằng, việc phán quyết như trên rất không đúng" - Ông Nguyễn Đình Hưng nhận định.
Ông Hưng viện dẫn nội dung tại điểm 4 khoản1 điều 106 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật vềtố tụng dân sự”.
|
Việc xử lý vật chứng trong vụ án liên quan Hứa Thị Phấn đang gây nhiều tranh cãi. |
Như vậy nếu xét ở mối liên quan tranh chấp về quyền sở hữu đối với “vật chứng”, thì cơ quan tiến hành tố tụng vụ án hình sự phải tuân thủ quy định nêu trên. Ngoài ra trở lại với tinh thần chung của khái niệm “vật chứng” trong vụ án hình sự; tại các điều 105,106 BLTTHS quy định rất cụ thể: Vật chứng là những vật có liên quan trở tành chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, nhưng phải được thu thập, bảo quản và xử lý. Do đó, “vật chứng không có trong quan niệm “suy ra”, trên cơ sở căn cứ vào chứng cứ khác.
"Như vậy, về hậu quả phát sinh phía sau những quyết định xử lý vật chứng nêu trên, không chỉ là một hình thức áp dụng trái luật, tạo ra một khuynh hướng đường lối xử lý sai tinh thần lời văn hiến định, mà sẽ phát sinh rất nhiều hệ luỵ như: Mặc nhiên phía sau một phán quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, vụ án hình sự cụ thể sẽ phátsinh ngay một vụ án dân sự khác. Hơn thế nữa, đã mặc nhiên hợp thức hoá việcchiếm đoạt tài sản của người phạm tội trở thành hợp lệ, và người thứ 3 bỗng nhiên bịchịu một hình phạt tiền" - Ông Nguyễn Đình Hưng phân tích.
Cũng liên quan đến vấn đề xử lý vật chứng, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm: Có thể hiểu vật chứng vụ án hình sự là vật chứa dấu vết tội phạm và phải còn hiện hữu để thu hồi được.
Để thu hồi được vật chứng thì Cơ quan tố tụng phải xác định được vật chứng đó là gì và đang ở đâu. Trong khi trong vụ án trên, số tiền 200 tỷ đồng bị cáo chuyển cho VNECO đã không còn nữa. Không có căn cứ nào để Tòa án xác định VNECO đang giữ vật chứng và Bản án tuyên như vậy thì rất khó để thi hành. Tiền có thể là vật chứng nhưng nếu số tiền đó đã không còn nữa; không xác định được số tiền đó hiện ở đâu hoặc mặc dù xác định được đang ở đâu nhưng chủ thể đang chiếm giữ số tiền này thông qua một giao dịch hợp pháp, nghĩa là chiếm giữ có căn cứ, ngay tình thì không thể thu hồi số tiền này được.
"Việc Tòa án buộc VNECO hoàn trả số tiền 200 tỷ mà VNECO nhận được thông qua một giao dịch hợp pháp, công khai, ngay tình là gây thiệt hại cho doanh nghiệp. VNECO hoàn toàn có cơ sở để thực hiện thủ tục khiếu nại giám đốc thẩm bản án hình sự trên nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp” - luật sư Cường nhận định.
Đại diện VNECO cho rằng, bản án tuyên như vậy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động của VNECO. Nội dung bản án có thể tạo tiền lệ xấu, VNECO mong cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm kháng nghị Giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm tuyên về xử lý vật chứng nêu trên để lấy lại công bằng cho Tổng công ty.