Hơn 20 năm nay, bà Bé cùng người chồng mang 2 dòng máu Việt - Pháp lang thang khắp ngóc ngách Sài Gòn để bán vé số mưu sinh, nuôi người con trai 25 tuổi bị thiểu năng.
Một buổi tối của 20 năm trước, khi bà Bé đi phụ việc ở chợ Phú Lâm - quận 6 - TPHCM thì vô tình gặp ông Trưng đang lúi húi dọn rác trước cổng chợ. Vì chưa đến giờ làm, bà Bé ngồi bắt chuyện với ông Trưng cho đỡ buồn. Từ hai người xa lạ, qua những câu chuyện, sẻ chia, họ dần trở nên thân thiết...
Rồi kể từ cái đêm “định mệnh” ấy, bà Nguyễn Thị Bé (nay đã 57 tuổi) và ông Nguyễn Trưng (hiện 68 tuổi) dọn về sống chung với nhau mà không có giấy hôn thú, không đám cưới nhưng vẫn bền chặt, gắn bó đến nay…
Bà Bé quê ở Bến Tre, khi bà còn rất nhỏ đã bị thất lạc gia đình sau một biến cố lớn. Một mình lang thang lên Sài Gòn, bà Bé làm đủ thứ nghề để tìm kế sinh nhai, hết bán vé số đến phục vụ quán ăn...
Còn ông Trưng là “Tây lai”, mang trong mình 2 dòng máu Việt - Pháp (mẹ ông là người Việt, cha ông là người Pháp đi lính ở Việt Nam). Khi chiến tranh kết thúc, cha ông Trưng về nước bỏ lại mẹ con ông bơ vơ giữa Sài Gòn. Hàng ngày, ông Trưng đi quét dọn rác ở chợ để nuôi mẹ nhưng được một vài năm mẹ ông mất. Từ đó, ông một mình cô độc bươn chải giữa dòng đời, tìm kế sinh nhai.
"Nhiều hôm ông ấy quét dọn rác xong lại chạy vào quán ăn phụ giúp tôi bưng bê những vật nặng. Thấy ổng hiền lành lại chăm chỉ nên tôi quý lắm. Nhiều người trong chợ cũng vun vén cho nên tôi quyết định dọn về sống chung với ông ấy" - bà Bé kể về mối lương duyên của mình.
Về chung một mái nhà, ông Trưng vẫn duy trì công việc quét dọn rác, bà Bé nghỉ hẳn phụ việc ở quán ăn về nhà đi bán khoai, chuối luộc để có thời gian vun vén cho gia đình.
Ông Trưng cao lớn, khỏe mạnh nhưng đầu óc khờ khạo, không biết chữ, ngay cả tiền cũng tính đếm không chính xác. Mọi việc lớn nhỏ đều do bà Bé chăm lo.
Cứ thế, hai mảnh đời với “tuổi thơ dữ dội” đã tìm đến với nhau, nương vào nhau mà sống. Cuộc sống tuy có thiếu trước, hụt sau, có khó khăn, bệnh tật… nhưng hai người luôn thấy ấm lòng, hạnh phúc khi có nhau.
Sống với nhau một thời gian, họ sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Ngày con chào đời, họ hạnh phúc lắm, đặt cho con cái tên Long với mong muốn con mạnh mẽ, học hành giỏi giang để giúp đỡ ba mẹ.
Nhưng số phận lại thử thách đôi vợ chồng này một lần nữa, ngày qua ngày Long có lớn mà không có khôn. Đến nay đã 25 tuổi, Long vẫn lang thang khắp nơi suốt ngày.
"Thấy con trai như vậy, hai vợ chồng cũng buồn lắm, nhưng đã sinh con ra rồi phải ráng nuôi con nên người. Ngày xưa lo cho chồng khờ, nay phải gánh thêm đứa con dại nên nhiều lúc cũng cảm thấy bế tắc” - bà Bé tâm sự.
Không thể đi buôn bán, bà Bé đành nhận vé số để dẫn theo chồng và con trai đi bán dạo kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của 3 con người cứ luẩn quẩn không lối thoát.
Những hôm thuận lợi, bán được kha khá vé số, bà Bé cũng nhẹ gánh cơm áo. Nhưng cũng có không ít ngày chỉ bán được vài chục nghìn, ông bà đành nhịn ăn để mua cơm cho con trai. Những lúc chồng ốm con đau mà trong nhà không có lấy một đồng bà Bé phải chạy vạy đi vay tiền nóng...
"Âu cũng là số phận ông trời sắp xếp rồi con ạ, mình giờ chỉ biết cầu trời cho sức khỏe để chăm lo cho hai người thôi", bà Bé – trong dáng dấp đúng như cái tên của mình - ngậm ngùi chia sẻ.
"Chồng tôi giờ yếu lắm rồi, lại mắc thêm bệnh tim nữa nên không biết sống được bao lâu. Chỉ mong ông cố gắng ở với mẹ con chúng tôi cho vui cửa vui nhà", bà Bé ứa nước mắt.
Ở cái tuổi nhiều người được tận hưởng cuộc sống, vui đùa với con cháu thì nỗi lo của bà Bé chưa bao giờ dứt. Hết lo chồng ốm, con đau, lại nỗi lo cơm – áo – gạo - tiền. Bao nhiêu nỗi lo ập lên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ mới gần 60 tuổi mà thoạt nhìn cứ ngỡ ở độ tuổi 70, khiến ai đã từng tiếp xúc cũng phải chạnh lòng thương cảm.
|
Bà Bé thuê một căn nhà trọ ở quận 6 để có nơi cho chồng con tá túc. Căn nhà trọ tuềnh toàng, đồ vật giá trị nhất là chiếc ti vi được người ta cho đặt ở góc nhà. |
|
Hàng ngày, bà Bé dẫn chồng và con lang thang khắp nơi để bán vé số. Trong lúc cha mẹ đi mời khách, Long ngồi chơi ở quán nước vỉa hè chờ họ. |
|
Đã hơn 20 năm, ông bà vẫn "nắm chặt tay nhau" trên mọi nẻo đường gian khó. |
|
"Nhiều hôm cho chồng đi bán một mình, ông ấy lại đi lạc nên tôi không thể rời ông ấy ra được" - bà Bé tâm sự. |
|
Căn nhà trọ chật chội, được kê gác làm chỗ chơi cho Long mỗi khi ông bà đi bán vé số buổi trưa. |
|
Vốn đã nhỏ bé, nỗi lo cho chồng con khiến bà Bé ngày càng gầy yếu hơn. |
|
Trong nhà bà Bé treo bức tranh phật lớn, với hi vọng mang bình an đến cho cả nhà. |
|
Những chén cơm trắng, chén nước mắn là bữa ăn của cả nhà bà Bé. "Có tiền mua gạo nấu cơm là tốt rồi, nhiều bữa cả nhà phải nhịn đói" - bà Bé chia sẻ. |
|
Đã 25 tuổi, nhưng Long không khác gì đứa trẻ. Mọi việc bà Bé đều phải phụ giúp Long. |
|
Khuôn mặt khắc khổ, đầy nếp nhăn của bà Bé. |
|
Hai con người đơn độc, họ dọn về chung sống với nhau với hi vọng chăm sóc nhau những lúc ốm đau. Nhưng rồi cuộc sống đầy trớ trêu khi chất hết mọi nỗi lo lên đôi vai người đàn bà nhỏ bé này. |
|
Mỗi lần ông Trưng trở bệnh, bà Bé phải tự đi bán vé số một mình. Những lúc ấy, ông Trưng thường ngồi trước cửa ngóng vợ đi và chờ vợ về. |
|
Hiện tại đã khó khăn, tương lai của gia đình họ còn khó khăn hơn nhiều. Bà Bé bây giờ cũng không biết mình muốn mong ước điều gì cả, vì tất cả mọi thứ gia đình bà đều thiếu. |