Việt Nam chính thức cấm thuốc lá điện tử, nung nóng. (Ảnh minh hoạ) |
Trước đó, tại Nghị quyết 173/2024/QH15, được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Quyết định này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân mà còn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, đồng thời minh chứng rằng tiếng nói của trẻ em đã được lắng nghe, nguyện vọng chính đáng của các em về môi trường không khói thuốc đang thành hiện thực.
Kể từ khi thuốc lá điện tử và các sản phẩm thay thế thuốc lá trở nên phổ biến tại Việt Nam vào khoảng năm 2015, Bộ Y tế đã không ngừng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của các sản phẩm này. Năm 2018, Bộ Y tế đã gửi các công văn khuyến nghị lên Chính phủ, đề xuất cấm nhập khẩu và tiêu thụ thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Đến năm 2020, Bộ Y tế đã tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn sự gia tăng của thuốc lá điện tử, đặc biệt trong giới trẻ.
Mặc dù nhiều người tiêu dùng cho rằng thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, các nghiên cứu cho thấy rằng các sản phẩm này không phải là giải pháp an toàn thay thế. Bên cạnh các tác hại đối với sức khỏe như bệnh tim mạch, phổi, và ung thư, thuốc lá điện tử còn tạo ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng, đặc biệt là trong cộng đồng thanh thiếu niên.
Từ năm 2021, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để xây dựng các dự thảo quy định pháp lý nhằm cấm nhập khẩu và tiêu thụ thuốc lá điện tử. Bộ Y tế cũng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề và mời các chuyên gia quốc tế về phòng chống tác hại thuốc lá để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng chính sách quản lý thị trường thuốc lá thế hệ mới.
Vào cuối năm 2022, Bộ Y tế đã đưa ra báo cáo chi tiết về tình hình thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục đề xuất các biện pháp mạnh mẽ hơn để cấm hoàn toàn việc lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử. Bộ Y tế kêu gọi Quốc hội xem xét đưa thuốc lá điện tử vào danh mục hàng hóa cấm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi mối nguy hiểm tiềm tàng từ các sản phẩm này.
Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng tăng lên.
Trên cơ sở liên quan đến tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã có rất nhiều báo cáo khoa học, ảnh hưởng tới tim, gan, loạn thần. Trong năm 2023 có 1.234 người điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử. Và trong mỗi năm có khoảng 40.000 người/năm mắc bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe do thuốc lá.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về các tác hại của thuốc lá thế hệ mới là điều vô cùng cần thiết. Các chiến dịch truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, cần được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá hiện đại.