Cây vú sữa xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh
Nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh viếng mộ, thăm gia đình má Lê Thị Sảnh và trao quà cho cô Bảy Cư (con má Sảnh) cùng gia đình. |
Tại đây, nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh, viếng mộ má Lê Thị Sảnh (khu lưu niệm Cây vú sữa miền Nam, ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau); trao quà cho cô Bảy Cư (Đỗ Thị Cư, 85 tuổi, con má Sảnh) và gia đình.
Đồng thời, nhóm cô, chú học sinh miền Nam xin gia đình má Sảnh 4 cây vú sữa để tặng cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc; Trường THPT Bến Tre – thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); Bến Nhà Rồng - Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Thay mặt nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh, cô Huỳnh Xuân Thảo cảm ơn gia đình má Sảnh và chúc cô Bảy thật nhiều sức khỏe, luôn có nhiều niềm vui bên con cháu và mãi tràn trề sức trẻ, tâm hồn luôn vui vẻ.
Đại diện gia đình má Sảnh trao 4 cây vú sữa cho nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh. |
Khi nhắc về cây vú sữa, cô bảy Cư xúc động nói: “Hồi đó khoảng 15 tuổi, má cô dặn đi học về ghé vườn ông ngoại nuôi (ông Năm Ðương) coi có vú sữa con bứng cho má 1 cây. Cô tìm được cây con cỡ 5-6 lá, rồi lấy dao bứng rồi để đó. Tan học xong, cô tét lá chuối khô quấn gốc cây vú sữa đem về. Có mấy bạn học hỏi: “Mày bứng cây này chi vậy Cư?”, cô nói: “Cho ba tao trồng”. Khi đem cây vú sữa về tới nhà, ba tôi có đan sẵn cái bội (dụng cụ nuôi, nhốt) để bỏ cây vú sữa vô, rồi để cạnh lu nước, người nhà ai ra rửa mặt hay rửa tay thì tưới cây vú sữa”.
Tại Lễ Công bố Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và Khánh thành Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, trong những ngày chuyển quân đã có nhiều sự kiện xúc động diễn ra, tiêu biểu là sự kiện khi tiễn đưa đoàn quân tập kết ra Bắc, má Lê Thị Sảnh (còn gọi mẹ Tư Tố) đã trao cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên (Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh 370, Tiểu đoàn 307) nhờ gửi đến Bác Hồ, má nói: “Nhân dân xin tặng Bác Hồ cây vú sữa như lời hứa hẹn với Bác rằng: Đồng bào miền Nam, Nhân dân xã Trí Phải, luôn luôn giữ vẹn lòng chung thủy son sắt với sự nghiệp cách mạng do Bác lãnh đạo và nguyện vượt mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng đất nước”. Cây vú sữa đã được Bác Hồ đặc biệt quan tâm chăm sóc, thể hiện tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam”.
UBND tỉnh Cà Mau đã trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố - Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. |
Sau này, khi cây vú sữa tặng Bác Hồ, đã xác định chủ nhân, đồng thời các ngành chức năng hỗ trợ gia đình làm báo công, năm 2010, má Lê Thị Sảnh được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, cô Bảy Cư (con má Sảnh) được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.
Hỗ trợ học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn
Cùng ngày, nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh đến thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, trao tặng 30 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn (tổng trị giá 60 chục triệu đồng).
Trước đó, nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ 70 triệu đồng cho quỹ học bổng của thị trấn Sông Đốc.
Tại buổi trao xe đạp, cô Huỳnh Xuân Thảo chia sẻ: “Với những phần quà này, nhóm học sinh miền Nam chúng tôi tại ở TP. Hồ Chí Minh trích một phần lương hưu của mình để hỗ trợ, nhằm giúp cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường, mong muốn các em học tập ngày một tốt hơn…”.
Lãnh đạo thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cùng nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh trao tặng 30 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. |
“Trong chuyến về nguồn dự Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, nhóm học sinh miền Nam chúng tôi rất xúc động khi nhớ lại những ngày theo cha, mẹ ra miền Bắc học tập hình thành nên học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đặc biệt, sự kiện này đã ghi một dấu son trong lịch sử cách mạng Việt Nam về tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đối với chiến lược trồng người, chăm lo giáo dục, đào tạo một lớp người mới cho sự nghiệp cách mạng và tương lai đất nước.
Các thế hệ học sinh miền Nam luôn chúng tôi luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác là phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành. Vâng lời Bác, các thầy cô giáo đã đào tạo học sinh miền Nam toàn diện, trước hết là học làm người, rèn luyện nhân cách, đặc biệt là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho công việc chung” - cô Huỳnh Xuân Thảo nhớ lại.
Nhóm cô, chú học sinh miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh, thăm hỏi và hướng dẫn các em điều chỉnh yên xe cho phù hợp với tư thế đạp xe. |
Ông Võ Quốc Thống - Ủy viên BTV Huyện Ủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), trân trọng cảm ơn đến các cô, chú nhóm học sinh Miền Nam tại TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ trao học bổng và tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, đây là thể hiện tấm lòng nhân ái và quý báo của cô, chú đã mang đến những chiếc xe đạp giúp các em học sinh có thêm phương tiện đến trường, từ đó có cơ hội phát triển tương lai sáng hơn”.
Cô Huỳnh Xuân Thảo là con gái của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989), cố Chủ tịch Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976), Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông là tác giả của cờ nửa đỏ nửa xanh (cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam).
Hiện, cô Huỳnh Xuân Thảo là Giám đốc Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát.