Bằng thủ đoạn khai báo nhập thiết bị y tế mới 100%, Hồng Anh đã nhập máy móc thiết bị y tế hết “đát” vào Việt Nam, nhằm “hóa phép” nó trở thành hàng “xịn” để phục vụ bệnh viện trong nước.
Ngày 15/1, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Hồng Anh (SN 1973, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Buôn lậu”.
Theo nội dung truy tố, bị cáo Hồng Anh là giám đốc Công ty thương mại và kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A (địa chỉ ở phường Trung Hòa, quận Cầu giấy, TP Hà Nội) từ năm 2007 đến năm 2013.
|
Bị cáo Phạm Hồng Anh trước vành móng ngựa. |
Ngày 12/12/2013, Phạm Hồng Anh đăng kí tờ khai điện tử nhập khẩu Máy phân tích sinh hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ngày 16/12, Hồng Anh có kí giấy ủy quyền cho anh N.H.H là nhân viên của công ty vận chuyển hàng hóa đến làm thủ tục nhận hàng.
Khi đến nhận hàng, thì khoảng 10h ngày 18/12/2013, lực lượng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện lô hàng do Nguyễn Huy Hiếu làm thủ tục nhận hàng có dấu hiệu khả nghi.
Kiểm tra, cảnh sát bên trong đựng máy phân tích sinh hóa hiệu Hitachi Model 917 số sản xuất 1020-6 và các phụ kiện kèm theo nghĩ đã qua sử dụng nên tiến hành lập biên bản thu giữ.
Để xác thực cho điều đó, cơ quan Công an đã trưng cầu giám định và cho ra kết luận: Máy phân tích sinh hóa kiểu mẫu Hitachi 917, tại thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam là hàng đã qua sử dụng.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an xác nhận, chủ sở hữu lô hàng trên là Phạm Hồng Anh.
Hồng Anh khai nhận, bị cáo ký hợp đồng ủy thác với Công ty TNHH Mỹ Giao để nhập khẩu 1 máy Hitachi 917. Công ty Mỹ Giao đã chuyển hợp đồng bằng đường chuyển phát nhanh cho Hồng Anh để ký kết.
Hồng Anh liên hệ với Công ty Fameco – Pháp để ký hợp đồng ngoại mua 1 máy Hitachi 917. Hợp đồng do phía đối tác soạn thảo và gửi mail để in và ký đóng dấu rồi Hồng Anh gửi lại qua máy fax.
Sau khi nhận được thông báo về việc máy đã về đến Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, Hồng Anh mở tờ khai hải quan và ký giấy giới thiệu cho nhân viên đến nhận hàng.
Trả lời với cơ quan điều tra, Hồng Anh cho biết, biết hãng Hitachi đã ngừng sản xuất máy phân tích sinh hóa từ năm 2009 và chiếc máy Hitachi 917 đã bị bắt giữ ở tại Sân bay quốc tế Nội Bài không phải được sản xuất năm 2012 và 2013 như đơn xin phép và giấy phép nhập khẩu mà Bộ Y tế đã cấp cho công ty.
Bị cáo khai nhận đã mua máy mới 100% nhưng do công ty Fameco gửi nhầm hàng.Bị cáo Hồng Anh đã xuất trình thư điện tử có nội dung công ty gửi nhầm hàng.
Tuy nhiên, lời khai này được được công nhận. Bởi lẽ, theo khoản 3, điều 7 Nghị định số 97 Chính phủ thì việc gửi nhầm hàng phải được thông báo bằng văn bản với cơ quan hải quan, được thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chấp nhận trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Việc Công ty Fameco xác nhận gửi nhầm hàng xảy ra sau khi bị cáo mở tờ khai hải quan và sau khi cơ quan hải quan đã kiểm tra thực tế.
Theo Luật Hải quan, người khai hải quan có quyền xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để đảm bảo việc khai hải quan được chính xác.
Hồng Anh không kiểm tra hàng nhập khẩu và trong tờ khai trong mục mô tả hàng hóa ghi: “máy xét nghiệm sinh hóa và phụ kiện tiêu chuẩn kèm theo, hàng mới 100%”.
Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) đã tiến hành điều tra truy xét, xác định trước đó Phạm Hồng Anh đã nhập khẩu vào Việt Nam 53 máy phân tích sinh học các loại, với tổng số tiền thu lời lên đến hàng tỷ đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai nhận những hành vi phạm tội của mình và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
HĐXX xem xét các tình tiết vụ án, xét thấy hành vi của bị cáo như thế là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thể hiện rõ sự coi thường pháp luật, để tư lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những hậu quả kéo theo về sau.
Chính vì lẽ đó, quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Hồng Anh 24 tháng tù về tội “Buôn lậu”.