Sau 6 ngày nghị án, chiều 22/8, TAND quận 1, TP HCM đã tuyên án vụ “Vi phạm các quy định điều khiển giao thông đường bộ” đối với bị cáo Trần Phúc Duy với 3 năm 6 tháng tù giam.
Gia đình bị cáo kêu oan
Phản ánh đến Pháp luật Plus, bà Dương Thị Được (SN 1955, Đông Thuận, Ô Môn, TP Cần Thơ) cho rằng tòa TAND quận 1, TP HCM đã bỏ qua nhiều chứng cứ có thể làm sáng tỏ dấu hiệu oan sai trong vụ việc con bà là Trần Phúc Duy gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người.
Cụ thể, cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS) nhân dân quận 1, TP HCM, bị cáo Trần Phúc Duy (SN 1990, quê TP Cần Thơ) là người đã điều khiển xe chở Lê Xuân Qúy, sau đó gây tai nạn khiến Qúy tử vong. Tuy nhiên, người nhà của Duy, luật sư bào chữa và dư luận cho rằng, cáo trạng của VKS còn nhiều vấn đề thiếu khách quan; bản án sơ thẩm chưa hợp tình hợp lý.
|
Bản ảnh nhận dạng hiện trường vụ tai nạn của Trần Phúc Duy. |
Theo đó, ngày 30/7/2016, bị cáo Duy đi đám cưới bạn, trên đường về Duy cùng người bạn đi chung xe tên Quý bị tai nạn giao thông tại giao lộ Nam Kỳ Khời Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM). Bị cáo Duy chỉ bị xây xước nhẹ, còn bạn của bị cáo thì bị nặng và không qua khỏi. Đến ngày 21/10/2016, Công an quận 1 đến bắt giữ và cho rằng Duy lái xe gây tai nạn khiến nạn nhân Quý chết.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Quyền, cha ruột của Quý cũng đã làm đơn xin miễn tố gửi Tòa. Trong đơn, ông Quyền thể hiện đây là vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, là chuyện đau lòng của cả 2 gia đình và đề nghị miễn truy tố trả tự do cho Duy để phụng dưỡng mẹ già.
Gia đình bị cáo Duy cho rằng, HĐXX cần phải đưa ra bằng chứng và nhân chứng, chứng cứ rõ ràng để chứng minh Duy phạm tội. Tòa không thể căn cứ trên những lời khai, chứng cứ không rõ ràng mà vội kết tội bị cáo. Gia đình cũng hy vọng tòa án xem xét lại vụ việc để bị cáo Duy sớm ngày được giải oan và trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Nhân chứng thiếu khách quan, bỏ qua nhiều chứng cứ?
Trong văn bản xác minh ngày 29/9/2016 của bị cáo Duy gửi cho hai người bạn là Lê Văn Xuân và Nguyễn Nhựt Linh. Xuân và Linh khẳng định khi kết thúc buổi tiệc và cùng lấy xe ra về thì Xuân và Linh còn tỉnh táo để nhận biết sự việc. Trong đó Xuân khẳng định, Duy đã say không còn đủ tỉnh táo đồng thời khẳng định nhìn thấy Lê Xuân Quý là người điều khiển xe máy chở Duy ngồi sau xe.
|
Một phần bản kết luận điều tra số 46 ngày 29/01/2018. |
Về các lời khai trên, HĐXX cho rằng, đây là những người bạn của Duy, lời khai trước sau bất nhất và không trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn nên không có căn cứ để chấp nhận.
Tuy nhiên, HĐXX lại chấp nhận lời khai của một nhân chứng khác được cho rằng có mặt trực tiếp tại hiện trường vụ tai nạn. HĐXX cho rằng lời khai của nhân chứng này phù hợp với các lời khai trước đó. Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Duy, tòa đưa ra nhân chứng trên là rất thiếu khách quan.
Ngoài ra, HĐXX cũng căn cứ vào biên bản giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM kết luận bị cáo Duy là người điều khiển xe máy chở theo nạn nhân Quý để đi đến nhận định người cầm lái là bị cáo Duy. Tuy nhiên, bản giám định không nhắc đến việc giám định đoạn clip của một camera ghi lại tại hiện trường.
|
Khiếu nại gửi đến Pháp luật Plus của bà Dương Thị Được. |
Điều đặc biệt, tại bản kết luận điều tra số 46 ngày 29/1/2018 cho biết, giám định viên thuộc Phân viện Khoa học Hình sự cho rằng đã xem xét đoạn clip bằng phương pháp dùng mắt thường,. Đồng thời, giám định viên cũng khẳng định với luật sư bào chữa ngay tại phiên tòa về nhận định trên.
Quan điểm của giám định viên cho rằng, khi quan sát bằng mắt thường thì nhận thấy “khi va chạm người đội nón bảo hiểm 2 sọc trắng nhô lên cao va chạm với ở trên cao sẽ văng xa; người ngồi trước đội nón bảo hiểm một sọc trắng bị thấp xuống va chạm với bánh ngoài bên phải trục 1 rơ mooc ở tầm thấp do vậy văng gần hơn. Đó là cơ sở xác định đương sự Trần Phúc Duy là người điều khiển xe mô tô biển số 61S2-2190”.
Trong khi đó, khi xem xét clip trên, luật sư Nguyễn Quang Vũ, đoàn luật sư TP HCM (người bào chữa cho bị cáo Duy) cho biết: “Đoạn clip kéo dài khoảng 7 phút. Từ nhìn bằng mắt thường tôi và đông đảo những cộng sự đều nhận thấy người đội nón màu sáng ngồi phía sau xe, người cầm lái đội mũ bảo hiểm màu tối hoặc không đội.
Sau khi xe máy va chạm với rơ mooc thì người đội mũ màu sáng nằm cạnh xe máy, trên đầu vẫn đội mũ, còn người đội mũ màu tối (hoặc không đội) văng ra xa. Một lúc sau người đội mũ màu sáng gượng dậy, tháo mũ cầm ở tay và chạy tới chỗ người đội mũ màu tối (hoặc không đội) đang nằm bất động”.
|
Biên bản làm việc với cơ quan CSĐT của Trần Phúc Duy. |
Theo bản ảnh nhận dạng qua Camera, bị cáo Duy khai nhận sau tai nạn người nằm gần xe máy chính là anh. Trong khi đó, tại biên bản làm việc với cơ quan CSĐT, Công an quận 1 vào ngày 24/4/2016, bị cáo Duy cũng thừa nhận người nằm gần xe máy sau tai nạn chính là Duy.
“Chỉ dùng mắt thường mà không phân tích clip bằng các công nghệ phân tích hình ảnh hoặc các phương pháp khoa học khác là thiếu cơ sở khách quan. Trong khi đó, đây là điểm mấu chốt có thể dẫn đến oan sai cho bị cáo thì lại được kiểm chứng một cách sơ sài, qua loa”, luật sư Vũ nhận định.
Điều đặc biệt, theo luật sư Vũ, căn cứ trên biên bản khám nghiệm hiện trường, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không thu thập được vật chứng trong vụ án là mũ bảo hiểm của Duy và Qúy vào năm 2016.
Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra ngày 29/01/2018 lại ghi nhận mũ bảo hiểm của Quý thu thập được tại hiện trường sau khi tai nạn xảy ra. “Như vậy có thể nhận thấy việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra là không đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định”, luật sư Vũ cho biết.
Trong khi đó HĐXX cho rằng, không cần thiết phải thực nghiệm hiện trường, giám định cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân vì pháp luật không quy định.
Theo HĐXX, bị cáo Duy kêu oan, không có ý định đầu thú nên không nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Từ các nhận định trên, HĐXX tuyên bị cáo Duy có tội và tuyên phạt bị cáo 3 năm 6 tháng tù giam.