Trong năm 2018, nhà báo Phạm Quốc Cường (sinh năm 1980, Nam Đàn, Nghệ An) đã xuất bản 2 tập thơ: “Viết cho người tình mơ”; “Anh chờ qua trăng”. Trong làng báo Việt Nam, có thể coi Phạm Quốc Cường là một “hiện tượng” thơ với sức viết đáng nể như vậy. Thơ anh ăm ắp tình người, tình yêu và thiên nhiên.
|
Hai tập thơ: “Viết cho người tình mơ”; “Anh chờ qua trăng” của Phạm Quốc Cường. Ảnh Huyền. |
Phạm Quốc Cường là nhà báo, hiện anh là Tổng thư ký tòa soạn Pháp Luật Plus (https://www.phapluatplus.vn/) thuộc báo Pháp luật Việt Nam. Trước đó, anh từng làm cho báo Khoa học và Đời sống, báo Điện tử Dân trí, anh cũng là một Thạc sĩ. Nói qua như vậy để thấy Phạm Quốc Cường đã có một quá trình rèn luyện mình như thế nào.
Mọi thứ anh có được hôm nay đều đến từ sự nỗ lực hết mình. Nói chuyện với anh, người nghe dễ dàng được anh “tiếp lửa”, thêm yêu cuộc sống hơn. Trong lời tựa tập thơ “Viết cho người tình mơ”, anh viết: “Như một sự tình cờ trong cuộc sống sôi động, hỗn độn với vô vàn sắc màu và cảm xúc, tôi bắt đầu “tập tành” làm quen với câu chữ, âm vần mang dáng dấp Thơ. Thói quen sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin và ảnh hưởng nhiều từ nghề viết báo nên từ cuối năm 2015, bản thân tôi thường ghi vội những câu có vần lên trang Facebook cá nhân để lưu giữ”.
Anh khiêm tốn không nhận mình là nhà thơ, nhưng đọc hai tập thơ của anh, thấy được chất thơ, tình thơ ăm ắp của người trai đã qua “phong ba bão táp”. Thật khó để biết anh là người viết thơ khi chỉ mới nhìn thấy anh, nhưng khi đã nghe anh nói chuyện, nhìn vào đôi mắt, mới thấy rằng, anh là người tình cảm và dễ khóc.
Hãy xem trong bài bài “Hoa sữa và em”, anh viết:
“Đêm buồn nhìn hoa rồi tản mạn
Làm kẻ tình thơ ngắm đêm về
May nhờ hoa sữa hương ngào ngạt
Gửi chút tình ta đến bên người”.
Giữa phố xá đông đúc, những tòa nhà chọc trời, thật hiếm có người như anh, vẫn lặng lẽ ngắm hoa sữa, không dừng lại đó, anh còn nhờ hoa gửi tình đến người. Hẳn đó là tâm sự của anh dành cho người vợ đã khuất, người luôn khiến đôi mắt anh đỏ hoe mỗi khi nhắc lại.
Không chỉ hoa sữa, mà đóa hồng cũng được Phạm Quốc Cường đưa vào thơ với hình ảnh rất dễ thương:
“Đêm nay có những đóa hồng tươi thắm
Ngủ cạnh ta chăm chút cả giấc nồng”.
(Bài Tản mạn say)
Hầu hết các bài thơ trong hai tập thơ của anh đều khắc khoải nỗi lòng về cuộc tình chia xa, về nỗi đau khó nói mà chỉ có những câu chữ mới hiển hiện lên được. Hai câu thơ dưới đây, có thể coi là hai câu thơ điển hình tâm trạng của thơ anh:
“Người đâu xa quá xa tầm với
Để gió vội ru tiếng tơ lòng”.
(Bài Màu xa trông)
|
Trong làng báo Việt Nam, có thể coi Phạm Quốc Cường là một “hiện tượng” thơ với sức viết đáng nể như vậy. Thơ anh ăm ắp tình người, tình yêu và thiên nhiên. Ảnh: Face Phạm Quốc Cường. |
Thơ Phạm Quốc Cường đậm đặc khi nói về tình, anh hay dùng các từ, cụm từ sau để diễn tả cái tình mong manh của mình: tình lăn qua gối, tình tan theo đông sớm, quả tình xôm, khách tình, tình nồng, tình qua, tình ta, tình thu, có tiêu đề tình chớm đông, rồi “tình ai” như câu hỏi...
Viết về hoa sữa, thật hiếm có những câu thơ tình cảm như thơ Phạm Quốc Cường:
“Mùi hương hoa sữa tỏa dần
Lặng im không nói hoa cần người thương”.
Anh yêu hoa, và xót cho hoa, hoa cũng cần người thương, như người cần người thương vậy. Thơ anh đã lột tả được nhiều về tâm trạng của người đàn ông từng trải, nhưng không vì thế mà mất đi cái lãng mạn, cái tinh tế của người đã và đang yêu. Nhưng rồi, anh cũng không tránh khỏi khi quá lụy vì tình. Và điều đó khiến anh phải thảng thốt:
“Thu tới nhưng lòng ta chấp chới
Bởi chút tình đời hấp hối qua
Thu kéo đến phủ đầy nỗi nhớ
Da diết hồn ai tiếng vọng lòng”.
(Bài Tình thu)
Đọc những câu thơ trên, chúng ta bắt gặp lại cái u buồn xưa kia của Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử...
Trong tập thơ “Anh chờ qua trăng”, anh bộc bạch: “Xuyên suốt tập thơ đó là Chờ - Tình – Đời, là sự trân trọng từng thời khắc của cuộc đời, thông qua những con chữ ẩn chứa nỗi niềm và khát vọng của chủ thơ vươn tới đỉnh cao của nhân thế của thời đại – đó là tình người”. Vâng, đó là “tình người”, cái mà thơ Phạm Quốc Cường luôn nói đến.
Cũng trong lời ngỏ tập thơ, anh diễn giải sự chờ của mình:
“Cây buồn chờ gió gọi chiều
Làn mây hờ hững chờ chìm trong đêm
Ta ngồi chờ ngắm trăng lên
Trên dòng tâm sự chờ em sum vầy”.
Nỗi niềm tác giả ở những câu lục bát trên thật khiến người đọc cảm động. Một ước ao như bao ao ước khác là “chờ em sum vầy”, tác giả đã đơn giản nỗi niềm đó trong thơ, nhưng lại lắng đọng trong trí nhớ người đọc. Rồi tiếp đó, trong tập thơ, ngân vang những cây thơ sâu lắng, như: “Tìm đâu giây phút mây chìm trong trăng”... Từ tình yêu thiên nhiên, tình người, anh đã hướng người đọc đến cuộc sống thực tại, không rời ra cuộc sống xô bồ mà chính anh cảm nhận trong bài Nơi anh sống: “Thành đô ngàn năm cứ lòng vòng”. Câu thơ này như là sự nhìn nhận, đánh giá của anh về Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn vật, nhưng đã mất đi cái thanh thoát xưa kia, đó là sự nuối tiếc của Phạm Quốc Cường chăng?
Với hai tập thơ có được, Phạm Quốc Cường đang làm rạng danh thêm cho đất Nghệ An, mảnh đất đã sinh ra nhiều người con có công lớn cho dân tộc. Hàng ngày, anh vẫn hiện diện là một nhà báo xông xáo với đời sống, đồng thời luôn chất chứa trong lòng những nỗi niềm để rồi nó toát lên thành những câu thơ mà anh cho là “viết vội”, nhưng trong đó là chứa cả “khối tình” của người thơ Phạm Quốc Cường!
Vũ Đoàn - Theo Vanhien.vn