Trong không khí tưng bừng của những ngày tháng 6, nhiều nơi trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh đội ngũ người làm báo. Những ngày này, những người làm báo Việt Nam đều bâng khuâng khi nghĩ về nghề báo - một nghề đầy nhọc nhằn, nhưng cũng thật vinh quang. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Hoà Văn - nguyên Tổng biên tập báo Biên phòng nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018).
- Được biết, ông là nhà báo tham gia vào đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp khi đã 45 tuổi. Mặc dù tuổi nghề còn ít so với nhiều nhà báo cùng thời nhưng những sản phẩm báo chí của ông đã để lại ấn tượng mạnh cho người đọc. Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Tôi nhận quyết định Tổng biên tập báo Biên phòng khi bước chân ngay vào nghề báo. Thầy dạy tôi làm nghề không ai khác là đồng nghiệp trong cơ quan. Kinh nghiệm nghề nghiệp mà tôi có được thông qua những sinh hoạt tập thể hoặc trao đổi riêng về nghiệp vụ chuyên môn với phóng viên, biên tập viên báo mình và báo bạn, cùng những cuộc giao ban, tập huấn, hội thảo, toạ đàm về báo chí dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí.
|
Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn. Ảnh: Thanh Thuận |
Trong thời gian 15 năm tôi làm Tổng biên tập báo Biên phòng, tôi nghĩ mình thực hiện được những sản phẩm báo chí đi vào lòng công chúng chủ yếu là các tác phẩm truyền hình. Như các phim Ký sự Biển đảo, Ký sự Biên phòng và hàng chục chương trình giao lưu được phát trên sóng VTV và hàng chục đài, kênh truyền hình khác.
Các tác phẩm truyền hình so với loại hình báo chí khác thường là sản phẩm lao động cả một tập thể, trong đó, vai trò đạo diễn, biên kịch biên tập, quay phim là rất quan trọng. Tôi là người chủ trì, chủ yếu giữ vai trò chính trong tổ chức sản xuất, còn chất lượng tác phẩm phụ thuộc nhiều vào các thành viên khác. Sức của Báo Biên phòng có hạn, một mình báo không thể làm được các tác phẩm truyền hình có chất lượng cao. Nhờ có hợp tác với VTV mà Báo Biên phòng đã sở hữu được những tác phẩm chất lượng cao như Ký sự Biên phòng, Ký sự Biển đảo, các chương trình truyền hình được giải báo chí quốc gia. Nếu không có sự tham gia của các đạo diễn, biên kịch, quay phim giỏi của các cơ quan báo chí khác thì Báo Biên phòng không thể có những tác phẩm có sức lan toả mạnh.
Tôi cũng tự nhận thấy mình dồn hết tình yêu cho biên giới biển đảo. Muốn nhân lên tình yêu này đối với công chúng, tôi đã tạo được sự gắn kết từ cơ quan chỉ đạo cấp trên đến ê kíp thực hiện, đồng thời tôi đã tìm mọi biên pháp khắc phục khó khăn, khai thác phát huy thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất để ê kíp thực hiện công trình,tác phẩm có hiệu quả nhất. Có những tác phẩm, tôi phải dồn hết tâm sức của mình mới làm được. Ví dụ như việc tổ chức đi Trường Sa làm Ký sự Biển đảo, tổ chức được 2 máy bay trực thăng, 4 sỹ quan cấp tướng, nhiều văn nghệ sỹ... cùng đoàn làm phim, tôi phải giải quyết thống nhất các thủ tục, hợp đồng các quân binh chủng trong một thời gian ngắn. Những gì mình đã trải qua mới hiểu không có tâm huyết không thể làm được.
- Khi ông còn là Tổng biên tập Báo Biên phòng, nhiều đồng nghiệp lại thấy ông say sưa với lĩnh vực truyền hình hơn. Lý do ông say sưa với các tác phẩm truyền hình là gì?
- Truyền thông đa phương tiện là xu hướng khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Ngoài thông tin trên hai ấn phẩm báo in và Biên phòng điện tử, muốn chuyển tải được nhiều thông tin về sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới đến với công chúng, phải có những tác phẩm truyền hình có chất lượng cao, được phát sóng nhiều lần vào các giờ vàng. Muốn vậy, phải có một cách làm khác, phải hợp tác với các cơ quan báo chí lớn, mạnh.
Tôi nghĩ, khi Báo Biên phòng có các tác phẩm truyền hình có sức lan tỏa mạnh, thương hiệu của báo sẽ được phát triển, tên tuổi Báo Biên phòng được công chúng ghi nhận thì hoạt động xuất bản báo in, báo điện tử có nhiều thuận lợi để nâng cao chất lượng nội dung. Đồng thời, tòa soạn tạo thêm được nguồn thu từ tài trợ, hỗ trợ, quảng cáo, hợp tác tuyên truyền, theo đó, báo sẽ lớn dần cả về trình độ chuyên môn, quy mô tổ chức, công nghệ và kinh tế báo chí.
- Hai năm nay, ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Hội Nhà báo Việt Nam, viết nhiều tác phẩm ở thể loại khó, trong đó có tác phẩm được tặng giải A giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, khiến nhiều người bất ngờ. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Như tôi nói ở trên, làm Tổng Biên tập việc chính là làm sao để phóng viên, công tác viên viết được nhiều bài có chất lượng thông tin và hiệu quả tuyên truyền cao. Vì thế, tôi dành thời gian cho việc lãnh đạo, tổ chức điều hành, định hướng chủ đề, nội dung tư tưởng, khuyến khích phóng viên, công tác viên viết. Nếu chỉ thể hiện năng lực của mình qua các bài viết thì mình chỉ làm tốt nhiệm vụ của một phóng viên, không thể làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo báo.
Khi tôi nhậm chức Giám đốc Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam, mặc dù vẫn làm quản lý là chính nhưng quản lý ở đây không phải như ở Báo Biên phòng. Môi trường mới, tôi có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vừa tham gia viết báo. Tuy nhiên, tôi chỉ viết những gì xét thấy cần viết và tôi đã trở thành cộng tác viên cho nhiều cơ quan báo chí.
|
Đại tá - nhà báo Nguyễn Hòa Văn (ngoài cùng bên trái) nhận giải A tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí- lần thứ nhất. Ảnh: Sơn Hải. |
- Lẽ ra, ở độ tuổi của ông, ông cần dành thời gian cho cuộc sống cá nhân sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân đội, nhưng ông vẫn dành tâm huyết cho nghề nghiệp. Được biết, phần mềm theo dõi báo điện tử gỡ bài, sửa bài của Hội Nhà báo Việt Nam là do ông đề xuất và thực hiện?
- Khi làm ở Báo Biên phòng tôi muốn góp sức mình để nhân lên tình yêu biên giới, biển đảo đối với bạn đọc báo. Chính tình yêu đất nước, con người và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí nơi biên giới đã bồi đắp lòng nhiệt tình và sự đam mê nghề nghiệp trong tôi.
Trước khi tôi nghỉ hưu, cũng có một vài nơi mời tôi làm cố vấn truyền thông, hoặc tham gia biên tập, tổ chức sản xuất trong lĩnh vực truyền thông, nhưng tôi đều từ chối. Tôi cũng không nghĩ là sẽ sang làm việc ở Hội Nhà báo Việt Nam. Cái duyên với công việc mới của tôi cũng rất tình cờ.
Trên cương vị công tác mới, tôi thấy Hội Nhà báo Việt Nam là ngôi nhà chung của giới báo chí, là nơi tôi cảm nhận sự ấm áp, thân tình của đồng chí, đồng nghiệp. Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam rất quan trọng trong việc giữ gìn đạo đức và nâng cao nghiệp vụ của người làm báo. Muốn phát huy tốt vai trò đó, ngoài việc tuyên truyền giáo dục hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam cần có những cơ chế, công cụ giám sát hoạt động báo chí. Được sự chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Hội, Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam đã đề xuất và nhận trách nhiệm sản xuất, quản lý, sử dụng phần mềm theo dõi báo điện tử gỡ bài, sửa bài. Từ khi phần mềm được cài đặt hoạt động đến nay, qua tổng hợp kết quả theo dõi thấy rằng công cụ giám sát này rất có hiệu quả, được lãnh đạo Ban Tuyên giao Trung ương đánh giá cao. Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam đã được Chủ tịch hội tặng Bằng khen về thành tích sản xuất, quản lý phần mềm nói trên.
- Trân trọng cảm ơn ông!