Mới đây, dư luận xôn xao trước hoàn cảnh của người mẹ nghèo đáng thương phải rao bán tim để cứu con đang bệnh nguy kịch. Câu chuyện đã lay động trái tim cộng đồng, người mẹ ấy đã được nhiều mạnh thường quân ngỏ ý giúp đỡ.
|
Những dòng chia sẻ đầy nỗi xót xa của người mẹ có con trai bị bệnh Tan máu bẩm sinh. |
Người mẹ trong câu chuyện, vì con bị bệnh tan máu bẩm sinh, có cơ hội cứu con nhưng vì không có tiền phẫu thuật, nên đã rao bán quả tim mình với giá 600 triệu đồng. Chia sẻ với mọi người, chị nói đã có người đồng ý mua quả tim của chị với giá nói trên.
Tuy nhiên, mới đây, GS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã chia sẻ một sự thật khác đằng sau câu chuyện.
Theo GS Trí, vấn đề không nằm ở việc thiếu tiền phẫu thuật ghép tế bào gốc, mà cháu bé chưa đủ sức khỏe để tiến hành ca phẫu thuật, nếu cố làm sẽ dẫn đến tử vong. Điều này các bác sĩ đã giải thích nhiều lần mà người mẹ vẫn khăng khăng đòi phẫu thuật cho con mình.
Người mẹ này khá khó khăn, việc cộng đồng giúp đỡ chị phần nào để giảm gánh nặng chi phí chăm nuôi con hàng ngày cũng là việc tốt, tuy nhiên, việc quyên góp để người mẹ có 600 triệu phẫu thuật là chưa cần thiết, vì giờ đây dù có tiền cũng không thể tiến hành ca mổ cho cháu bé.
Bên cạnh đó, nhiều luật sư cũng cho rằng, việc người mẹ lên mạng công khai chia sẻ việc bán tim và có người mua tim là hành vi “không tưởng”, vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người, luật pháp không cho phép việc hiến tim, tiến hành lấy, cấy ghép tim một người đang còn sống. Nếu cố ý thực hiện sẽ cấu thành tội giết người.
Câu chuyện khúc mắc nói trên, một lần nữa lại cảnh báo người ta tỉnh táo trước những câu chuyện thương tâm lan truyền trên mạng xã hội. Trường hợp này, sự khó khăn của người mẹ dù sao vẫn là sự thực. Còn nhiều câu chuyện khác, mà sự thật được tô vẽ, phóng đại nhiều lần. Đã có không ít trường hợp cộng đồng bị “dắt mũi” trước những câu chuyện thương tâm, và để lòng trắc ẩn bị lợi dụng. Cũng mới gần đây, một nhóm hoạt động thiện nguyện sau khi lặn lội ra miền Trung giúp người, trở về đã bức xúc lên tiếng cho rằng mọi thứ đã bị thổi phồng quá đáng.
Xuất phát từ một video cho thấy một bà cụ đơn độc ở một mình trong ngôi nhà xiêu vẹo đã sập hơn nửa sau cơn bão lũ, đang rất khốn khó. Nhiều đoàn từ thiện đã đến, giúp đỡ. Tuy nhiên, theo những người tìm hiểu tình hình thì ra các con bà cụ có nhà cửa khang trang ở quanh đấy, bà không ở căn nhà này mà ở với các con mình, chỉ thi thoảng mới đáo qua nhà khi có người đến thăm…
Một phóng viên chuyên thực hiện những bài viết về hoàn cảnh thương tâm cũng chia sẻ, không ít lần anh đến trực tiếp những gia đình có hoàn cảnh đáng thương như trên mạng chia sẻ, nhưng thấy sự thật hoàn toàn khác. Thậm chí, có những người còn ngỏ ý muốn “thuê” viết bài để nhận giúp đỡ từ xã hội. Có những bài viết vạch trần sự thật, phóng viên bị điện thoại nặc danh dọa đánh vì “đạp đổ miếng cơm”.
Có thể thấy, tấm lòng thiện nguyện lan tỏa trong xã hội, một nét đẹp trong nhịp sống hối hả thời nay đã và đang bị một số kẻ lười lao động, có mục đích không hay trục lợi. Tỉnh táo trước những câu chuyện thương tâm, xác minh sự thật để giúp đỡ đúng người, đúng việc, đó mới là cách từ thiện đúng đắn và “có tâm” nhất.