Người dân cho biết nhiều người sau khi bị mất trâu, bò, lợn, chó… chỉ cần mua một thẻ hương, một nén vàng lên xin "ngài đá", không lâu sau sẽ có người mách bảo rồi tìm thấy.
Chúng tôi tìm về xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, vào những ngày trung tuần tháng 8 để tìm hiểu câu chuyện kỳ lạ và có phần "huyền bí" về một hòn đá được người dân ở đây gọi là "ngài".
Vừa tới đầu làng, khi hỏi về ngôi đền có thờ "ngài đá", nhiều người dân đã rất nhiệt tình chỉ lối, không quên hỏi chúng tôi: "Có phải mất trâu, mất bò, hay đến để cầu xin an lành cho gia đình hay không? Chỉ cần mua thẻ hương nén vàng, lên đó xin "ngài" là được hết à".
|
Lối vào đền thờ "ngài đá" cây cối um tùm, tốt tươi. |
Khi chúng tôi có mặt tại địa điểm thờ "ngài đá" ở xóm Thanh Bình, lúc này anh Phan Đình Tiêu (45 tuổi, trú tại xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ) đang soạn lễ để nhờ "ngài đá" giúp đỡ. "Tối qua 1 con trâu và 4 con nghé của gia đình vừa sổng chuồng đi đâu không biết, mọi người đã đi tìm giúp nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy. Tôi ở huyện khác nhưng đã nghe nhiều người nói về sự linh thiêng của "ngài", nên bây giờ mua ít lễ lên nhờ ngài giúp đỡ chỉ lối để nhanh chóng tìm được trâu và nghé"- anh Tiêu nói.
Theo quan sát, ngay trước cổng ra vào khu vực thờ tự "ngài đá" có một bản chỉ dẫn ghi rõ "Di tích Bản thổ". Bao quanh đền thờ phiến đá là một khuôn viên được xây dựng rộng gần 1.000 m2, có mái che, đèn thờ, lư hương và nến để cho mọi người tới thắp hương cầu nguyện. Còn phiến đá mà người dân nơi đây gọi là "ngài" là một phiến đá lộ thiên có màu xanh rêu hình bầu dục, chiều dài khoảng 2 m, chiều rộng và chiều cao khoảng gần 1 m.
|
Hòn đá được người dân gọi là "ngài". |
Cụ Lê Đình Luyện (83 tuổi, trú tại xóm Thanh Bình, xã Thanh Lộc) cho hay "ngài đá" đã có từ xa xưa, từ cái thời các cụ còn nhỏ đã thấy phiến đá ấy ở khu vực này. Cha ông ngày trước cũng đã thờ cúng chứ không phải sau này con cháu mới lập bàn thờ.
"Trước đây khu vực này là một vùng rậm rạp, cây cối um tùm, lối đi vào rất khó. Sau này con cháu trong làng và nhiều người dân ở các vùng miền khác khi nghe tin về sự linh thiêng của hòn đá họ đã góp tiền công đức để mở lối vào và xây dựng khuôn viên như hiện nay.
Ngày trước thì người dân mỗi khi bị mất vật nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, chó… đều đến đây xin "ngài" giúp đỡ là tự nhiên sẽ có người mách bảo cho mà tìm thấy.
Sau này, nhiều người đến đây để cầu xin an lành và may mắn về cho gia đình. Điều đặc biệt là tuy trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh nhưng các chú thấy đó cây cối ở đây vẫn không hề bị gãy đổ"- ông Luyện nói.
Ông Luyện cho biết thêm xã Thanh Lộc trước kia vốn có tên là xã Kiệt Thạch, tức là có những hòn đá đặc biệt. Trong những hòn đá đó, hòn đá được dân gọi là "ngài đá" là đặc biệt nhất. "Ngoài ra, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương đã giao cho Hội người cao tuổi của xã quản lý khu thờ "thần đá" này. Hội người cao tuổi và nhân dân thống nhất chọn ngày rằm tháng giêng làm ngày lễ tế "ngài"- ông Luyện cho biết.
|
Anh Tiêu (phải ảnh) đang cầu xin "ngài đá" chỉ lối tìm giúp trâu và nghé của gia đình bị sổng chuồng đi mất. |
Hồi tưởng lại quá khứ, ông Luyện kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đã lâu lắm rồi: "Ngày đó có một người ở làng này được cử đi làm quan ở xứ miền Nam. Khi rời khỏi chốn quan trường, vị quan này quay trở về quê hương để sinh sống.
Một hôm gia đình vị quan này bị mất con lợn to, cả nhà đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Khi hay tin chủ bị mất heo, có một người giúp việc cho nhà quan này ở gần chỗ "ngài đá" liền mách cho gia chủ mua một thẻ hương và một nén vàng đến nhờ "ngài" chỉ đường tìm lại con lợn.
Vị quan làm theo, thì chỉ ít ngày sau bỗng nhiên có người trong làng đến báo tin con lợn của ông đi lạc và có người trong làng bắt được. Vị quan này sau đó tới xin lại con lợn, rồi về mua lễ vật đến cảm tạ "ngài đá".
|
Ông Luyện (ảnh phải) kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện quanh sự "huyền bí" của hòn đá |
Trong câu chuyện xung quanh về hòn đá "linh thiêng" này, anh Nguyễn Khánh, Trưởng Ban Văn hóa xã Thanh Lộc, cho chúng tôi biết: "Cách đây chừng 10 năm, ông Nguyễn Tiến Sơn là em con ông chú của anh bị mất một con ngựa tìm mãi vẫn không thấy, trong nhà ai cũng nghỉ rằng đã mất rồi. Tuy nhiên, sau đó ông Sơn về mua lễ lên nhờ "ngài" giúp đỡ thì khoảng hơn 2 tháng sau có người mách cho và tìm thấy ở tại xã Tân Hương, huyện Đức Thọ".
Hiện nay hằng ngày không chỉ người dân đến cầu "ngài đá" để tìm vật nuôi thất lạc mà sĩ tử trước kỳ thi muốn có thêm tự tin và hy vọng đỗ đạt cũng đến thắp hương cầu "ngài". Những mùa lúa mới, người dân làm lễ gạo mới, nếp mới dâng lên "ngài đá" nhằm cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, làm ăn bội thu.
"Tuy hiện tại đền chưa được các cấp các ngành của huyện và tỉnh xếp vào di tích nhưng chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho nhân dân trong xã một điểm để sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa. Bởi cứ đến các ngày 30, mùng 1 và ngày 14, 15 có rất nhiều người trong xã và các địa phương khác về đây thắp hương xin ban phước và nhờ "ngài" tìm vật nuôi. Có lúc lên đến hàng trăm người"- anh Khánh nói.