Thật kì diệu, những phát búa đặt xuống như trời giáng vào thanh sắt đỏ lừ, những “bông hoa lửa” bỗng nở ra sáng chói trên tay người thợ kim khí.
Nằm e ấp bên dòng sông Đông Ba, phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chính là nơi an cư của trên 10 gia đình sống bằng nghề rèn, nghề sắt truyền thống.Thu mình giữa ngôi làng cổ, hàng chục năm nay làng rèn Bao Vinh vẫn đỏ lửa, vẫn giữ được nét truyền thống của nghề kim khí đã có trước đó hàng thế kỉ.
|
Từ làng Vinh Hiền, có nhiều người đã tới và định cư ở làng Bao Vinh, họ tập trung lại thành xóm và tiếp tục phát triển và sinh sống bằng nghề rèn, nghề sắt truyền thống. |
Ngược về quá khứ, tìm về nguồn gốc làng rèn Bao Vinh, nghề rèn ở Bao Vinh có nguồn gốc từ làng Hiền Lương nằm phía Bắc trung lưu sông Bồ (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là một làng cổ vốn nổi tiếng với với nghề rèn, nghề sắt truyền thống nhiều đời trước. Nơi đây dân làng vốn thành thạo việc rèn ra các loại nông cụ như cày, cuốc, phăng, liềm hái, dao, rựa...
Ông Trương Thái (55 tuổi), người đã làm nghề rèn, nghề sắt hơn 30 năm ở làng cổ Bao Vinh chia sẻ: Nghề rèn truyền thống ở Vinh Hiền đã có từ rất lâu đời, một thời vang tiếng gần xa. Nhưng qua thời gian, nhiều người có tài nhưng đã mất hoặc tuổi đã cao, nhiều ngón nghề gia truyền dần mai một. Nay vẫn còn lại một chút tinh hoa, nhưng thời vàng son thì không còn nữa.
|
Anh Trương Tiến Nhật (29 tuổi) con trai lớn của ông Trương Thái, một trong số ít người trẻ trong làng còn làm nghề rèn, nghề sắt truyền thống. Anh Nhật bắt đầu rèn từ năm lớp 6. |
|
Mỗi ngày trung bình anh Nhật có thể kiếm từ 150 tới 200 nghìn đồng từ các nông cụ mà anh làm ra. |
|
Công việc khá vất vả, chỉ người trong nghề mới hiểu. Phải tiếp xúc gần những thanh sắt nóng đỏ thường xuyên, cầm búa liên tục, bàn tay anh đã trở nên đã chai sạn, thô ráp. |
|
Mỗi khi vung búa lên giáng xuống những thanh sắt đỏ lừ, những 'bông hoa lửa' bỗng nở ra kì ảo. |
|
Những 'bông hoa lửa' muôn hình vạn trạng nở trên tay người thợ rèn. |
|
Những thứ mà các thợ rèn ở làng cổ Bao Vinh làm ra chủ yếu là các loại nông cụ như cuốc, xẻng, dao, rựa, cày, liềm hái... |
|
“Qua nhiều năm, lớp trẻ còn làm nghề này rất ít, tay nghề cũng không cao, không còn tinh xảo như các thế hệ trước”, ông Thái bộc bạch nói. |