Người trả giá đất 30 tỷ đồng/m2 rồi không mua đã vi phạm hoạt động đấu giá tài sản, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tuỳ mức độ, tính chất của hành vi.
Trong thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra nhiều bất thường, hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc diễn ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận xã hội, khiến nhiều cuộc đấu giá không thực hiện được.
Mới đây nhất là sự việc đấu giá đất ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn đã phối hợp tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở tại thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) với giá khởi điểm gần 2,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá được tổ chức theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, bước giá là 3 triệu đồng/m2.
|
UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh việc người dân trả giá đất 30 tỷ/m2 rồi bỏ ngang. |
Tại vòng đấu thứ 5, hơn 40 lô đất đã được một nhóm khách hàng trả với giá rất cao. Trong đó, có 3 lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/m2.
Tuy nhiên, sang đến vòng thứ 6 nhóm khách hàng này đồng loạt không trả giá. Các thửa đất đấu giá không thành công. UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh.
Liên quan đến sự việc này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bản chất hoạt động đấu giá đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá về quyền sử dụng đất, đây là thủ tục hành chính trong việc giao đất, đồng thời là quan hệ dân sự.
Tuy nhiên nếu có hành vi cản trở hoạt động này, khiến cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không thể thực hiện được thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
|
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động Đấu giá tài sản được quy định tại Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 như sau:
“Các hành vi bị nghiêm cấm
...
5. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
b) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
c) Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
d) Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.”
Theo đó, trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi được quy định tại khoản 5 Điều 9 nêu trên, trong đó có hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản.
Nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại thì đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.
Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cản trở hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.
1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
b) Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;”
Trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường như vậy rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 bộ luật hình sự, khung hình phạt cao nhất của tội danh này có thể từ 02 năm đến 07 năm tù.
Bởi vậy, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, trong vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên việc trả giá đến hơn 30 tỷ đồng/m2 đối với đất ở ở huyện Sóc Sơn là bất thường và thể hiện ý thức coi thường hoạt động đấu giá.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của những người đã trả giá cao rồi bỏ cọc đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét mức độ xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Phiên đấu giá đất Sóc Sơn ngày 29/11. |
Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua diễn ra nhiều bất thường, người trúng giá đất trả giá cao hơn mức khởi điểm rất nhiều khiến cho những người dân sống trong khu vực đó, những người lao động không có cơ hội tiếp cận về quyền sử dụng đất trong những dự án có tổ chức đấu giá.
Điều đáng chú ý là những người tham gia đấu giá trả giá cao như vậy xong, ngay sau đó đã rao bán để thu lợi số tiền lớn.
Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như vậy nhưng lại không có mục đích sử dụng mà chỉ là hoạt động trục lợi từ đấu giá quyền sử dụng đất, lợi dụng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để thu lợi khiến cho người sử dụng thực sự phải trả giá cao, không những phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo mức giá mà những nhà đầu cơ đưa ra mà còn phải trả một khoản tiền chênh lệch khiến họ thiệt đơn, thiệt kép.
Điều đáng lo ngại là các thửa đất cứ thế qua tay thổi giá lên để kiếm lời nhưng không đưa vào sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Bởi vậy, việc kiểm soát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất là điều cần thiết, sao cho giá đất phản ánh đúng với giá thị trường, để người có nhu cầu thực sự có cơ hội tiếp cận để đưa đất vào sử dụng nhằm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và loại bỏ được các trường hợp đầu cơ, lợi dụng hoạt động đấu giá đất để thu lợi bất chính.