Sống ngay trong lòng thành phố Thanh Hóa nhưng ít ai biết có sự tồn tại của xóm chài nghèo phường Đông Thọ ngày ngày vẫn lênh đênh trên sông nước, cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó. Những đứa trẻ phải lo mò cua bắt cá kiếm sống thay vì cắp sách đến trường.
Lênh đênh sông nước
Làng chài nghèo nằm ngay dưới chân cầu Sâng, thuộc phố Thành Công (phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa). Người dân quanh đây thường gọi là xóm chài Âu Thuyền. Bởi lẽ, cuộc sống nghèo khổ của các hộ dân làng chài là lênh đênh thu mình trên thuyền ngay dưới chân cầu, trái ngược hẳn với cuộc sống phồn hoa tấp nập trên bờ.
|
Một góc làng chài nghèo dưới chân cầu Sâng, TP. Thanh Hóa |
Chúng tôi đến xóm chài vào ngày con nước lên cao, trời nắng nóng, được cụ Nguyễn Thị Phúc chèo thuyền đưa vào nhà. Gọi là nhà, nhưng đó chỉ là thuyền được làm bằng bê tông hoặc gỗ để làm nơi ăn chốn ở. Mỗi nhà có thêm một chiếc thuyền nhỏ bằng nan hoặc sắt dùng để di chuyển hoặc đi đánh bắt cá.
Cuộc sống của các hộ dân trên sông nước khá giản dị, khó khăn trăm bề. Điện nước thì phải mua lại từ các hộ dân hai bên bờ với giá cao. Ban ngày, các thuyền vắng tanh, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà. Đàn ông đi đánh cá, phụ nữ lo mò cua bắt ốc. Ngày nào may mắn cũng chỉ kiếm được hơn trăm nghìn. Ít thì vài ba chục, có khi vào mùa nước lạnh tháng 9 này đánh cá khó khăn, chỉ kiếm được vài đồng từ việc mò ốc dưới sông.
“Cuộc sống của chúng tôi trên sông khổ lắm, ngày nào bắt được nhiều cá, bán được hơn trăm nghìn là mừng lắm. Mùa này nước lạnh, cá khan hiếm nên chỉ bắt được con cua con ốc bán thôi” – cụ Nguyễn Thị Phúc (65 tuổi) gắn bó với con thuyền từ khi sinh ra tới giờ tâm sự.
|
Chiếc thuyền bé tí là nơi sinh sống của cả gia đình 4,5 người |
Chiếc thuyền bé tí này đứng lên thì đầu đụng mái, ngồi bên này duỗi chân thì đụng vách bên kia là nơi sinh sống của 6 người trong gia đình cụ Phúc gồm 3 thế hệ. Cô con dâu là chị Nguyễn Thị Hoa (28 tuổi), sinh được 2 con trai. Đứa lớn 7 tuổi thì phải phụ bố mẹ đi mò cua bắt ốc kiếm sống. Cậu út (4 tuổi) ở nhà với ông bà.
Mặc dù quanh năm suốt tháng không kể ngày đêm mò cua bắt ốc bán nơi ven sông, vợ chồng chị Hoa cũng chỉ kiếm đủ tiền chi tiêu trong ngày.
Khi mùa mưa gió đến, cuộc sống càng vất vả hơn. Đến chỗ ăn, chỗ ngủ cũng bị dột mưa ướt nhẹp. Mái thủng. Mưa hất. Cả người lớn và trẻ nhỏ phải thức trắng đêm tránh mưa. Khi nào trời tạnh mưa mới mong có chỗ nhón lửa nấu ăn.
Trẻ em nơi đây đa số ít được đến trường, chúng theo bố mẹ lênh đênh trên sông nước mưu sinh. Cả gia đình đánh bắt tôm cá cả ngày cũng chỉ đủ ăn thì làm sao bọn trẻ có tiền đến lớp? Chúng cứ hồn nhiên vô tư cười đùa trên mạn thuyền.
|
Bọn trẻ rất hồn nhiên vô tư đùa vui phía mạn thuyền |
Chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Nhà nghèo không có tiền, thương con cũng đành chịu thôi cô ạ. Thằng lớn 14 tuổi theo bố đi đánh cá, đứa con gái nhỏ đang học lớp tình thương ở nhà thờ đạo. Để lớn lên tí nữa là cho theo phụ giúp bố mẹ. Bọn trẻ ở đây toàn vậy cả”.
Với những đứa trẻ từ 1-4 tuổi được trông giữ bằng cách rất đặc biệt. Chúng được bố mẹ buộc quả bóng nhựa vào người, phòng trường hợp chẳng may rơi xuống nước cho người lớn dễ phát hiện.
Lên thuyền của dân sông nước, hầu như thấy con vật gì cũng được nuôi trong lồng chật hẹp phía mạn thuyền. Từ con chó, mèo cho đến lợn, gà. Chúng tôi lại theo chân chị Lê Thị Nguyệt (45 tuổi) lên chiếc thuyền nhỏ được thiết kế khá đặc biệt. Một đầu thuyền để nuôi gà, nuôi lợn, đầu còn lại là nơi nấu ăn, giữa khoang thuyền để ở.
|
Thuyền bé nhưng nhà ai cũng dành riêng một góc thuyền để chăn nuôi |
Khi được hỏi về nguồn gốc, chị Nguyệt chỉ biết: “Từ khi sinh ra đến giờ tôi đã thấy mình sống trên thuyền. Từ thời ông bà có nguồn gốc ở huyện Thọ Xuân. Bố mẹ, anh em của mình ở sông đây nên chả bao giờ về quê làm gì. Dân xóm chài chúng tôi chỉ mong được nhà nước quan tâm giúp đỡ để lên bờ. Sống cảnh sông nước lúc trời mưa mới thấm hết cái cực”.
Xóm chài nằm ngay dưới chân cầu, nhưng ít ai để ý thấy dưới này có khoảng 40 hộ dân nghèo đang sinh sống bằng nghề chài lưới. Cuộc sống của họ chỉ lo đủ từng bữa ăn. Lúc ốm đau thì càng khó khăn túng quẫn hơn.
Bao nhiêu con thuyền là bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả họ đều chung cảnh nghèo khổ vẫn mơ ước đến ngày được lên bờ để cuộc sống đỡ cơ cực ngày mưa gió, để con cái được đến trường như bao đứa trẻ khác.
Ước vọng khát khao “lên bờ”
Được biết, phường Đông Thọ là đơn vị có nhiều hộ dân sinh sống trên sông nhiều nhất TP. Thanh Hóa. Hiện có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống trên sông nước
Các hộ sống trên sông chủ yếu là bằng thuyền loại vừa và nhỏ, thường đậu ở cầu Hàm Rồng, cầu Sâng... Sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt tôm cá. Hầu hết các hộ đều gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn, trẻ em không được đến lớp.
Phó chủ tịch phường Đông Thọ, ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết: “Làng chài Thành Công có khoảng hơn 100 hộ, trong đó có 18 hộ nghèo”. Với các hộ khá giả, họ làm thuyền lớn và thường xuyên di chuyển theo sông nước sinh sống. Còn khoảng 40,50 nghèo là họ ở cố định quanh trên các sông trong thành phố, tập trung nhiều nhất dưới chân cầu Sâng.
Vừa qua, thực hiện chỉ thị 07,08 của Thành Ủy và Tỉnh Ủy về việc xóa bỏ nhà tranh tre, dột nát cho đồng bào sinh sống trên sông, đã có 36 hộ được bố trí nhà ở tại khu tái định cư phường Đông Hải, giờ đã ổn định sinh sống. Các hộ còn lại đang nằm trong dự án mới của đô thị ven sông Hạc, sẽ đưa người dân vào khu tái định cư hoặc nhà ở xã hội. Ông Sinh cho biết “Dự án ven sông Hạc, dự kiến trên văn bản sẽ hoàn thành vào năm 2017 các hộ dân làng chài được bố trí lên bờ”.
Hiện nay, nguồn nước nơi sông ngòi bị ô nhiễm trầm trọng, lượng tôm cá ngày càng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân chài lưới. Thiếu nước sinh hoạt, môi trường nước ô nhiễm gây nên nhiều bệnh tật là điều khó tránh khỏi.
Có một ngôi nhà tránh mưa tránh gió, yên tâm an cư lạc nghiệp và để con cái được đến trường là mơ ước của mỗi người dân sinh lang chài phường Đông Thọ. Không biết đến bao lâu nữa thì ước mơ của những con người nghèo khổ này mới thành hiện thực?! Rất mong các cấp chính quyến “biến” dự kiến hoàn thành dự án trên văn bản thành hiện thực./.