Nhiều năm qua, bà đã dành tình cảm, thời gian, thu nhập của gia đình để đỡ đầu, chăm lo sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tham gia làm công tác từ thiện xã hội.
Cưu mang sinh viên nghèo
Quán cơm nhỏ trên đường Nguyễn Sơn Hà (phường 5, quận 3) luôn rộn tiếng cười, ấm áp tình thương với tấm lòng thơm thảo của bà chủ Dương Thị Kim Dung. Quán cơm chủ yếu bán vào buổi trưa dành cho sinh viên, người lao động nghèo, người dân xung quanh... Thời gian còn lại, bà Dung cùng với các nhà hảo tâm, cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đi làm công tác từ thiện xã hội. Điều khiến mọi người quý mến ở người phụ nữ đã gần 70 tuổi này chính là tấm lòng bao dung, sẵn sàng cưu mang những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh viên quốc tế (nước bạn Lào) đến thành phố học tập.
Hôm chúng tôi đến gặp bà Dương Thị Kim Dung cũng vừa lúc bà đi công tác từ thiện tại Bến Tre trở về. Vừa gặp mặt, bà đã chia sẻ ngay: “Người tốt trong xã hội nhiều lắm, bản thân tôi chỉ muốn góp chút sức nhỏ bé để các cháu sinh viên có điều kiện học tập đến nơi đến chốn chứ không dám nhận là nhà hảo tâm hay nhà từ thiện gì đâu”. Đứng bên cạnh bà Dung, em Khounphinit Sodalay (sinh năm 1999, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) tiếp lời: “Mẹ Dung là người tốt hiếm gặp. Tôi rất may mắn khi đến Việt Nam học tập và được làm con nuôi của mẹ Dung. Hơn 3 năm ở cùng gia đình, tôi học được ở mẹ Dung nhiều điều, nhất là văn hóa của người Việt Nam, tình yêu thương của mẹ Dung dành cho mọi người. Đây là gia đình thứ hai của tôi”.
Theo Khounphinit Sodalay, em đến với gia đình bà Dung từ cái duyên trong Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP Hồ Chí Minh”. Thông thường, sau vài tháng hoặc một năm của chương trình là các sinh viên Lào sẽ trở lại ký túc xá, nhưng cô Dung đã tình nguyện giữ các em ở lại để đỡ đầu, chăm lo cho đến khi tốt nghiệp đại học. Còn với em Senlath Arliya (sinh năm 1998, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh), đã từ lâu xem bà Dung như người mẹ thứ hai của mình. “Tôi về với gia đình mẹ Dung từ tháng 6-2020. Mẹ luôn quan tâm, dạy bảo, chỉ rõ những cái tốt và cả khuyết điểm để chúng tôi biết phát huy và sửa chữa. Sống xa gia đình, xa quê hương nhưng tôi cảm thấy ấm áp và yên tâm vì có mẹ Dung và mọi người trong gia đình luôn yêu thương, chăm sóc”.
Nhắc đến chuyện đỡ đầu các sinh viên Lào, bà Dung chia sẻ: “Tôi đang nhận đỡ đầu 3 sinh viên Lào. Tôi cũng cho phép các cháu ở, sinh hoạt cùng gia đình để có cơ hội gần gũi hiểu nhau hơn, thắt chặt tình cảm. Dù thời gian của các cháu sinh viên Lào phần lớn tập trung việc học nhưng tôi cũng cố gắng lồng ghép, giúp các cháu hiểu sâu hơn về con người, văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống gia đình người Việt, tinh thần tôn sư trọng đạo, tình đoàn kết, yêu thương, sẻ chia cộng đồng... Đây là trách nhiệm của người dân Việt Nam giúp thế hệ trẻ của nước bạn Lào cảm nhận và có nhiều ấn tượng đẹp về Việt Nam”.
Ông Huỳnh Thanh Nhã, Phó giám đốc Ký túc xá sinh viên Lào tại TP Hồ Chí Minh nhận xét rằng: “Tấm lòng của bà Dương Thị Kim Dung rất đáng trân trọng. Bà là người tiên phong trong việc đỡ đầu lâu dài các sinh viên Lào học tập tại TP Hồ Chí Minh, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn thành phố. Ở bà Dung luôn toát lên nguồn năng lượng tích cực để truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh. Hiệu ứng từ những việc làm đó góp phần nâng cao chất lượng công tác giao lưu, đối ngoại nhân dân. Qua đó, tạo cơ hội để gắn kết tình cảm, tiếp tục vun đắp mối đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai nước”.
Bên cạnh các sinh viên Lào, bà Dung còn đang đỡ đầu 3 sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Là người được bà cưu mang từ tháng 11-2020 đến nay, sinh viên Quãng Trọng Đại (sinh năm 2000, đang học năm cuối Trường Trung cấp Kinh tế-Du lịch TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Từng nhiều ngày phải ngủ ở ghế đá công viên nên được gặp cô Dung là điều may mắn trong cuộc đời tôi. Cô đã cho tôi một gia đình ấm áp, tạo động lực để tôi học tập tốt hơn. Hiện tôi đang đi thử việc ở một vài nơi và mong rằng sẽ có việc làm ổn định để không phụ lòng chăm sóc, nuôi dưỡng của cô Dung”.
Với em Võ Thanh Phong (sinh năm 2001, sinh viên năm thứ tư ngành xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh), bà Dung là người đã đỡ đần Phong và cha của em khi lên TP Hồ Chí Minh từ tháng 9-2019 đến nay. Cha của Phong thì phụ bà việc bán quán cơm còn Phong tranh thủ lúc không bận học cũng hỗ trợ, giúp đỡ công việc của quán, phục vụ khách. Thanh Phong tâm sự: “Cô Dung là ân nhân lớn của gia đình tôi. Ở với cô Dung, tôi trưởng thành nhiều về nhận thức và thái độ sống tích cực. Những việc tưởng đơn giản như thấy người khó khăn phải giúp, thấy cái xấu phải tránh, cái tốt nên làm nhưng khi thực hiện không hề dễ dàng trong cuộc sống, đòi hỏi phải có sự yêu thương chân thành, sự kiên trì đủ lớn cho việc thiện nguyện. Đó là những hành trang quý giá cho cuộc sống tương lai của tôi và các sinh viên khác đang được cô đỡ đầu”.
Bên cạnh chăm lo chỗ ăn ở, khi các sinh viên phụ giúp phục vụ quán cơm, bà Dung đều “trả lương” để sinh viên có thêm chi phí sinh hoạt. Cứ như vậy, bà Dung chăm lo hết thế hệ sinh viên này lại tiếp nhận những sinh viên khó khăn khác nên bà không nhớ chính xác số lượng sinh viên từng đến ở với gia đình. “Tôi từng là giáo viên nên hiểu rất rõ vai trò của giáo dục, nhất là ngưỡng cửa sinh viên của các con, các cháu như hiện nay. Tôi chăm lo bằng cả tấm lòng, không mong được trả ơn, chỉ mong các con, các cháu trưởng thành, lập nghiệp, sống có ích cho xã hội”, bà Dung bộc bạch.
Gieo niềm tin, lan tỏa lòng nhân ái
Hơn 20 năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân tại phường 5, quận 3 đã quen với hình ảnh thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ người khác của bà Dương Thị Kim Dung. Công việc thiện nguyện của bà không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương như: Bình Phước, Lâm Đồng... Bà thực hiện nhiều phần việc, từ trao nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh, sinh viên, tặng xe lăn, đến vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn... Chỉ riêng với việc duy trì quán cơm, bà Dung vừa đỡ đầu sinh viên, vừa giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác từ vùng sâu, vùng xa về thành phố lập nghiệp.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, bà đã vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn bị cách ly trong tâm dịch. Quán cơm của bà còn hỗ trợ địa phương chăm lo chỗ ăn, chỗ ở cho các y, bác sĩ quân y trong thời gian tăng cường chống dịch cho thành phố. Em Quãng Trọng Đại nhớ lại: “Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, dù tuổi cao nhưng cô Dung không sợ nguy hiểm, đi vận động nguồn thực phẩm để san sẻ cho các gia đình trong phường 5, các khu cách ly. Tôi được cùng cô ngày đêm đi phân phát, hỗ trợ nhu yếu phẩm đến các hộ gia đình nên càng khâm phục ý chí, tấm lòng của cô”.
Bà Dung tâm sự: “Tôi luôn nghĩ bản thân có thể chia sẻ, hỗ trợ người khác lúc nào thì cần thực hiện ngay chứ không nhất thiết chờ đến lúc có “của ăn của để”. Hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng thời điểm và sẵn sàng giúp người khác bằng cái tâm trong sáng mới là điều đáng quý. Giúp đỡ lẫn nhau không phải bao bọc mà là chia sẻ những khó khăn hiện tại, cái chính là khơi gợi cho mọi người ở tinh thần “chia ngọt sẻ bùi”, “tương thân tương ái” và động viên cùng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Một hoàn cảnh vượt khó vươn lên sẽ lan tỏa nghị lực đến nhiều trường hợp khác”.
Cái tâm của bà Dung đã được đền đáp bằng những quả ngọt cho xã hội. Việc đỡ đầu các sinh viên khó khăn bắt nguồn trong một dịp đi trao học bổng ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh khoảng 10 năm trước đây. Bà gặp hoàn cảnh của hai cháu Phan Thị Loan và Trần Thị Tuyết Anh, đều đỗ vào Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng gia đình vô cùng khó khăn, không có điều kiện đi học. Bà ngỏ lời với các gia đình đưa hai cháu về nuôi ăn ở miễn phí để có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ. “Bây giờ, các cháu đã trở thành bác sĩ, điều dưỡng giỏi và thường xuyên tham gia các chuyến khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo. Các cháu thường khoe với tôi rằng, được trở thành những thầy thuốc như hôm nay là nhờ có “má Dung” và sẽ luôn noi gương “má Dung” để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Đó là niềm tự hào và hạnh phúc vô bờ bến đối với tôi”, bà Dung xúc động chia sẻ.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bước chân của bà Dương Thị Kim Dung vẫn đi đến vùng sâu, vùng xa để tiếp tục hành trình lan tỏa lòng nhân ái. Nói về những dự định tương lai, bà bộc bạch: “Tôi đang là trưởng một nhóm từ thiện và là ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ từ thiện TP Hồ Chí Minh cùng một số vai trò khác. Không ai có thể đủ sức khỏe để làm thiện nguyện mãi nhưng chắc chắn rằng, các con của tôi, các thế hệ sinh viên đã trưởng thành cùng gia đình tôi sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần sẻ chia vì cộng đồng. Chúng tôi cố gắng gieo niềm tin, lòng nhân ái nhiều hơn nữa, nhất là tiếp thêm nghị lực cho thế hệ trẻ”.
Tags: