Đất nước dường như đang bước vào một cuộc “tách nhập” mới sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đất nước dường như đang bước vào một cuộc “tách nhập” mới sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV) |
Vâng, “hiệu lực, hiệu quả” của bộ máy nhà nước chúng ta đã được nghe, được đọc trong văn kiện Đảng hoặc các bài nói, bài viết của lãnh đạo cách đây hơn 30 năm.
Sau đổi mới, nước ta chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị. 30 năm sau đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện, 1.136 xã.
Đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Đối với “chính quyền theo ngành” thì các bộ cũng đã diễn ra “tách - nhập” vô hậu.
Câu chuyện “tách - nhập” cho thấy chúng ta thiếu tầm nhìn và tư duy khoa học khi thiết kế bộ máy hành chính trong suốt chiều dài từ năm 1945 đến nay, đặc biệt là sau khi đất nước thống nhất, năm 1975.
Bộ máy hành chính đã trở nên quá cồng kềnh, lãng phí ở một số bộ, ngành, địa phương, gây áp lực lớn lên ngân sách và hiệu quả hoạt động của dịch vụ công - đến mức không chịu đựng nổi.
Do vậy, sáp nhập các đơn vị hành chính cơ sở, giải tán các tầng nấc trung gian (tổng cục) và sắp xếp lại đầu mối của các bộ là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy và cách thức quản trị như thế nào?
Chúng ta mãi loay hoay về tiêu chí. Khi xây dựng tiêu chí chưa “thoát” ra được lợi ích nhóm, cục bộ, cá nhân.
Đã đến lúc cần xây dựng tiêu chí về hiệu quả hành chính công theo từng cấp (ví dụ Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tham chiếu cho cấp tỉnh) để làm căn cứ đánh giá việc điều chỉnh địa giới hành chính; không nên chỉ tập trung vào các tiêu chí thuần về địa lý như dân số và diện tích.
Quá trình thay đổi địa giới cần tạo ra sự chủ động ngành dọc cho chính quyền cấp địa phương, tự quyết định không gian phát triển.
Địa phương cần được phân quyền rõ ràng và có quyền tự chủ, kèm theo đó là nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm về công tác quản lý tại cơ sở.
Sáp nhập địa giới, sắp xếp bộ, ngành cần đi liền với việc thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp về tài chính theo xu hướng tăng quyền chủ động ngân sách.
Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, bởi hiện tại chỉ có khoảng hơn 10 tỉnh/63 tỉnh là có số dư ngân sách và không phải “cầu cứu” Trung ương và tâm lý lãnh đạo bộ, ngành luôn muốn “cơi nới sân vườn” nhà mình.
Thế giới đã bước vào “cách mạng công nghiệp 4.0” từ lâu. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Hệ thống quản lý hành chính đã đến lúc phải thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới. Với tiến bộ công nghệ, nếu mãi bám trụ với những mô hình hành chính xơ cứng kiểu cũ, “nhiều con, đông cháu”, “quyền lực”, “mệnh lệnh”, “xin cho”, “ban phát” là lỗi thời...
Xu hướng hợp tác, “sáp nhập mềm” trong liên kết chuỗi thay vì mãi lúng túng “tách - nhập” cơ hữu như hiện tại.