Cụ thể, theo Thanh tra Sở, Bệnh nhân N.T.N 38 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, đang là bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Truyền máu Huyết học, thời gian điều trị đã 5 năm theo định kỳ tái khám. Bệnh nhân đã được bác sỹ bệnh viện Truyền máu Huyết học giải thích, điều trị ổn định, nhưng khi xem qua quảng cáo trên Facebook đã đến cơ sở mang tên “LuxCell International Clinic” tại địa chỉ số 186 – 186A, Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, được dẫn dụ sử dụng dịch vụ tế bào gốc để điều trị với số tiền là 140 triệu.
Cơ sở hành nghề trái phép này thu hút người bệnh bằng cách khi tiếp cận được người bệnh liền móc nối cho một nhân viên khác giải thích trực tiếp và gọi điện thoại đến một người khác, được cho là bệnh rất nặng, để người này giả làm người bệnh kể về việc điều trị tế bào gốc rất hiệu quả, từ đó thuyết phục được chị N., mang lại cho chị cảm giác an tâm.
Đến khi Đoàn kiểm tra tại cơ sở thì chị N. mới phát hiện bản thân bị lừa. May mắn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở này đã trả lại cho chị N. 140 triệu đồng.
Tương tự, một trường hợp khác cũng được Thanh tra Sở phát hiện là bệnh nhân L.T.D 62 tuổi, ngụ tại Đắk Nông, được chẩn đoán xơ gan và hạn chế dùng thuốc. Qua theo dõi Facebook cũng tìm đến cơ sở mang tên “LuxCell International Clinic” nêu trên để massage và điều trị đau nhức vùng lưng, qua thời gian massage liệu pháp được nhân viên cơ sở này tư vấn tiêm thuốc giảm đau vào vùng lưng (không rõ loại) với giá 3,8 triệu/lần tiêm mà không rõ là thuốc gì.
Cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” đã ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM) |
Trước đó, ngày 23/4/2024, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở có biển hiệu LuxCell International Clinic, địa chỉ 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Đây là hộ kinh doanh do UBND quận 3 cấp ngày 29/3/2024 (do ông N.V.T. làm chủ hộ) với ngành nghề kinh doanh là xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc tê dạng tiêm; dịch vụ tắm hơi, massage, đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình; cắt tóc, gội đầu.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận có 1 khách hàng nữ (62 tuổi), đã điều trị đau lưng tại cơ sở này 13 lần bằng việc tiêm thuốc vào vùng lưng 1 lần, thực hiện phục hồi chức năng bằng tay, hôm nay theo lịch hẹn tiêm vùng lưng lần 2. Ngoài ra, còn 1 khách hàng nữ (38 tuổi), đến để thực hiện dịch vụ tế bào gốc để điều trị bệnh giảm tiểu cầu vô căn. Khách hàng này cho biết đã chuyển cho cơ sở này số tiền là 140 triệu đồng.
Cạnh đó là nhân viên V.B.L. (tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền, chưa có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh) đang xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng cho khách bằng tay; nhân viên T.V.U.A (học sơ cấp, chưa có bằng, không có chứng chỉ hành nghề) đang xoa bóp, phục hồi chức năng cho một khách khác.
Tại tầng 8 của tòa nhà, ngoài khu bếp và sân thượng, ở giữa tầng này còn có 1 phòng đóng cửa treo biển “Phòng để đồ gia chủ không phận sự miễn vào”. Cơ sở này cố tình không mở cửa để Đoàn vào kiểm tra phòng này. Sau đó, được sự hỗ trợ của Công an quận 3, người quản lý cơ sở này mới chịu mở cửa cho Đoàn kiểm tra vào. Tại đây, Đoàn ghi nhận bên trong phòng có chứa 29 thùng NaCl 0.9% 500ml Kabi và NaCl 0.9% 100ml Kabi; 01 thùng sản phẩm, mỹ phẩm Herbal cream 250gr/8.8 oz; 01 thùng dầu xoa bóp Moisturizing massage oil có logo Viện xương khớp thần kinh Việt Nam, không có nhãn phụ tiếng Việt… và chưa xác định được nguồn gốc của những sản phẩm này.
Sở Y tế đã mời người quản lý cơ sở đến Thanh tra Sở Y tế làm việc, đề nghị cung cấp hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trên. Đồng thời đề nghị UBND quận 3 tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép, nhất là các loại hình kinh doanh nhạy cảm dễ bị lợi dụng và “lấn sân” sang lĩnh vực khám chữa bệnh, yêu cầu UBND quận 3 xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài 2 trường hợp cụ thể nêu trên, qua quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện nhiều trường hợp tương tự, nơi người dân tìm đến các cơ sở y tế không chính thống thông qua thông tin trên Facebook, đặc biệt là những người mong muốn làm đẹp, đang mắc các bệnh mãn tính hoặc bệnh "khó nói"...
Để tránh tình trạng này, Sở Y tế kêu gọi người dân cảnh giác cao độ trước những thông tin quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook và TikTok. Các đối tượng xấu thường đăng tải thông tin sai lệch, vi phạm các quy định về khám chữa bệnh để lừa đảo và trục lợi từ người bệnh.
Khi phát hiện các quảng cáo trái phép, sai sự thật, có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực y tế, người dân có thể gọi ngay cho đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc tải thông tin lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thể kịp thời nắm bắt thông tin, ngăn chặn và xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân.