Liên quan đến sự cố tại Nhà máy xi măng Bắc Kạn, sở Khoa học và Công nghệ đã lên tiếng thông tin về mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ.
|
Hình ảnh nguồn phóng xạ bị mất tại nhà máy xi măng Bắc Kạn. |
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, nguồn phóng xạ Cs - 137 bị mất của Công ty xi măng Bắc Kạn được sử dụng trong hoạt động kiểm tra mức xả Clinker trong công nghệ xi măng lò đứng.
Nguồn phóng xạ Cs - 137 là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước khoảng phi 10x20cm, màu ghi xám, nặng khoảng 0,3 - 0,4kg). Bình chì sẽ có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra ngoài môi trường.
|
Nguồn phóng xạ Cs - 137 của nhà máy xi măng Bắc Kạn đã bị mất gây hoang mang dư luận. |
Theo thông tin tại giấy phép số 270-GP-ATBXHN ngày 12/8/2010 của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân thì hoạt độ hiện tại của nguồn vào khoảng 3,97mCi (146,89 MBq) và được xếp vào nguồn phóng xạ nhóm 5 theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ - QCVN6:2010/BKHCN.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ Cs - 137 bị mất, sở KHCN tỉnh Bắc Kạn cho rằng nguồn phóng xạ bị mất theo phân loại của quy chuẩn Việt Nam 6: 2010 BKHCN về phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ thì thuộc nhóm số 5.
“Theo tài liệu của cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA TECDOC 1344) thì nguồn loại này là không nguy hiểm cho con người, cũng như không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này khi tiếp xúc gần”, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cho biết.
|
Trước việc mất nguồn phóng xạ tại nhà máy xi măng Bắc Kạn gây xôn xao dư luận, sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này đã lên tiếng về sự việc. |
Ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cho biết, nguồn phóng xạ bị mất cắp khi đang được lưu giữ tại kho của Công ty xi măng Bắc Kạn. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cửa kho bị phá khóa.
Trước đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản và lưu trữ nguồn phóng xạ trong kho, dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ và dán ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm.
Theo ông Thế, người bình thường khi bắt gặp sẽ không thể biết được đó là nguồn phóng xạ và nghĩ rằng nó không có giá trị. Để mở được hộp chì bên ngoài cần có thiết bị chuyên dụng mới tiếp cận được nguồn phóng xạ. Bên trong hộp chì, nguồn phóng xạ Cs – 137 chỉ cỡ bằng một hạt đỗ.
|
Để mở được hộp chì cần phải có thiết bị chuyên dụng. |
|
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, nguồn phóng xạ bên trong hộp chì chỉ nhỏ bằng hạt đậu. |
Như Pháp luật Plus đã thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ được cất giữ tại kho về nơi lưu giữ trước ngày 15/12 để đảm bảo an toàn theo quy định.
Tuy nhiên, qua liên lạc với ông Đinh Văn Bằng, nguyên Giám đốc Công ty Xi măng Bắc Kạn được biết, phía công ty đã kiểm tra và không còn thấy nguồn phóng xạ tại kho lưu trữ của Công ty xi măng Bắc Kạn.
Sau khi nhận được thông tin, Tổ Công tác đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành khám nghiệm, thu thập dấu vết, chứng cứ và lấy lời khai của những người liên quan.
Ghi nhận của Pháp luật Plus, Nhà máy xi măng Bắc Kạn nằm tại địa phận phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn, nằm cách mặt đường Quốc lộ 3 khoảng 1km. Hiện toàn bộ Công ty đã dừng hoạt động, cỏ cây mọc um tùm và không hề có bóng dáng lực lượng bảo vệ của Công ty.