Đây là một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Giảm dần 10% theo lộ trình 5 năm
Nghị quyết 12 đề cập việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập với nhiều mục tiêu cụ thể và 8 giải pháp cơ bản.
Đầu tiên, Nghị quyết xác định đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hóa. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
|
Trong ngành giáo dục sẽ tinh giản biên chế nhân sự như kế toán, y tế học đường; khi tuyển mới thì áp dụng chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn (trừ trường hợp ở vùng sâu, vùng xa). Trong ảnh: Lễ khai giảng năm học mới một trường học ở Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một trong những mục tiêu tổng quát của nghị quyết này là đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhậpcho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Các mục tiêu cụ thể được xác lập theo 2 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2021 và giai đoạn đến 2025 và 2030.
Theo đó, đến năm 2021 sẽ giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Đồng thời, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Cùng với đó, sẽ hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).
Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021…; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.
Cho đến năm 2030, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Để đạt được các mục tiêu, Nghị quyết xác định 8 giải pháp: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; Sắp xếp lại tổ chức; Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường…; Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; Hoàn thiện cơ chế tài chính; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng…
Tuyển dụng mới: Hợp đồng viên chức có thời hạn
Trong giải pháp quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẽ thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).
Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính).
Cùng với đó, sẽ rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chếđối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong nhóm giải pháp này, Nghị quyết 19 cũng lưu ý tới việc đổi mới tuyển dụng, sử dụng để thu hút người tài; đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Ngành giáo dục chiếm 70% quỹ lương khối sự nghiệp Ngành giáo dục chiếm 52% biên chế sự nghiệp của cả nước (1,2 triệu người trong tổng số 2,3 triệu). Ngành chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp. Ngành dùng tới 80% ngân sách nhà nước phân để trả lương. Trong số nhân sự của ngành giáo dục, cơ cấu nguồn lương được tính như sau: Đội ngũ hưởng lương từ ngân sách Cán bộ quản lý: 35.833 (bậc mầm non), 35.010 (tiểu học), 24.627 (THCS), 8.351 (THPT), 5.100 (đại học). Đội ngũ viên chức (làm việc theo hợp đồng viên chức): 132.494 (mầm non), 363.249 (tiểu học), 207.085 (THCS), 119.826 (THPT), 55.401 (ĐH). Nhân sự hưởng lương phi ngân sách: 114.546 (mầm non), 29.295 (tiểu học), 22.283 (THCS), 17.609 (THPT) và chưa có con số thống kê ở bậc sau THPT. |