Mở đầu phiên chất vấn về công tác PCCC, Đại biểu Nguyễn Mai Hùng, Tổ đại biểu TP Uông Bí cho biết, để nâng cao ý thức PCCC, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 2 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng". Đại biểu đề nghị Phó Giám đốc Công an tỉnh đánh giá hoạt động của các mô hình trên và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này ở địa bàn các khu dân cư.
Đại biểu Nguyễn Mai Hùng, Tổ đại biểu TP Uông Bí chất vấn. |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Hùng về hiệu quả hoạt động của 2 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng", đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 1.567 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", 514 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tại các ngõ sâu trên 50m mà xe chữa cháy không thể tiếp cận được (các mô hình trên cơ bản đã được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC).
Để tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này, trong thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã phối hợp UBND các địa phương tổ chức hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy tại 100% các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn tỉnh; tham mưu tổ chức Hội thi nghiệp vụ PCCC và CNCH mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" cấp huyện và cấp tỉnh với sự tham gia của 123 đội thi.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. |
Qua hơn 1 năm triển khai xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng dân cư về công tác PCCC; nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH được nâng cao. Ngoài thực hiện tốt công tác PCCC, các hộ gia đình còn làm tốt công tác bảo đảm ANTT, vệ sinh môi trường, xây dựng khu phố văn hóa... Hiệu quả mang lại rõ nét nhất là từ việc xây dựng, triển khai các mô hình trên, thời gian qua, chưa xảy ra vụ cháy, nổ nào tại các nơi có mô hình đã được xây dựng.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục rà soát các địa điểm dân cư đủ tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Công an để tiến hành nhân rộng mô hình, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng PCCC cho các thành viên trong hộ gia đình và kiểm tra, hướng dẫn duy trì các hệ thống chuông đèn, nút ấn báo cháy đã được trang bị để đảm bảo hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Liễu, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, thời gian gần đây, trên địa bàn một số địa phương trên cả nước đã xảy ra một số vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản được cử tri đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh hiện là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, nhiều cơ sở có nguy cơ về cháy nổ như: chung cư, các cơ sở kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tàu du lịch… Đại biểu đề nghị Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết các giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra, nhất là đối với các cơ sở trọng điểm về cháy nổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Liễu, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô chất vấn. |
Theo Đại tá Nguyễn Thuận, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 13.871 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, số vụ cháy, nổ giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, không để xảy ra vụ cháy lớn, cháy phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số vụ cháy được nhân dân và lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chủ động tự dập tắt trong giai đoạn "5 phút giờ vàng", không cần sử dụng phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC chiếm tỷ lệ 34% (20/59 vụ).
Để đạt được những kết quả trên, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực tế. Nổi bật là công tác tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy, treo pano trên các tuyến đường chính, các địa điểm tập trung đông người, khu vực đông dân cư, in mã QR chứa nhiều nội dung tuyên truyền về các biện pháp PCCC & CNCH để người dân có thể tải về; nghiên cứu trên thiết bị di động (Công an tỉnh đã triển khai lắp đặt tại các địa điểm trên địa bàn Hạ Long và sẽ nhân rộng ra tất cả các địa phương còn lại trong toàn tỉnh).
Công an tỉnh cũng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại địa phương vào ngày nghỉ cuối tuần để nhân dân tiếp cận kiến thức, trải nghiệm, thực hành thực tế. Đồng thời tham mưu, phối hợp củng cố kiện toàn tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thành lập, bố trí đủ lực lượng PCCC tại chỗ ở tất cả các ca, kíp làm việc và tổ chức huấn luyện, bồi dường nghiệp vụ cho lực lượng này; đầu tư, mua sắm trang thiết bị về PCCC với phương châm “4 tại chỗ”.
Tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra xử lý vi phạm về PCCC & CNCH; phân công các tổ công tác thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH. Cùng với đó là duy trì và phát huy có hiệu quả của các mô hình tự quản về công tác PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”; “Điểm chữa cháy công cộng”, “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; “Tàu du lịch tự quản an toàn PCCC”.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Tổ đại biểu TX Đông Triều, tiếp tục chất vấn Phó Giám đốc Công an tỉnh. |
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Tổ đại biểu TX Đông Triều, tiếp tục chất vấn Phó Giám đốc Công an tỉnh về việc xử lý dứt điểm các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, nhất là các cơ sở có vốn đầu tư từ ngân sách như: trụ sở cơ quan nhà nước, chợ, trường học (riêng việc khắc phục PCCC đối với các trường học trước ngày 5/9/2023 để phục vụ năm học mới 2023-2024), kết quả khắc phục PCCC đối với các trường học đến thời điểm hiện nay và giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo an toàn về PCCC trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Đại tá Nguyễn Thuận, cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng số 84 cơ sở chịu sự tác động của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh quy định việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, trong đó có 13 trường học.
Đến hiện tại, các trường học đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu về PCCC theo tinh thần của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND. Một số cơ sở sau khi được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đến nay đang triển khai bước lập dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập hồ sơ thiết kế, sẽ triển khai thi công khắc phục trong thời gian tới.
Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn giải pháp nâng cao điều kiện an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hữu. Công an tỉnh sẽ thường xuyên bám sát các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Xây dựng để kịp thời cập nhật các văn bản hướng dẫn mới, đưa ra các giải pháp phù hợp cho dạng công trình này, đồng hành cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương nhằm khắc phục dứt điểm tồn tại, vi phạm về PCCC tại các trường học, đề nghị UBND các địa phương quan tâm cấp kinh phí cho các trường học này để triển khai các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận nội dung chất vấn về công tác phòng cháy chữa cháy, Bí thư , Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương bám sát 5 mục tiêu: Kiên quyết không để xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu các nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ, sự cố, tai nạn, nhất là tại khu dân cư đô thị, chung cư cao tầng, chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh, quán karaoke, vũ trường, trường học, trong ngành than, khu công nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, kho chứa hàng hóa…
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh kết luận nội dung chất vấn về công tác PCCC. |
Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, của ngành Than, ngành lâm nghiệp, nòng cốt là lực lượng chuyên trách trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, hàng ngày ở mọi lúc, mọi nơi, liên quan đến nhân dân; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống và sự chủ động của người dân đối với công tác phòng chống cháy nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn. Mỗi người dân phải chủ động trong công việc này; tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung quan trọng khác, theo chương trình dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ 8-10/7/2024), HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét thông qua 26 Nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; quy định tặng thưởng danh hiệu “Công dân Quảng Ninh ưu tú”; chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh; ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước…