Nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn đã gặp hổ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn đã gặp hổ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau đây là ba câu chuyện gặp hổ ở Trường Sơn.
Núi rừng Trường Sơn nhiều suối và cây cối rậm rạp, là một trong những địa điểm thuận lợi cho hổ và các thú rừng khác sinh sống. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn đã gặp hổ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau đây là ba câu chuyện gặp hổ ở Trường Sơn.
Cựu chiến binh Hồng Châu ở Binh trạm 35, thuộc Đoàn 559 Trường Sơn kể:
Sau một đêm ngủ dậy, đương nhiên là chúng ta phải cuốn màn rồi gập lại ngay ngắn. Với các anh bộ đội thì chuyện gập chăn màn gọn gàng, vuông vức tới mức quá "siêu" rồi. Ấy thế mà anh Đại ở đại đội 1 hậu cần Binh trạm 35 bộ đội Trường Sơn lại “lười” đến mức phải “nhờ” hổ cuốn hộ mình chiếc màn đấy. Chuyện là thế này:
Một ngày cuối mùa khô, anh Đại và anh Hùng đi công tác. Đêm ấy hai anh phải căng võng ngủ lại bên bờ sông Xê Công tỉnh Tà-ven-oọc nước Lào, đoạn gần Ngầm Bạc - một trọng điểm ác liệt của Trường Sơn. Khi hai anh đã trèo lên võng đi ngủ thì ai dè có một con hổ ngồi rình từ lúc nào mà hai anh không ai biết.
Mờ sáng, Hùng tỉnh ngủ dậy trước. Vừa ngồi dậy trên võng, anh rụng rời chân tay khi nhìn thấy một con hổ to gần bằng con bê con ngồi rình gần bên cạnh chiếc võng của Đại.
Hùng quơ vội khẩu súng AK, chỉ kịp hướng nòng súng về phía con hổ rồi bóp cò. Đạn trượt.
Con hổ bị bất ngờ, nó hoảng hốt nhảy vọt theo bản năng về phía trước, kéo phăng luôn cái màn và chiếc tăng trên võng của Đại. Con hổ bị vướng màn mất đà lăn đi mấy vòng. Hùng bắn tiếp 2 phát đạn nữa nhưng vẫn không trúng.
Cuối cùng con hổ cũng vùng dậy được, nó phóng thẳng vào rừng. Sau phát súng nổ đầu tiên, Đại hoảng hồn vùng dậy. Anh chỉ kịp trông thấy một vật màu vàng vút qua và cuốn phăng cái màn của anh mang đi. Khi biết sự tình, anh mới thấy sợ.
Vết chân hổ dày đặc quanh khu vực hai anh mắc võng. Chắc là nó đi đi lại lại rất lâu. Tại sao đêm qua nó không vồ các anh nhỉ ? Có lẽ con hổ biết có hai con mồi ở trong cái vật bùng nhùng màu xanh xám kia nhưng chắc là nó cảnh giác chưa dám vồ mồi mà thôi.
Sự cảnh giác của nó đã giúp hai anh thoát chết trong gang tấc.
Thật là một phen hú vía với hổ Trường Sơn.
Cựu chiến binh Phạm Thành Long – Ban Tuyên huấn Sư đoàn 471, Bộ đội Trường Sơn kể về việc một đồng đội của anh gặp hổ giữa đường.
Chuyện xảy ra cuối năm 1970. Với Nguyễn Văn Hộ, hôm nay anh vừa tròn ba tháng được làm lính Trường Sơn. Hộ là sinh viên năm cuối của Trường Sư phạm thể dục, thể thao Trung ương. Quê anh ở Đông Quan, Đông Hưng, Thái Bình. Là một chàng trai quê lúa nhưng Hộ trắng trẻo và khá đẹp trai. Anh em trong đơn vị vẫn kêu anh bằng một cái tên kép là “Hộ bột”.
Hôm nay anh được cử đi lấy gạo cùng với ba chiến sĩ khác. Từ Hội Mơn (giáp Binh trạm 34), Hộ và các anh phải vượt qua một quả đồi đầy lau lách. Lối đi chỉ là một con đường mòn. Nhiều chỗ, hai bên lau lách xòe ra che kín cả lối đi.
Khi vừa xuống tới chân đồi thì tiểu đội trưởng Đủ đột ngột đứng khựng lại.
- Các cậu có ngửi thấy mùi hôi không? Đủ hỏi khẽ.
- Hình như có mùi phân, anh ạ. Hộ đi ngay phía sau tiểu đội trưởng khẽ trả lời.
- Không phải. Là mùi hôi của thịt chết. Nói rồi anh khoác tay cho anh em tiếp tục đi. Gió vẫn mang mùi hôi thổi ngược về phía di chuyển của các anh.
Vừa qua một khúc ngoặt thì trời ơi, trước mặt các anh một con hổ lớn đang ngồi giữa lối đi.
Mặt nó phải to bằng chiếc nắp nồi hai mươi ấy. Con hổ ngồi hướng mặt về phía các anh. Khoảng cách từ con hổ đang ngồi chỉ cách các anh chỉ chưa đến mười mét.
Chả lẽ nó ngồi rình mồi trên lối mòn này ư? Tất cả đều run bắn lên, nhất là lính mới Nguyễn Văn Hộ. Nhưng chàng sinh viên này lại muốn thể hiện mình là một lính mới có thừa bản lĩnh. Anh liền nói nhỏ với tiểu đội trưởng: “Để em”.
Nói rồi ngay lập tức Hộ kéo khẩu AK ra phía trước. Không kịp bỏ chiếc ba lô trên lưng xuống, Hộ hướng mũi súng về phía con hổ rồi bấm cò. Một loạt đạn nổ chói tai vang lên.
Vì sức nặng của chiếc ba lô sau lưng, lại quên điều chỉnh nấc bắn phát một, Hộ cứ thế miết cò. Bị bất ngờ vì loạt đạn liên thanh, sức giật của súng cộng và sức nặng của chiếc ba lô làm Hộ ngã ngửa người về phía sau. Khẩu AK trong tay Hộ cứ thế vạch lên trời cả một vầng lừa đỏ. Đạn bay hết cả băng. Đồng đội đi phía sau hoảng hồn.
Các anh vội nằm rạp xuống mặt đất. Đạn xẹt qua đầu hai chiến sĩ đi sau nóng rát. Thật hú phía, không ai bị dính đạn.
Con hổ giật mình hoảng sợ trước loạt đạn nổ bất ngờ. Nó vọt nhảy vào đám lau lách trước mặt biến mất.
- Cậu bắn kiểu gì thế hả. Tiểu đội trưởng Đủ vừa bị một phen hú vía, bực dọc trách móc.
Lúc này nhìn Hộ thật tội nghiệp. Mặt cậu ta vẫn trắng bệnh ra như đánh phấn. Hộ thở không ra hơi. Phải một lúc sau cậu ta mới nói một cách khó nhọc:
- Em xin lỗi. Lần đầu tiên gặp hổ. Em không được bình tĩnh cho lắm nên chả kịp kiểm tra nấc bắn. May mà không ai việc gì…
Hộ cúi đầu như người biết lỗi.
- Thôi, cậu Hùng đưa cho thằng Hộ con dao găm để cậu ấy đào vết chân hổ mang về cho đại đội trưởng nấu cao “hổ cốt”.
Tiểu đội trưởng Đủ trêu vui. Tất cả cùng cười vang.
Họ lại tiếp tục lên đường. Lần này thì ai cũng cảnh giác để tay lên súng.
Đại tá Nguyễn Việt Phương, nguyên Chính ủy Binh trạm 12, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn lại kể về tấm gương dũng cảm của một nữ chiến binh Trường Sơn đuổi đánh hổ:
Tháng giáp Tết mới lặn mặt trời, rừng Trường Sơn đã tối sầm. Trên đường về Sư bộ, tôi ghé thăm “nông trường” Nhôn Nhang ở thung Tà Rúa, nơi có một đội gái tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) vốn là nữ binh tiểu đoàn Trưng Trắc.
Đột nhiên, tiếng thét giật giọng, tiếng gõ thùng chậu nổi rầm rầm. Tôi bật dậy, khoác súng đến chỗ có tiếng la. Vừa lúc, một cô vác con lợn khoảng bốn chục cân, máu chảy nhễ nhại chạy xộc vào. Cô nhìn mọi người vây kín xung quanh, chân tay cô bỗng run bắn, ngồi bệt xuống, trán vã mồ hôi.
- Ôi! Chị Thảo. Sao không gọi em – Một cô trạc tuổi mười tám xô vào.
- Đuổi cọp mà cứ như đuổi chó ấy. Đã bảo, ban đêm đi phải gọi anh em. Mất lợn hơn mất người à?
Thảo ngước nhìn anh cán bộ phụ trách, giọng ngập ngừng:
- Dạ… Ban ngày anh chị em khiêng vác mệt quá. Em tính kiểm tra một vòng rồi về… Không ngờ…
- Thôi, giờ có về ngủ đi. Mấy bạn trai… - Anh cán bộ trỏ con lợn – xúm vào thịt, xong trước Giao thừa đấy !
Mọi người đi cả, mấy cô mới tíu tít hỏi :
- Sao chị Thảo biết có cọp mà đuổi ?
Thảo lắc đầu:
- Có biết trước đâu. Minh đang thăm chuồng bò, bỗng nghe tiếng lợn ré khác thường, rồi một cái bóng to đùng vọt ra. Mình nghĩ liền “cọp bắt lợn”. Tiếc của, mình nhảy đại tới, hét ầm lên, quên sợ.
Tiện tay xách chiếc đèn bão mình quăng theo nó… Dầu pha xăng tung tóe, bùng cháy… Có lẽ thấy lửa bốc, nó nhảy dựng lên vứt mồi, vọt đi…
Tôi xúc động nhìn cô chiến sĩ vùng quê lụa với sự kính nể. Trong sáng quá mà cũng vô cùng dung dị. Buổi Giao thừa năm ấy như một dấu ấn đậm mãi trong tôi.
HOÀNG VĂN (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Việt Phương và các cựu chiến binh Trường Sơn: Hồng Châu, Phạm Thành Long)