Đã có không ít lần bố mẹ Chúng phải nhờ thày mo về cúng cho cái đuôi của anh biến mất.
Suýt bị chôn sống
Mới ở tuổi 46, nhưng người đàn ông có cái tên Vàng Seo Chúng đã trở thành giai thoại để đồng bào người H’Mông ở vùng biên giới xã Pà Vầy Sủ (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Họ kể về Chúng cho những đứa trẻ trên nương, trên rẫy hoặc lúc đi lao động hay vui chơi.
Anh Chúng nổi tiếng không phải vì những chiến tích hay trúng vận, mà là nhờ cái đuôi kỳ lạ mọc phía sau lưng trông giống hệt “khỉ” của mình.
|
Mái ấm của "người mọc đuôi". ( ảnh: Phàn Giào Họ) |
Câu chuyện về Chúng phải ngược dòng thời gian về thập niên 50 của thế kỷ trước, khi đó ông Vàng Seo Sùng và bà Hạng Thị Chở lấy nhau lúc tuổi còn trẻ như búp măng. Người dân ở dải đất này ngày đó bảo rằng, chỉ cần biết làm việc nương rẫy, biết đẻ con là lấy nhau được rồi.
Ông Sùng ngày đó mới 16 tuổi, thấy con trai đến tuổi lấy vợ nên bố mẹ Sùng đã mang sính lễ đi sang nhà hàng xóm hỏi vợ là bà Chở cũng chỉ cập kê tuổi 14.
Khi bên gia đình nhà gái đồng ý ăn con gà bên nhà trai mang sang, cũng là lúc Sùng có vợ, sau một năm cái bụng bà Chở phình lên, thì hai nhà mới tổ chức đám cưới.
Bên bếp lửa, trên tay cầm cái ống điếu phì phèo bi thuốc lào, ông Vàng Seo Sùng (79 tuổi, bố Chúng) kể về ngày mình lấy vợ: “khi đó tôi với bà ấy cũng ít khi nói chuyện lắm, đến khi bố mẹ bảo đi ăn hỏi thì tôi mới hay sang nhà bên đó chơi thôi.
Những vị thầy tướng xem sách lúc định ngày cưới bảo là hai vợ chồng tôi vốn không hợp giờ sinh, sợ lấy nhau sẽ gặp vận xui và có thể mang thai quái dị. Nhưng vì hai bên ăn con gà rồi nên vẫn tổ chức cỗ to, còn mời cả anh em họ hàng khắp nơi về uống rượu nữa”.
Ông Sùng cho biết, ông đẻ được hai người con đầu lòng, định đẻ thêm vài đứa để gia đình đông vui hơn, nhưng không may mắn là những đứa con tiếp đó 2 đứa chết trong bụng. Còn hai đứa đẻ ra được vài tháng cũng lại mất, cho đến khi có Vàng Seo Chúng.
Cậu bé Chúng lúc mới sinh ra đã có biểu hiện lạ, ông Sùng bảo con trai ông lúc nhỏ đã không giống những đứa trẻ trước đó. Phía sau thắt lưng bên trên của cậu bé Chúng lúc nhỏ đã có cái bớt đen kỳ lạ, trên đỉnh đầu cũng mọc thêm một vài lọn tóc trông na ná cọng râu.
Càng lớn thêm một chút thì cái bớt đen kia lại mọc thành túm lông trông kỳ dị khác người thường ai nhìn thấy cũng rợn tóc gáy.
Ông Sùng cho biết, chính vì cháu bé sinh ra có đuôi kỳ lạ như thế, nên ông đã phải mời không biết bao nhiêu thầy cúng đến xem. Nhiều thày đến nhà mới mở thấy cái đuôi đã bỏ chạy, một số ít can đảm ở lại thì phán rằng cậu bé sinh ra là tai họa của bản làng hoặc người lại bảo là may mắn đến gia đình.
Tuy nhiên nói đến tai họa thì ai cũng sợ hơn, nên ông Sùng – bà Chở đã nhiều lần hội họp cùng các già làng trong bản về chuyện con trai mọc đuôi. Rất nhiều lời khuyên của các già làng có uy tín cho rằng nên mang cháu bé lúc còn nhỏ đi...chôn sống.
“Thương con mình dứt ruột đẻ ra, chúng tôi không thể nào làm thế được. Mặc cho mọi người nói và đe dọa, hai vợ chồng tôi vẫn cố gắng nuôi con lớn lên", ông Sùng Chia sẻ những áp lực khi sinh cậu con trai có đuôi.
“Bố ơi, con muốn chết”
Càng lớn lên, cái đuôi của Chúng càng dài thuồn thuột , đến nỗi đã không thể dấu thì bản thân Chúng phải chấp nhận rằng mình “dị” so với bạn bè cùng trang lứa.
Cũng giống như những cha mẹ ở miền biên giới Pà Vầy Sủ, ông Sùng – bà Chở nuôi hy vọng các con mình lớn lên biết được cái chữ để sau này làm gì cũng dễ dàng, bởi thế đã cho Chúng và các anh trai của mình đi học ở điểm trường tại bản Tả Lử thận.
Cậu bé ban đầu chăm ngoan được các thầy cô không ngớt khen ngợi, nhưng cuối cùng cũng phải bỏ dở việc học chỉ vì...có đuôi.
Chúng bảo, ngày đó anh đã đánh nhau với các bạn trong lớp rất nhiều lần chỉ vì người ta gọi Chúng là con khỉ thành tinh, rồi "người rừng".
Bởi truyền thuyết của người H’Mông xưa vẫn lưu truyền về câu chuyện có một chàng trai xứ nọ đã từng mọc đuôi, sau đó biến dạng thành con thú vào rừng sâu ẩn náu chứ không còn ở lại với cha mẹ nữa.
|
Tác giả và ông Chúng. |
Có lẽ bản thân cậu bé Chúng quá hiểu về thân phận hẩm hiu của đời mình, nên nhiều lần ôm con vào lòng, ông Sùng phải giật thót mình khi con trai nói “bố ơi, con muốn chết”. Câu nói của cậu con trai mới 5 tuổi lúc đó, cứ như nhát dao sắc lẹm găm vào tim của bậc sinh thành.
Mới học hết lớp một, trong một lần bạn bè nói Chúng sắp thành con hổ rồi sau này sẽ về với đại ngàn núi, nên Chúng đánh nhau mẻ trán với họ. Về sau cho dù các thầy cô có đến nhà vận động cậu bé cũng không chịu đi học nữa.
Ở nhà không đến trường, Chúng lên núi, leo trèo những mỏm đá tai mèo nhanh thoắt thoắt. Nhiều người ở Pà Vầy Sủ vẫn đồn rằng càng ngày Chúng càng giống một con mãnh thú khỏe mạnh ít ai sánh bằng . Còn nhỏ tuổi, nhưng cậu bé có thể đi theo cha vào rừng săn thú nhiều ngày dòng dã, ăn củ rừng, uống suối rừng để tồn tại.
Ngoài tiếp xúc với bố mẹ, các anh, Chúng rất ít chơi với bạn cùng trang lứa. Không ai ưa với cái đuôi của em, một số bạn ban đầu chưa biết thì chơi thân với Chúng lắm, vì cậu bé hay đi rừng nên thường hay hái được những hoa quả lạ về đãi bạn bè. Cũng kể từ khi biết câu chuyện Chúng có đuôi thì không còn ai dám đến gần em nữa.
Đối với Chúng, tất cả những câu chuyện về ma rừng, “người thành tinh” đã khiến cho tuổi thơ của “người mọc đuôi” không ngày nào bình yên. Chúng trở thành tâm điểm của mọi rắc rối trong bản làng biên giới vùng cao nhuốm đầy chuyện phiêu linh huyền bí này.
(còn nữa)