Những cô, cậu bé từ 3 – 16 tuổi, son phấn đậm, quần áo phụ trang phức tạp, tóc tai chải chuốt, đi giày cao gót, tạo dáng gợi cảm với những biểu cảm khóc, cười theo khuôn mẫu, ánh đèn sân khấu, vương miện, cúp và tiền thưởng, đám đông “cổ vũ” (phần lớn là các bậc phụ huynh), cộng thêm một chút tài năng như ca hát, nhảy múa. Đó là những “nguyên liệu” không thể thiếu để tạo thành một cuộc thi nhan sắc dành cho trẻ em – điều mà các bậc phụ huynh vẫn nhầm tưởng là một “sân chơi công bằng và văn minh” để các con trải nghiệm và thể hiện bản thân mình.
|
Cô bé 5 tuổi đăng quang Hoa hậu nhí Việt Nam 2018 |
Từ cuộc chơi đến công việc toàn thời gian
Bên cạnh những cuộc thi tài năng nhí, các cuộc thi nhan sắc cho trẻ em cũng được các bậc phụ huynh ưa chuộng như: Miss Baby Việt Nam – Hoa hậu nhí Việt Nam, Prince & Princess International – Hoàng tử và Công chúa quốc tế, Siêu mẫu nhí quốc tế… Hầu như không có tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng, các thí sinh nhí vẫn phải đảm bảo các yếu tố về ngoại hình và gương mặt như: phải có các đường nét hài hòa “bẩm sinh”, nước da khỏe mạnh, đôi mắt sáng đẹp, đặc biệt là tỷ lệ cơ thể cân đối.
Đã là một cuộc thi thì mục tiêu cuối cùng của các thí sinh là được đội lên đầu chiếc vương miện “danh giá” kèm theo số tiền thưởng. Song, rõ ràng những đứa trẻ này không tự tham gia các cuộc thi bởi ý muốn cá nhân của mình, mà từ phía bố mẹ, những người trực tiếp điền đơn đăng ký, chi trả phí tham dự.
Họ cũng là người chọn mua những bộ cánh đẹp mắt, lựa chọn kiểu tóc, cách trang điểm, chỉ cho bọn trẻ cách trình diễn và thể hiện tài năng của mình trên sân khấu (dù cho chúng thực sự có tài năng hay không), quyết định lịch trình tập luyện kín mít, hoặc thuê người hướng dẫn, dạy trẻ cách nói, cách biểu cảm. Thậm chí, những hành động tình cảm của con với bố mẹ trên sân khấu cũng được hướng dẫn kỹ càng.
Bố mẹ cho con ăn diện không sai, nhưng tại sao lại biến điều đó thành một công việc toàn thời gian cho con trẻ? Chưa kể đến, những cuộc thi thường diễn ra vào cuối tuần, và kéo dài từ chiều đến đêm, lấy đi khoảng thời gian rảnh rỗi để trẻ em được nghỉ ngơi, vui chơi, xây dựng những kỷ niệm lành mạnh và nuôi dưỡng những giấc mơ hồn nhiên, chân thực của mình.
Câu trả lời của các bậc phụ huynh thường là “muốn con tham gia một sân chơi bổ ích”, “muốn con trải nghiệm cuộc sống, trong môi trường đa dạng, phức tạp”, “muốn con tự tin, thể hiện bản thân mình”, “vì con thích tham gia”, “vì con tài năng”, “vì con xinh đẹp”… Cũng có những câu trả lời ít thấy, nhưng thực tế hơn: “vì muốn con nổi tiếng”, “vì tiền”, “bởi con phải trở thành số 1”. Và câu trả lời đáng sợ nhất chính là “tuy tôi không bao giờ tham gia hoặc chiến thắng trong những cuộc thi như trên nhưng tôi biết con mình có thể làm được”.
Đừng để lợi ích kinh tế vượt trên những lợi ích về giáo dục, xã hội
TS Martina Cartwright, một trong những nhà khoa học hàng đầu của Mỹ về tâm sinh lý và khoa học dinh dưỡng cho biết, ở những cuộc thi chỉ chú trọng về nhan sắc, có thể được “tô vẽ” thêm bởi yếu tố “tài năng đặc biệt” và “trái tim nhân hậu”, thường dạy cho trẻ em một cách nhìn lệch lạc về lòng tự trọng, hình ảnh cơ thể cũng như giá trị bản thân. Nhiều em nhỏ, đặc biệt các cô bé, sau khi trở lại với cuộc sống bình thường vẫn ám ảnh với sự hoàn hảo (hội chứng công chúa), kèm theo rối loạn thói quen ăn uống để giữ gìn hình thể.
Khi một đứa trẻ, ở độ tuổi 3 – 10, nhưng phải trưng bày một khuôn mặt cỡ 16, 17 tuổi, thường xuyên phải “đóng kịch” với những người lớn không bao giờ cảm thấy hài lòng, có thể nuôi dưỡng một suy nghĩ lệch lạc của các em về giao tiếp xã hội: “Mọi người sẽ yêu quý mình khi mình diễn giỏi, dù cho mình có thực sự cảm thấy điều đó không”.
Thấy con trẻ tự tin, thể hiện tốt trên sân khấu, dù có vài bước trúc trắc, bố mẹ lầm tưởng: đối mặt với nhiều tình huống căng thẳng, bọn trẻ sẽ học được cách kiểm soát nỗi sợ hãi và trở nên cứng cỏi hơn. Nhưng, nếu những cô bé, cậu bé không thực sự muốn tham gia cuộc thì bởi mong muốn cá nhân mà bởi áp lực muốn làm hài lòng các ông bố bà mẹ; nếu con không thể nhảy hoặc hát nhưng vẫn phải làm điều đó; nếu con cảm thấy xấu hổ trước đám đông nhưng vẫn phải cố nín khóc hoặc tươi cười; hoặc nếu các con buộc phải ở trong những phòng khách sạn lạ lẫm, xa xôi, và thường xuyên cảm thấy nhớ bạn, nhớ nhà nhưng vẫn phải chạy theo lịch trình “bận rộn”; thậm chí, lịch trình tập và quay đan xen, kéo dài hàng chục giờ, con chỉ được ăn vài miếng cơm chống đói; nếu như thế, có thể thấy, những áp lực, lo lắng và chán nản luôn vây quanh những đứa trẻ này.
Trước Việt Nam, nhiều quốc gia đã có những cuộc thi hoa hậu dành cho trẻ nhỏ, và đều gây nhiều tranh cãi bởi việc xây dựng hình ảnh “gợi cảm” kiểu người lớn, sử dụng trẻ em như một công cụ mua vui, kiếm tiền. Tháng 4/2018, Bolivia đã ra sắc lệnh cấm trẻ em thi nhan sắc và cấm tổ chức các cuộc thi hoa hậu dành cho thiếu nhi.
Năm 2013, Pháp đã tiến hành cấm trong luật các cuộc thi nhan sắc cho trẻ em dưới 16 tuổi. Người vi phạm, bao gồm đơn vị tổ chức và các bậc phụ huynh, có thể bị phạt tới 02 năm tù và mức phạt lên tới 30.000 euro (khoảng 800 triệu VND). Cựu bộ trưởng Pháp, bà Chantal Jouanno, khẳng định rằng: “Đừng để trẻ em ở những độ tuổi quá nhỏ trong cuộc đời, học được giá trị duy nhất của chúng chỉ nằm ở vẻ bề ngoài. Đừng để lợi ích kinh tế vượt trên những lợi ích về giáo dục, xã hội”.
Khi thấy tiềm năng của con cái, cha mẹ càng kỳ vọng nhiều hơn, càng muốn con phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, trước khi đẩy con vào những cuộc chơi kiểu người lớn, có lẽ các bậc phụ huynh cần suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều, cũng như lắng nghe cảm xúc thực sự của con trẻ, để chúng có cơ hội được tìm hiểu, tự nhiên theo đuổi và thực hiện giấc mơ của mình.