Các ngành học được cho là "hot" luôn thu hút đông đảo thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh gồm: Công nghệ ôtô, trí tuệ nhân tạo, y dược, công nghệ thông tin (CNTT)... Những ngành này liên tục nhiều năm qua đều có điểm chuẩn rất cao ở các trường nghề, ra trường dễ có việc làm.
Tuy nhiên, theo không ít chuyên gia đào tạo nghề, thực tế có những ngành khó tuyển sinh, học sinh lại không muốn theo học nhưng xã hội có nhu cầu nhân lực, sinh viên/học viên ra trường thường có việc ngay và có thu nhập tốt.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2022 của nhà trường ở hầu hết các ngành nghề đã đạt từ 98% chỉ tiêu trở lên. Một số nghề có thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu như Công nghệ ô tô, điện tử, điện lạnh.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Huy, có một số nghề mà xã hội đang rất cần nhân lực nhưng lại kén người học. Cụ thể, năm nay, ngành thuộc hệ cao đẳng khó tuyển sinh nhất tại trường là lĩnh vực cơ khí.
"Các ngành cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại…, nhiều học sinh, sinh viên không quan tâm đến, vì cho rằng đó là những nghề nặng nhọc, độc hại, thậm chí "kém sang". Đa số các em thích học những nghề có tên gọi, vị trí việc làm sang trọng, môi trường làm việc sạch sẽ, mát mẻ. Thí sinh chọn ngành nghề học mới theo cảm tính, chưa thực sự ưu tiên những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang săn đón, nhu cầu nhân lực lớn", Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội phản ánh, đồng thời cho biết thêm: "Tuy nhiên, theo khảo sát của nhà trường, hiện một sinh viên học Hàn, cắt gọt kim loại mới ra trường đi làm, lương khởi điểm cũng đã dao động 8-15 triệu đồng/tháng".
TS Trần Xuân Ngọc, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao cũng thông tin, xét về nhu cầu tuyển dụng lao động, khối ngành cơ khí đang "nóng" nhất vì cần nguồn nhân lực lớn nhưng tuyển dụng khó.
Theo TS Trần Xuân Ngọc, cơ khí vẫn là khối ngành đem lại sự ổn đỉnh cao. Những ngành khác lao động có thể thay đổi công việc, chuyển công ty hay điều chỉnh chuyên môn, nhưng người có tay nghề cơ khí thì làm càng lâu, càng có kinh nghiệm sẽ càng được trọng dụng lâu dài, thu nhập và chế độ đãi ngộ rất tốt.
Trước đây, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ phải tự liên hệ với các doanh nghiệp đến hợp tác, tuyển dụng sinh viên ngành cơ khí. Nhưng vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã chủ động đến trường để tuyển dụng. Ban đầu, việc kết nối với các doanh nghiệp chỉ diễn ra đối với các sinh viên năm cuối. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường và doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ trong suốt quá trình đào tạo, thậm chí từ những ngày đầu tuyển sinh.
“Nhiều người khi nghe đến cơ khí sẽ nghĩ rằng nghề này nặng nhọc, lao động tay chân rất vất vả. Nhưng hiện nay, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các nghề nặng nhọc, độc hại, trong đó phải có đến 80% các ngành nghề được miễn giảm học phí, mức giảm học phí rất cao, miễn giảm đến 70% so với các nghề khác", Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ nói. "Ngoài chính sách trên của nhà nước, nhà trường cũng chú trọng tuyên truyền, định hướng giải thích cho các em khi còn đang phân vân để các em hiểu hơn và yêu mến nghề cơ khí. Trường có thêm một số chính sách như hỗ trợ học phí, hỗ trợ chỗ ăn ở giúp cho học sinh theo học ngành cơ khí yên tâm học tập.”
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa cho biết nhà trường cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh các nhóm nghề Cơ khí (Hàn, Cắt gọt kim loại), Xây dựng và Phát thanh - Truyền hình.
Ông Hùng nhận định, với các nghề Cơ khí, tuyển sinh khó có thể do điều kiện lao động thực tế vất vả, ẩn chứa nhiều rủi ro nên các gia đình ngại cho con em của mình theo học.
"Với những nghề khó tuyển sinh, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh, làm tốt công tác hướng nghiệp góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới các hình thức đào tạo, chú trọng đào tạo theo nhu cầu hoặc đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Kết hợp giữa đào tạo với sản xuất nhằm thu hút sự quan tâm của người học", ông Hùng nêu.
Khác với số đông, Đoàn Thanh Tâm chọn học ngành cơ khí tại Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội.
Tâm từng học đại học 2 năm, nhưng nhận thấy bản thân không phù hợp với môi trường đại học nên quyết định chuyển sang học nghề Cơ khí.
"Ban đầu đăng kí học ngành cơ khí em cũng chưa có định hướng cụ thể học chuyên sâu ngành này sau sẽ làm công việc gì. Nhưng qua tìm hiểu và tư vấn từ thầy cô giáo, người thân, em tự tin với quyết định của mình. Đây là ngành đang thiếu rất nhiều nhân lực nên em nghĩ cơ hội việc làm cũng như mức thu nhập sẽ tốt sau khi ra trường. Thời đại công nghệ, ngành cơ khí không còn quá vất vả và rủi ro như trước”, Tâm chia sẻ.