Sáng 11/12, UBND xã Thanh Khai (nay sáp nhập thành xã Minh Tiến) long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử cấp tỉnh - chùa Giai xã Thanh Khai.
Chùa Giai tọa lạc ở trung tâm xóm Chùa, xã Thanh Khai là một công trình kiến trúc cổ kính, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân địa phương. Chùa trùng tu tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc xưa với 2 nhà thượng, hạ, kiểu chữ “Nhị”.
Nghi thức cắt băng khánh thành di tích lịch sử chùa Giai. |
Trước đây, chùa có tên là Văn Hoa tự, theo tên địa danh của làng. Đến thời vua Thiệu Trị, chùa được đổi tên thành Văn Giai. Theo thời gian, chùa Giai là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Giai đoạn 1930 - 1931, chùa Giai là nơi sinh hoạt bí mật của Đảng viên và là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên Thanh Khai (Chi bộ Kiên Tiền, sau này sáp nhập vào chi bộ Xuân Bảng). Từ đó, chùa Giai là nơi sinh hoạt bí mật thường xuyên của chị bộ Xuân Bảng, Phúc Yên, kết nối với chi bộ Tú Viên và các đồng chí cán bộ Huyện ủy Thanh Chương. Năm 1945, chùa là nơi tổ chức thành lập mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân nổi dậy cùng cả nước đứng lên giành chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng, chùa được lựa chọn là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược và thiết bị cơ khí Vinh về sơ tán.
Đông đảo du khách thập phương về với chùa Giai. |
Tại chùa Giai, hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị, như tượng, giá gương, câu đối, đại tự…. Riêng hệ thống tượng có trên 10 pho gồm nhiều loại: Phật, thánh, thần…trong đó tiêu biểu là 2 pho tượng Phật Thích Ca có kích thước lớn được thờ ở gian giữa chính điện.
Đặc biệt chùa Giai mang đậm những giá trị, tư tưởng nhân văn của đạo Phật đã biến thành sức mạnh, niềm tin thiêng liêng để phụng đạo trên quê hương xứ sở, nơi hội tụ những dấu ấn văn hóa tâm linh, với những công trình vĩ đại.
Đến năm 1990, chùa được phục hồi trên nền đất thiêng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân địa phương, góp phần cố kết cộng đồng, giúp người dân hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp bên dòng Sông Lam hiền hòa thơ mộng.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương. |
Với ý nghĩa đó năm 2013, chùa Giai được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, tạo nét khởi sắc và làm tiền đề cho công cuộc phục hưng nơi Phạm vũ, để trang nghiêm Phật cảnh trên mảnh đất Văn Giai ngàn năm lịch sử.
Năm 2023, nhân duyên hội tụ, được sự phát tâm công đức của Gia đình Ông Bùi Mạnh Cường, là người con xa quê thành đạt; Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở ngành đã phê duyệt Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chùa Giai.
Sự thi công miệt mài của anh em các nhóm thợ và sự ủng hộ chung sức đồng lòng của Qũy Thiện Tâm, hội đủ những nhân duyên ấy, nên công trình phục hồi bảo tồn, tôn tạo xây dựng Chùa Giai (Chùa Văn Hoa) đến nay đã hoàn thành các công trình tòa Tam Bảo, điện Mẫu, nhà Tổ, giải vũ và các hạng mục phụ trợ..... nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của Di tích, góp phần tô đậm cảnh sắc quê hương nơi miền Trung du xứ Nghệ.
Chùa Giai còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ độc đáo. |
Đặc biệt, chùa Giai kế thừa tinh hoa nghệ thuật văn hóa chùa cổ vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Trung bộ thời Hậu Lê, kết hợp với văn hóa đương đại, để tạo nên một phong cách nghệ thuật, mang dáng vóc tầm cỡ của thế kỷ 21, đó là phong cách nghệ thuật thời đại Hồ Chí Minh.
Là một công trình kiến trúc tâm linh cổ kính, linh thiêng, Chùa Giai cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách. Trong những năm trở lại đây, tại chùa diễn ra nhiều ngày lễ quan trọng: Lễ Đức Phật Di Lặc (mồng 1 Tết Nguyên đán); Lễ Thượng nguyên (ngày 15 tháng giêng âm lịch); Lễ Đức Phật Thích Ca xuất gia (ngày 8/2 âm lịch); Lễ tế Đức Thánh mẫu (ngày 3/3 âm lịch)… Ngoài ra, tại chùa còn có lễ Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan, các tuần tiết, sóc vọng hoặc mỗi khi có việc người dân đều lên chùa lễ Phật dâng hương cầu cho người sống, phát nguyện cho người đã khuất. |
Tags: