Hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá nung nóng (TLNN) độc hại hơn thuốc lá điếu. Hơn nữa, một số sản phẩm đã qua kiểm nghiệm còn chứng tỏ tiềm năng giảm tác hại so với thuốc lá truyền thống, thông qua việc giảm đáng kể hàm lượng các chất gây hại (tác nhân gây ung thư và các bệnh lý khác).
Trong khi đó, việc “hút trộm” thuốc lá điện tử (TLĐT) lậu, trá hình trong 10 năm qua đang để lại nhiều hệ lụy đáng báo động lên sức khỏe người dùng, nhất là giới trẻ.
Hút “lậu” - hậu quả khôn lường
Tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM)” ngày 24/9 vừa qua, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, bày tỏ lo ngại về việc hình thành một nhóm người “hút trộm” nếu TLTHM không được lưu hành hợp pháp. Ông Phong nhấn mạnh: “Bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào không được Nhà nước quản lý, rõ ràng là sự bất cập”.
Dưới góc độ y tế, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tại một tọa đàm năm 2022 đã khẳng định, tác hại của thuốc lá là không cần phải bàn cãi, nhưng mối nguy hại lớn nhất chính là tác động tiêu cực lên sức khỏe của người hút thuốc lá lậu. PGS Sỹ nhấn mạnh, việc không có khung pháp lý cụ thể cho TLTHM không chỉ tạo ra một nhóm người sử dụng hàng lậu, mà còn hình thành nền “kinh tế ngầm”, tự sản xuất TLTHM trong nước.
|
Uỷ ban Đặc biệt của Thái Lan đề xuất phương án quản lý thuốc lá thế hệ mới sau khi cấm bất thành. Nguồn: Quốc hội Thái Lan |
Trên thực tế, lực lượng công an đã triệt phá nhiều hang ổ sản xuất TLĐT lậu. Qua điều tra, các tổ chức này sao chép công thức trên mạng, tự lắp linh kiện nhập từ nước ngoài, phối trộn các chất cấm… nhưng lại rao trên mạng xã hội rằng các sản phẩm này chứa chất kích thích không phải là ma túy, để lừa người sử dụng.
Do vậy, tại nhiều cuộc họp liên quan, các đại biểu nhấn mạnh nếu lấy sức khỏe cộng đồng làm lý do để cấm TLTHM thì cũng cần đảm bảo ngành Y tế giải quyết triệt để hậu quả từ việc hút trộm, hút lậu.
Trên cơ sở đó, khi đặt lên bàn cân giữa mức độ gây hại của các loại TLNN, TLTHM đã qua kiểm nghiệm khoa học, so với hậu quả về sức khỏe của những người sử dụng hàng lậu, trá hình, vấn đề đặt ra là mục tiêu nào cần được ưu tiên hơn.
Thiệt hại kinh tế cần phải được tính đến
Nếu nhu cầu sử dụng là có thật nhưng không được đáp ứng hợp pháp, vấn nạn buôn lậu TLTHM sẽ tiếp diễn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn dẫn đến nhiều thiệt hại kinh tế.
Hiện Chính phủ các quốc gia đang chứng kiến thuế tiêu thụ đặc biệt bị thất thu ngày càng tăng. Điển hình, Thái Lan luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao về lệnh cấm TLTHM. Thế nhưng, Chính phủ nước này thừa nhận thuốc lá lậu đang chiếm 25% thị phần, cùng với hơn 1 triệu người đang sử dụng TLĐT lậu, dẫn tới thất thoát đến 30% doanh thu thuế TTĐB (so với năm 2017). Do đó, Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất hợp pháp hóa để áp thuế đối với TLTHM. Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội Thái Lan cũng đang cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh cấm, nhằm mang lại lợi ích từ nguồn thu thuế và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tại một hội thảo hồi tháng 8/2024, thuốc lá lậu được ước lượng chiếm 13% - 15% tổng sản lượng toàn Việt Nam (tương đương 4,8 - 5 tỷ bao). Đối với TLTHM, nếu không có giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả, toàn bộ hàng xâm nhập được vào thị trường sẽ tiếp tục là hàng nhập lậu như hiện nay.
Như vậy, từ góc độ sức khỏe lẫn kinh tế, việc cấm TLTHM cần được cân nhắc, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang rà soát lại nguồn thu thuế trong mọi ngành nghề. Kể cả chấp nhận thiệt hại kinh tế, lệnh cấm cũng không khả thi ở góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng vì “thị trường ngầm” vẫn tồn tại.
Vì thế, theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng cách quản lý TLNN tương đồng với thuốc lá điếu hiện nay sẽ là cơ sở để thực thi các công cụ kiểm soát toàn diện giúp giảm nhu cầu tiêu dùng, bao gồm lộ trình tăng thuế, độ tuổi, mức phạt… như nhiều quốc gia khác.