Huyền tích về Tản Viên Sơn Thánh gắn với miếu Nghè
Về miếu Nghè, ông Đỗ Đại An - một nhà nghiên cứu văn hóa ở vùng Đất Tổ, biết rất nhiều giai thoại linh thiêng. Truyền rằng, xưa kia, nơi này là một gò cao, cây cối rậm rạp hoang vu, Sơn Tinh trên đường từ núi Tản về thành Phong Châu thăm phu nhân (tức Ngọc Hoa công chúa, con gái vua Hùng Vương thứ 18) thường dừng chân nghỉ tại nơi này. Ngài nhận thấy nơi đây cảnh trí tuyệt vời, cây cối hoa màu tốt tươi, cư dân quần tụ sung túc, phong thủy tốt. Từ nơi này có thể bao quát toàn bộ không gian bao la rộng lớn xung quanh, thu vào tầm mắt bốn bề núi sông hùng vĩ.
Nhà nghiên cứu Đỗ Đại An kể về lược sử và giai thoại linh thiêng của ngôi miếu Nghè cổ kính thờ Đức Thánh Tản Viên. |
Sinh thời, Sơn Tinh có trí tuệ và phép thuật siêu phàm. Như trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Sơn Tinh với phép thần thông có thể dời non lấp bể, Ngài dùng trí tuệ chinh phục thiên nhiên, giúp nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no sung túc. Ngài lãnh đạo nhiều bậc Đại Vương (như Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương) đánh đuổi xâm lăng, giữ yên bờ cõi. Khi mất, Ngài hóa thành vị Thánh thuộc “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian. Kể cả khi đã hóa thành hùng thiêng sông núi, Sơn Tinh vẫn tiếp tục vận phép thiêng giúp dân giúp nước - ông Đỗ Đại An cho biết.
Ông Đỗ Đại An kể tiếp một giai thoại ly kỳ nữa liên quan đến sự ra đời và thân thế của Đại tướng quân Bát Nàn Vũ Thục Nương - vị nữ tướng kiệt xuất thời Hai Bà Trưng. Theo đó, Nữ tướng Vũ Thục Nương chính là do Đức Thánh Tản Viên vận phép khấn nguyện các bậc tiền nhân, thánh thần cho đầu thai ra đời một bậc đại tướng quân, phù trợ Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa.
Chuyện rằng, sinh thời cha mẹ của Vũ Thục Nương là ông Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu người làng Phượng Lâu, ông bà lấy nhau mấy chục năm mà không có nổi mụn con. Ông Vũ Công Chất là một hào trưởng đức độ, một thầy thuốc có tài, chuyên chữa bệnh giúp dân nhưng không thể cắt thuốc chữa cho vợ được “khai hoa nở nhụy”. Ông bà lấy làm buồn nhưng vẫn chưa hết hy vọng, dù khi đó họ đã ngoài năm mươi tuổi.
Bấy giờ, tiếng lành đồn xa về ngôi miếu linh thiêng nên ông Vũ Công Chất từ Phượng Lâu đánh đường tìm đến làng Dữu Lâu chiêm bái miếu Tản Viên. Kỳ lạ thay, sau lần đến miếu Tản Viên khấn nguyện, trở về cặp vợ chồng già bỗng có mang, sau đó sinh hạ được một bé gái kháu khỉnh. Ông bà đặt tên con gái là Vũ Thị Thục, còn gọi là Thục Nương.
Nhiều du khách tìm về để chiêm bái ngôi miếu Nghè linh thiêng. |
Thục Nương càng lớn càng xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân, được người dân tôn sùng là "Nữ tiên hạ thế". 16 tuổi, nàng ước hẹn duyên thề với Phạm Danh Hương - một bậc hào kiệt trong vùng. Bấy giờ nước ta chịu ách đô hộ của nhà Hán trực tiếp do thái thú Tô Định cai quản, đời sống nhân dân cực khổ trăm bề. Viên Thái thú đem lòng si mê tài sắc của Thục Nương nhưng không chinh phục được nàng bèn nghĩ mưu hèn kế bẩn vây bắt cha con ông Phạm Danh Hương đem thủ tiêu, sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Bằng tài trí của mình, lại được nhờ sự che chở của dân làng, đang đêm Thục Nương vượt sông Hồng xuôi về vùng Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình ngày nay), trước khi quân của Tô Định kéo đến. Tại vùng đất Tiên La, Thục Nương chiêu dân lập ấp, đồng thời bà chiêu mộ nghĩa quân chống lại nhà Hán.
Vào năm 40 - 43 sau Công nguyên, khi Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của quân Nam Hán, Thục Nương hiệu là Bát Nàn đại tướng quân đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh đánh đuổi giặc phương Bắc, trăm trận trăm thắng. Theo dân gian truyền lại, giặc Hán nghe tên các bà đã khiếp sợ tháo chạy, dẫm đạp lên nhau mà chết…
Địa chỉ văn hóa tâm linh đặc sắc Đất Tổ
Ông Đỗ Đại An nhận định, những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian về Đức Thánh Tản Viên rất linh thiêng mà bình dị. Sơn Tinh lúc sinh thời là anh hùng giúp dân giúp nước, khi thác Ngài là Đức Thánh Tản Viên hóa thành hùng thiêng sông núi, vẫn một lòng vì dân vì nước. Từ hàng ngàn năm trước, khi vận nước lầm than dưới ách đô hộ nhà Hán, Đức Thánh Tản Viên đã khấn nguyện các bậc tiền nhân thánh thần đầu thai vào gia đình ông Vũ Công Chất cho nước Việt một Nữ đại tướng quân kiệt suất là Bát Nàn Vũ Thục Nương.
Miếu Nghè thờ Tản Viên Sơn Thánh. |
Về thời khắc linh thiêng khánh thành miếu Nghè, ông Đỗ Đại An còn nhớ như in khi Ban khánh tiết ngôi miếu, ông và bà con nhân dân đang trịnh trọng thực hiện nghi lễ dâng hương thành kính bày tỏ lòng tri ân Đức Thánh Tản Viên, cúi xin Ngài phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình; trên không trung giữa trời nắng chang chang bỗng nổ một tiếng sấm rung chuyển cả một vùng. Mọi người sau giây phút bàng hoàng, ai nấy đều hoan hỉ và tin tưởng rằng, trên cao xanh Tản Viên Sơn Thánh đã chứng giám cho tấm lòng thành và ước nguyện của nhân dân.
Theo quan sát, miếu Nghè hiện nay tọa lạc bên đường liên xã, miếu làm bằng gỗ theo lối nhà sàn cổ; mái lợp ngói nam, trên đỉnh nóc có tạc hình đôi chim lạc chầu mặt nguyệt cách điệu hình mặt trống đồng. Trên vách gỗ có chạm trổ tinh xảo bức tranh lớn với cảnh Vua Hùng kén rể, cảnh lao động sản xuất, sinh hoạt vui tươi của nhân dân như bơi thuyền, trồng lúa nước, làm bánh chưng bánh dày.v.v. Trước bức tranh có đặt một lư hương với các họa tiết mang nét văn hóa thời Văn Lang - Âu Lạc. Xung quanh miếu có nhiều cây cổ thụ tạo không gian xanh mát, cảnh trí an lành.
Bức tranh tại miếu Nghè tái hiện cảnh vua Hùng kén rể, cảnh lao động sản xuất, làm bánh chưng bánh dầy gắn liền về truyền thuyết Sơn tinh - Thủy tinh. |
Cùng với các di tích lịch sử được coi là phụ trợ cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, miếu Nghè là một địa chỉ văn hóa tâm linh đặc sắc mà du khách nhất định phải đến trên hành trình hướng về nguồn cội trên Đất Tổ.