Xuyên qua những miền “cát trắng gió Lào” của dải “đất lửa” miền Trung trong cái nắng tháng 7 như thiêu đốt, Đoàn công tác của Báo PLVN đã thực hiện “Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn, Tri ân tháng 7 miền Trung”, thăm viếng các nghĩa trang liệt sỹ, di tích và trao tặng những món quà sâu nặng ân tình sẻ chia…
Tinh mơ sớm 12/7, từ thủ đô Hà Nội vượt qua quãng đường dài gần 800km “chợt nắng, chợt mưa, sương sa mờ ảo” theo đường mòn Hồ Chí Minh, Đoàn công tác tri ân – thiện nguyện của Báo PLVN do Tiến sĩ Đào Văn Hội - Tổng Biên tập, ông Đặng Ngọc Luyến - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập thường trực dẫn đầu đã đặt chân đến mảnh đầy đầy nắng gió, bão bùng Quảng Trị. Cùng thực hiện hành trình này còn có Ban Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của Công ty Cổ phần Lochsa Việt Nam.
“Mỗi m2 đất là một m2 máu”
Những ngày tháng 7 lịch sử này, đất và người Quảng Trị như dang rộng lòng ra để đón những đoàn khách, cựu chiến binh và thanh niên trở về với miền “đất lửa”. Trên thế gian này không đâu như Quảng Trị, mảnh đất eo hẹp nằm vắt giữa miền Trung chưa đầy 5 ngàn km2 lại là nơi nằm lại trong lòng đất mẹ của gần 70 nghìn liệt sĩ đã ngã xuống sau những cuộc chiến vệ quốc trường kỳ.
Họ yên nghỉ vĩnh hằng trong ấm áp tình đồng chí, đồng bào ở 72 nghĩa trang từ cấp xã, huyện đến cấp quốc gia.
Sáng sớm 13/7, hòa cùng dòng người khắp trên mọi miền đất nước, Tổng Biên tập Đào Văn Hội đã dẫn đầu Đoàn công tác của Báo PLVN đi thăm viếng, dâng hương, dâng hoa các nghĩa trang, di tích và tỏ lòng ngưỡng vọng đến các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho đất nước hòa bình, nở hoa.
Thành cổ Quảng Trị nằm dung dị bên dòng Thạch Hãn êm đềm, thuộc thị xã Quảng Trị. Sau 81 ngày đêm Mùa hè rực lửa 1972, Mỹ - ngụy đã trút xuống thị xã này 328.000 tấn bom, đạn (bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 1945). Để giữ từng tất đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi đẹp nhất đời.
Một nhà báo lúc ấy đã viết rằng: “Mỗi m2 đất mà các chiến sĩ ta dành được ở Thành cổ là 1m2 máu”. Thành cổ cháy, mùa hè cháy, đất cháy, người cháy… Hơn 80% chiến sĩ của ta đã ngã xuống do sức ép của bom đạn quân thù.
Các anh nằm xuống, máu xương hòa lẫn vào nhau, thấm lên từng nắm đất. Bởi vậy, các công trình của Thành cổ từ thời nhà Nguyễn không thể khôi phục lại được mà dựng thành một khu di tích tưởng niệm và tri ân.
Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho các anh. Khi đoàn chúng tôi vào dâng nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, giọng đọc trầm vọng của hướng dẫn viên vang lên từ phía sau 2 câu thơ của một cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Quảng Trị khi mới 15 tuổi 49 ngày và được phong tặng Dũng sỹ diệt Mỹ - nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Không ai trong chúng tôi cầm lòng cho được… Đứng bên bến thả hoa Thành cổ nhìn về phía hạ nguồn, chúng tôi tự hỏi: Phải chăng, một phần cốt hài của các anh đã hòa theo dòng phù sa sông Hãn, về tưới tắm cho những ruộng đồng đơm hoa, những làng quê phong nẫm?
Huyền sử Trường Sơn
Rời Thành cổ, đoàn chúng tôi lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (NTLSQG) Đường 9 ở phía Tây TP. Đông Hà.
Đây là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước, là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ hy sinh chủ yếu trên các chiến trường Tây Trường Sơn Quảng Trị, Đường 9 – Nam Lào.
Sau khi dâng hương tại khu tưởng niệm trung tâm của nghĩa trang này, chúng tôi tỏa đi dâng lên tận từng một phần những nén hương thơm. Giữa bạt ngàn cây, bạt ngàn mộ, bạt ngàn hương khói tỏa mờ, Tổng Biên tập Đào Văn Hội đứng lặng người hồi lâu, trước một phần mộ lớn nằm ở phía Đông nghĩa trang này.
|
Lãnh đạo Báo PLVN gióng chuông tại nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn |
Đó là phần mộ chung của một tiểu đội giữ Cứ điểm 241 Tân Lâm (thuộc huyện Cam Lộ). Trong trận chiến cuối cùng ấy, họ quyết không rời hầm chiến đấu để giữ cứ điểm. Một quả bom dội trên nóc hầm, họ nằm xuống bên nhau. Hài cốt của họ hòa lẫn vào nhau, lực lượng cất bốc đã không thể tách rời họ được…
NTLSQG Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là chốn yên nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sĩ trong 10 khu vực chính với tổng diện tích mộ 23.000m2.
Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam.
Những ngày này, NTLSQG Trường Sơn đông nghịt người. Huyền sử Trường Sơn gắn liền với câu chuyện xây dựng nghĩa trang này với những mối duyên kỳ lạ; cây bồ đề tự nhiên mọc như dang tay ôm lấy, chở che tượng đài chính ở trung tâm nghĩa trang; câu chuyện về mạch nước ngầm trong khu hồ vọng cảnh dù nằm trên đồi cao và thời tiết khô hạn cháy, vẫn không bao giờ vơi cạn…
Những câu chuyện lạ kỳ đến khó tin mà nếu ai muốn xác thực, hãy tìm những người quản trang nơi này – họ là những cựu chiến binh từng chiến đấu trên Trường Sơn Đông này. Họ sẵn sàng ngồi cả ngày để kể lại và ví như là một phúc âm trời ban cho hơn 1 vạn anh linh các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.
Đất thiêng Vũng Chùa…
Rời Quảng Trị vào trưa 13/7, điểm đến tiếp theo trong hành trình thực tháng 7 tri ân của Đoàn công tác Báo PLVN là Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Chiều 13/7, khác hẳn với cái oi bức như đổ lửa suốt nhiều ngày qua ở miền đất “chang chang cồn cát nắng trưa” Quảng Bình, tiết trời vùng đất thiêng Vũng Chùa – Đảo Yến hôm nay dịu nhẹ hơn.
Trời rộng mây xanh, từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ đuổi nhau vào bờ, nắng chiều tháng 7 tỏa rạng lên Khu mộ Vị tướng huyền thoại - Người anh cả của QĐND Việt Nam.
Buổi dâng hương, dâng hoa của Đoàn công tác đã diễn ra ấm áp như thế, bằng chính tấm lòng thành kính hết mực của lãnh đạo, cán bộ và phóng viên Báo PLVN dâng lên trước anh linh người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Lực lượng Đội bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, khu mộ Đại tướng đón khoảng 5 – 6 nghìn lượt khách đến dâng hương mỗi ngày và từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã tiếp đón khoảng 800 nghìn khách.
Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc bệt, tên tuổi người gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Sau khi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở thủ đô Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình thương yêu - một cuộc trở về, cuối cùng và mãi mãi...
Trước đó, vào tối vào tối 12/7, ngay sau khi đến Quảng Trị, Đoàn công tác Báo PLVN đã tổ chức chương trình tri ân và trao “Mái ấm Tư pháp” trị giá 50 triệu đồng cho một cán bộ Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa). Báo cũng đã trao tặng 1 tivi trị giá 12 triệu đồng cho UBND huyện Hải Lăng và tặng cho huyện này 10.980 tờ nhật báo trong vòng một năm.