Vận tải là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong “bão” Covid-19, đáng lo ngại người lao động của ngành này đang phải vật lộn trước thu nhập giảm sút, thậm chí là tình trạng mất việc hàng loạt.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp làm đảo lộn mọi cơ hội phục hồi của các ngành vận tải. Đáng chú ý, hoạt động vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gần như tê liệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đẩy người lao động vào tình cảnh không có việc làm, nhiều trường hợp phải nghỉ việc không lương.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là thời điểm khó khăn chưa từng có của ngành đường sắt. Do ảnh hưởng dịch bệnh, các đoàn tàu vắng khách phải dừng hoạt động dẫn đến người lao động không có việc làm. Riêng đơn vị vận tải của VNR đã có hơn 13.000 người bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm, trong đó có 1.627 người nghỉ việc, tạm dừng hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, trong số hơn 3.500 người lao động của công ty thì hiện đã có gần 1.000 người nghỉ việc không lương và tạm dừng hợp đồng.
Theo ông Hiệp, lao động đường sắt là ngành đặc thù, thu nhập thấp nên đa số không có tích lũy. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thực sự rất khó để tìm việc mới. Thậm chí ngay với cả người đang làm việc với mức lương chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng thì cũng rất khó khăn.
“Ngay từ năm 2020 đơn vị đã chủ động tiếp cận gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên khi tiếp cận, căn cứ điều kiện thì doanh nghiệp và người lao động lại không thuộc đối tượng”, ông Hiệp nêu thực tế.
Cùng cảnh ngộ, đại diện tiếp viên hàng không của các hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều cho hay, đợt dịch Covid-19 lần này diễn biến phức tạp trở lại khiến số chuyến bay nội địa đều giảm sốc, tiếp viên các hãng hiện nay chỉ có khoảng 10% được bay, còn lại là nghỉ luân phiên.
Chỉ cách đây 2 tháng, ngành hàng không cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt sau đợt dịch lần 3 và đưa ra dự báo khả quan năm 2021, nhưng đến thời điểm này, doanh thu các hãng hàng không lại lao dốc, giảm sâu so với năm 2019 và có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng từ vận tải và chưa thấy khả năng được kiểm soát.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng thông tin, Cục đang đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh của cả nền kinh tế, không riêng gì doanh nghiệp hàng không, nên ngành phải cố gắng cầm cự.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, số lao động ngành vận tải kho bãi là 1,95 triệu người, giảm 20,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (1,97 triệu người) và giảm 1,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 (gần 1,96 triệu người). Cùng với sự thay đổi và sụt giảm về số lượng lao động chính thức, thu nhập từ công việc chính của lao động làm việc trong ngành này cũng giảm mạnh.
Trước thực tế trên, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành như: Áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế… Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021 và Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.
(Link gốc: http://daidoanket.vn/lao-dong-nganh-van-tai-lao-dao-trong-bao-dich-5657439.html)