Việc người bạn trai cũ tống tình, tống tiền bạn là hành vi vừa trái đạo đức, vừa trái pháp luật nên đã đến lúc bạn không thể im lặng được nữa.
Hỏi: Em năm nay 26 tuổi, mới cưới chồng tháng trước. Hiện em đang rất hoang mang và hoảng loạn vì bị bạn trai cũ quay lại tống tình. Anh ta dùng chính những bức ảnh nóng chụp em trước kia để khống chế, buộc em phải cho anh ta quan hệ tình dục và tiền bạc, nếu không sẽ nói quan hệ quá khứ cho chồng em biết.
Em rất căm uất và hoảng sợ trước hành vi đê hèn của hắn nhưng không dám tố cáo vì sợ chuyện vỡ lở sẽ tan vỡ hạnh phúc hiện tại. Em phải làm gì để ngăn chặn hành vi trái pháp luật, trái đạo đức đó của hắn, để hắn buông tha cho em, xin luật sư cho em một lời khuyên? (Bạn Tuyết Anh, ở Nam Định).
|
Hình minh họa. |
Trả lời: Việc người bạn trai cũ tống tình, tống tiền bạn là hành vi vừa trái đạo đức, vừa trái pháp luật nên đã đến lúc bạn không thể im lặng được nữa.
Cách xử trí trong tình huống này, tùy theo mức độ của hành vi mà bạn có thể lựa chọn cách giải quyết phù hợp, cụ thể như sau: - Cấp độ 1: Chia sẻ thông tin để nhờ giúp đỡ: Khi bị “tống tình”, bạn hãy yêu cầu đối phương phải chấm dứt ngay hành động đê hèn đó.
Bạn cần nói rõ hành vi của anh ta không chỉ vi phạm đạo đức mà nghiêm trọng hơn vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Nếu đối phương vẫn tiếp tục đeo bám, bạn hãy kể lại sự việc với người thân, bạn bè tin cậy của mình biết chuyện để cùng tìm cách đối phó, bảo vệ bạn.
Bạn cũng nên báo cáo sự việc tới gia đình, người thân của đối phương để nhờ họ cùng tìm biện pháp thuyết phục anh ta chấm dứt hành vi vi phạm.
- Cấp độ 2: Trình báo, tố giác sự việc tới cơ quan chức năng: Hãy mạnh dạn trình báo hành vi tống tình tới cơ quan, đoàn thể nơi anh ta đang học tập công tác hoặc sinh sống. Bạn cũng có thể trình báo sự việc tới công an phường nơi anh ta thườn trú hoặc sinh sống để nhờ cơ quan chức năng tìm biện pháp ngăn chặn vi phạm và bảo vệ bạn.
- Cấp độ 3: Yêu cầu khởi tố hình sự kẻ phạm tội: Hành vi của người bạn trai cũ có dấu hiệu của 2 tội “Cưỡng dâm” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Cụ thể, Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Cưỡng dâm” như sau: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, thì bị phạt tù từ 1- 5 năm.
Nếu phạm tội từ 2 lần trở lên, hoặc làm nạn nhân có thai, gây thương tích, có thể bị phạt từ 3- 10 năm tù. Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản” như sau: Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1- 5 năm.
Như vậy, nếu xét thấy hành vi của hắn ta ở mức độ nguy hiểm, bạn có thể yêu cầu khởi tố hình sự về 2 tội danh trên.
Lưu ý: Pháp luật quy định tội “Cưỡng dâm” được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên trường hợp nếu bạn rút yêu cầu khởi tố thì cơ quan chức năng sẽ đình chỉ vụ án, khi đó bạn trai cũ của bạn sẽ không bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Hỏi: Chẳng giấu gì luật sư, nguyên nhân tôi trở thành mẹ đơn thân là do bị xâm hại tình dục trong một lần đi làm ca đêm về khuya đường vắng.
Nay con gái tôi đã 8 tuổi. Do hoàn cảnh mưu sinh nên tôi không thể sát sao từng bước bên con gái. Do bị ám ảnh từ nỗi đau riêng, tôi vô cùng hoảng sợ con gái sẽ lặp lại bi kịch của cuộc đời mẹ. Xin hỏi tôi phải làm thế nào để bảo vệ con mình? (Chị Vũ Thị Ánh, 30 tuổi ở Bình Dương).
Trả lời: Xin chia sẻ với hoàn cảnh và nỗi lo âu của chị. Để bảo vệ con gái, giúp con phòng tránh nguy cơ bị xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng không nhất thiết cha mẹ cứ phải giữ con khư khư, sát sao bên con từng bước thì con mới được an toàn.
Mà quan trọng hơn là chúng ta cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tự xử lý được các tình huống cơ bản, từ đó biết cách phòng vệ, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại.
Các chuyên gia về tâm lý giáo dục đã chỉ ra rằng, cha mẹ nên gần gũi, chia sẻ nhiều hơn với các con mình, vì thực tế không chỉ trẻ em gái mà kể cả trẻ em trai cũng có nguy cơ bị xâm hại.
Sau đây là các kiến thức tóm tắt cơ bản giúp trẻ biết cách phòng tránh bị xâm hại từ xa; cũng như biết cách xử lý khi lỡ xảy ra tình huống xấu và hình phạt của pháp luật đối với kẻ xâm hại tình dục, cụ thể như sau:
-Dạy cho trẻ kỹ năng cơ bản để phòng vệ: Ngay từ khi các con còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy cho con mình tuyệt đối không để cho người khác đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình.
Nếu đối phương cố tình thực hiện, trẻ nên tỏ thái độ phản đối kiên quyết hoặc khóc lớn, la hét, cắn, bỏ chạy… để thoát thân hoặc gây chú ý để người khác đến ứng cứu. Cha mẹ cần dạy cho trẻ cách bình tĩnh, mưu trí khi xử lý tình huống. Nếu trường hợp trẻ không thể chống đối hay cầu cứu thì hãy giả vờ đồng ý, sau đó tìm kế hoãn binh để tìm thêm cơ hội thoát thân.
Vì trường hợp này nếu trẻ càng chống đối quyết liệt, tâm lý kẻ xâm hại càng bị kích thích, trở nên hung hăng hơn, trẻ rất dễ bị hành hung, thậm chí bị xâm hại tới tính mạng. Cha mẹ cũng có thể cho con em mình học võ thuật để ra đòn phòng thủ cơ bản như khóa tay đối phương, tấn công hạ bộ kẻ xấu…
-Lỡ trẻ bị xâm hại, cần phải làm gì?: “Bỏ chạy, kêu cứu, kể lại sự việc với người lớn” là các kỹ năng cơ bản để trẻ hành động khi bị xâm hại. Nhưng đối với tình huống xấu nhất: lỡ bị xâm hại, trẻ cần phải báo ngay với người lớn để được giúp đỡ, khẩn cấp khắc phục các thương tổn về thể chất lẫn tinh thần như đưa đến cơ sở y tế để sơ cứu, uống thuốc tránh thai khẩn cấp, trình báo sự việc lên cơ quan công an gần nhất.
-Kẻ xâm hại có thể phạm tội gì?: Hành vi xâm hại tình dục trẻ em, tùy theo tính chất và mức độ có thể phạm vào một trong các tội sau đây: Dâm ô với trẻ em, Cưỡng dâm trẻ em hoặc Hiếp dâm trẻ em.
Khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ hoặc có dấu hiệu của hành vi phạm tội, nếu chỉ ở cấp độ nhẹ (hành vi sàm sỡ, thái quá) thì nên thẳng thắn nhắc nhở, cảnh cáo thủ phạm, đề nghị không được tái diễn hành động đó.
Ở cấp độ nặng hơn, có thể chia sẻ với gia đình, chính quyền cơ sở, hội phụ nữ để tìm biện pháp ngăn chặn, giáo dục. Nếu sự việc nghiêm trọng, phải trình báo ngay tới cơ quan chức năng.
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ vi phạm đạo đức mà còn phạm pháp hình sự. Bởi vậy trong mọi trường hợp, tuyệt đối không được im lặng, nể nang, bao che dung túng cho kẻ xấu. Im lặng nghĩa là đồng lõa với cái xấu, cái ác.
Hỏi: Trước khi lấy chồng, do hoàn cảnh xô đẩy nên em từng có một quá khứ lầm lỡ. Khi quen nhau, em cũng đã thú nhận điều đó với chồng và anh đã chấp nhận bỏ qua tất cả để cưới em.
Em không ngờ khi lấy nhau rồi, mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn là chồng em lại mang chuyện quá khứ ra để dày vò khiến em bị đày đọa về tinh thần, đến mức em phải điều trị bệnh trầm cảm. Em đặt vấn đề ly hôn thì chồng em không đồng ý, và thực lòng em cũng không muốn ly hôn.
Nhưng tiếp tục cuộc sống như vậy thì em rất khổ tâm, em xin hỏi chồng em có quyền “kết tội” quá khứ của em hay không? Liệu có biện pháp xử lý nào để chồng em chấm dứt hành vi đó? (Chị Thu Cúc, 28 tuổi ở Hải Phòng).
Trả lời: Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2014 có quy định các nội dung sau: Vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau. Như vậy, có thể khẳng định người chồng không có quyền lôi chuyện quá khứ của vợ ra để dày vò nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của vợ.
Hành vi đó của người chồng khiến em bị đày đọa về tinh thần, bị mắc bệnh trầm cảm… có dấu hiệu bạo hành về tinh thần đối với vợ.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.
Như vậy, hành vi gây tổn hại về tinh thần là một trong những hành vi bạo lực gia đình. Theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình thì các hành vi bạo lực tinh thần sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tương ứng với từng hành vi.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.