Thành công của một dự án quy mô lớn như Sân bay Long Thành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố con người đóng vai trò then chốt.
Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành rộng 5.000 ha, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng gần 337 ngàn tỷ, được khởi công vào ngày 31/8/2023, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn các cán bộ chuyên viên, kỹ sư nhà thầu đã tạo nên “kỳ tích” đưa hạng mục đường cất hạ cánh đã vượt tiến độ, phấn đấu hoàn thành khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quang Điện – Phó Giám đốc Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành về những nỗ lực đã làm nên kỳ tích này.
Phóng viên: Thưa ông, những thách thức lớn nhất mà BQL phải đối mặt trong giai đoạn đầu của dự án đến nay là gì? Làm thế nào để BQLDA vượt qua những khó khăn này để đạt được tiến độ hiện tại?
Ông Dương Quang Điện: Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là Dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhận thức được quy mô, tầm quan trọng của dự án, với vai trò là Chủ đầu tư Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, ACV với kinh nghiệm sâu rộng hoàn toàn ý thức được trách nhiệm, trọng trách lớn lao của mình đối với dự án.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu, ACV đã tính toán, lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng chinh phục dự án và đối phó với những thách thức có thể xảy ra.
Trong đó có thể kể đến công tác san nền với diện tích hàng nghìn ha, tổng khối lượng hơn 110 triệu khối đất đá đào đắp trong điều kiện thời tiết mùa mưa, mặt bằng bàn giao xôi đỗ, yêu cầu phải hoàn thành trong 1,5 năm để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho việc triển khai rất nhiều hạng mục lớn diễn ra đồng loạt trên công trường.
|
Ông Dương Quang Điện – Phó Giám đốc Thường trực Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành (người chỉ) đang thuyết minh dự án với đoàn công tác của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, tại buổi làm việc với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. |
Đối mặt với thách thức này, Ban QLDA, chủ đầu tư ACV đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương.
Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực, đồng tâm hiệp lực, chỉ đạo, phối hợp, đồng hành cùng với các đơn vị nhà thầu trực tiếp tại công trường, vượt nắng thắng mưa, thi công 3 ca 4 kíp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa công tác san nền về đích đúng thời hạn, góp phần vào thành công chung của dự án đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó các hạng mục như nhà ga hành khách với quy mô rất lớn lên đến 376.000 m2 sàn bê tông cốt thép, hạng mục các tuyến giao thông kết nối vào sân bay, hạng mục đường cất hạ cánh với quy mô dài 4000m và rộng 75m, sau hơn một năm thi công đã bám sát tiến độ, một số hạng mục vượt tiến độ đề ra.
Trên công trường hiện nay có khoảng 7000 người lao động và hàng nghìn trang thiết bị máy móc đang hoạt động tích cực trên công trường.
PV: Những công nghệ, phương pháp thi công mới nào đã và đang được đưa vào sử dụng mà ông đánh giá là bước đột phá?
Ông Dương Quang Điện: Có thể nói Dự án Cảng HKQT Long Thành sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến hiện nay để đảm bảo chất lượng, tiến độ, điều phối nhịp nhàng giữa các mũi thi công.
Ngoài ra, Ban QLDA đã áp dụng mô hình Bim 360 - mô hình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt trong vòng đời của 1 dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng, áp dụng vào quản lý dự án, góp phần giải quyết các xung đột, giao cắt giữa các hạng mục, giúp chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước có cái nhìn trực quan đối với các hệ thống kỹ thuật, giúp việc triển khai dự án thuận lợi, chính xác.
|
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động sớm hơn so với dự kiến. |
Không những thế, các đơn vị nhà thầu cũng phát triển các phần mềm chuyên ngành áp dụng vào tổ chức quản lý, thi công một cách chuyên nghiệp và báo cáo kịp thời các nội dung lên chủ đầu tư để giải quyết đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
PV: Theo ông, đâu là yếu tố quyết định giúp dự án đạt được mục tiêu này (một số hạng mục vượt tiến độ) trong giai đoạn thi công cho đến khi đưa vào khai thác thương mại?.
Ông Dương Quang Điện: Thành công của một dự án quy mô lớn như Sân bay Long Thành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố con người đóng vai trò then chốt.
Đối với Dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư, mục tiêu về tiến độ và chất lượng công trình bước đầu đã đạt được, với một số hạng mục thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
Điều này xuất phát từ sự chỉ đạo sát sao và đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan, cùng sự quyết tâm lớn từ phía ACV trong suốt quá trình triển khai, đó là:
Về nhân lực: đội ngũ cán bộ, chuyên viên của ACV cùng các đơn vị nhà thầu là những người giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết, đã đảm nhận vai trò tổ chức và quản lý dự án với tinh thần trách nhiệm cao. Đây là lực lượng nòng cốt, đảm bảo việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các hạng mục công trình.
Về kinh nghiệm: với hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, quản lý và khai thác các cảng hàng không trên toàn quốc, ACV đã tích lũy được bề dày kinh nghiệm quý báu.
Những bài học và thành tựu này đã được kế thừa và nâng tầm để áp dụng vào Dự án sân bay Long Thành, tạo nên sự đột phá trong quản lý và vận hành.
|
Sân bay Long Thành trở thành một trong những công trình trọng điểm quốc gia với tiến độ và chất lượng đáp ứng kỳ vọng. |
Về tài lực: ACV đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn đầu tư, thông qua việc hợp tác với các ngân hàng lớn để đảm bảo công tác thanh quyết toán diễn ra suôn sẻ. Việc này giúp loại bỏ hoàn toàn các rào cản về tài chính, tránh tình trạng chậm trễ tiến độ do vấn đề thanh toán.
Để đạt được kế hoạch đề ra không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ACV và các cơ quan quản lý nhà nước, từ khâu lập kế hoạch, thẩm định đến tổ chức triển khai.
Sự thống nhất trong chỉ đạo và quyết tâm của toàn hệ thống chính là yếu tố quan trọng để đưa Sân bay Long Thành trở thành một trong những công trình trọng điểm quốc gia với tiến độ và chất lượng đáp ứng kỳ vọng, từng bước trở thành biểu tượng mới của ngành hàng không Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và quốc gia.
PV: Ông có thể chia sẻ về một vài câu chuyện về người lao động hoặc đơn vị thi công đã góp phần tạo nên những “kỳ tích” nổi bật trong dự án này không?
Ông Dương Quang Điện: Trong số các hạng mục thi công của dự án, đường cất hạ cánh là hạng mục có thể nói để lại ấn tượng đối với toàn thể cán bộ chuyên viên, kỹ sư, là động lực tinh thần để mọi người cùng phấn đấu, phát huy.
Được khởi công vào ngày 31/8/2023 – thời điểm miền Nam bắt đầu vào mùa khô, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng bê tông xi măng, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đường cất hạ cánh.
Trong khi đó, đường cất hạ cánh là hạng mục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bay nên đòi hỏi sự chính xác cao về kỹ thuật và yêu cầu rất cao về bê tông cốt thép trong quá trình thi công.
Để giải quyết bài toán này, đơn vị nhà thầu thi công với năng lực, kinh nghiệm dày dặn đã nỗ lực, tập trung máy móc, thiết bị tổ chức phương án thi công khoa học, linh hoạt tùy vào điều kiện thời tiết và nhiệt độ ngoài trời để có phương án đổ bê tông vào ban đêm để đảm bảo chất lượng đường cất hạ cánh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong điều kiện ban ngày nắng nóng, ban đêm làm việc vất vả, các cán bộ chuyên viên, kỹ sư nhà thầu, kỹ sư tư vấn giám sát vẫn giữ nguyên quyết tâm, thể hiện trách nhiệm vì công việc chung.
|
Cán bộ, người lao động tại San bay Long Thành phấn đấu hoàn thành khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025. |
Từ những khó khăn ngày đầu, đến thời điểm hiện tại, hạng mục đường cất hạ cánh đã vượt tiến độ, phấn đấu hoàn thành khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025, sớm hơn 3 tháng so với hợp đồng để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Phóng viên: Với vai trò là Phó Giám đốc thường trực Ban QLDA Cảng HKQT Long Thành, ông có thông điệp gì gửi đến người lao động, các đơn vị nhà thầu, thưa ông?
Ông Dương Quang Điện: Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là Dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, nhận được sự quan tâm của không chỉ Chính phủ, bộ ngành mà còn được cả nhân dân quan tâm, ủng hộ.
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã bước đầu gặt hái được những thành công, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.
Chúng tôi ghi nhận và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các đơn vị nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công trong nước và quốc tế đã cống hiến công sức, trí tuệ của mình để góp phần xây dựng dự án trong điểm quốc gia.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tại công trường Sân bay Long Thành. |
Thời gian còn lại không dài nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm hành động hơn nữa của các nhà thầu, người lao động.
Xin cảm ơn ông!