Hàng loạt các trạm thu phí BOT từ Nghệ An đến Quảng Trị được "đặt nhầm chỗ", khiến người dân cho rằng "mình không sử dụng vẫn phải è cổ đóng phí"... Chính quyền địa phương cũng nhiều lần kiến nghị lên các cấp và cần lắm một giải pháp hữu hiệu.
Chính quyền “tâm tư” nhưng nhà đầu tư không đồng ý
Hầu hết, chính quyền địa phương nơi có các trạm thu phí tuyến BOT đặt “nhầm” chỗ này, đều hết sức “tâm tư”, đồng cảm với người dân, đều có những kiến nghị về giảm giá vé, di dời về nơi hợp lý nhưng đều chưa được nhà đầu tư, cũng như Bộ GTVT đồng ý.
|
Hình ảnh hàng trăm xe tập trung trước cầu Bến Thủy 1 và đồng loạt ký đơn kiến nghị lên Chính phủ về việc trạm thu phí "đặt nhầm chỗ". |
Chỉ rất hạn chế một số địa phương làm quyết liệt, phía nhà đầu tư mới miễn cưỡng đề xuất giảm từ 50% đến giảm 100% phí qua trạm cho người dân, nhưng tuyệt đối không đồng ý di dời trạm thu phí đặt nhầm chỗ. Mà việc giảm phí này, cũng chỉ hạn chế đối tượng người dân được hưởng lợi.
Như ở Trạm thu phí Bến Thủy 1, đầu tháng 4/2017, với áp lực của người dân, Cienco4 (đơn vị chủ đầu tư) đã phải đề xuất giảm 50% vé qua cầu cho người dân ở 2 đầu cầu Bến Thủy. Nhưng mức giảm này vẫn không được người dân đồng ý. Dân tiếp tục "tuần hành", mua vé qua cầu với mệnh giá thấp nhằm làm ách tắc cục bộ để phản đối.
|
Hình ảnh băng rôn phản đối liên tục xuất hiện quanh các trạm thu phí BOT những ngày qua. |
Một tuần sau, ngày 11/4/2017, sau cuộc họp giữa Bộ GTVT với lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh và đơn vị đầu tư, đã phải thống nhất giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe 12 -30 chỗ; tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) cho người dân ở 4 địa phương: TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khi lưu thông qua trạm BOT Bến Thủy 1.
|
Phong trào phản đối các trạm thu phí BOT liên tiếp từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế với mong muốn cơ quan chức năng đưa ra một giải pháp hữu hiệu. |
Tuy nhiên, việc thực hiện miễn giảm 100% này đến nay vẫn đang còn những phiền hà, liên quan đến thủ tục khiến người dân chưa thực sự hài lòng.
Đối với Trạm thu phí Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), với áp lực của người dân Thị trấn Lăng Cô, ngày 10/5/2017 phía đơn vị đầu tư đã có Công văn 473/PGPT BOT gửi Bộ Giao thông Vận tải xin cơ chế miễn, giảm phí đường bộ khi qua Trạm thu phí Bắc Hải Vân cho phương tiện của người dân ở Thị trấn Lăng Cô.
Riêng đối với Trạm thu phí ở Triệu Phong (Quảng Trị), mặc dù từ đầu năm 2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét, giảm giá thu phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện trên địa bàn tỉnh thường xuyên qua lại Trạm thu phí BOT, chuyển Trạm thu phí này đến vị trí giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) mà vẫn đảm bảo khoảng cách với Trạm thu phí đặt tại Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) là 70 km.
Tuy nhiên đến nay địa phương vẫn chưa nhận được hồi âm.
Còn đối với Trạm thu phí Quán Hàu (Quảng Bình), từ giữa năm 2016 người dân khu vực lân cận được ưu đãi giảm 50% phí qua trạm. Nhưng chính sách ưu đãi này, đã bị cắt từ ngày 1/1/2017, mặc người dân phản đối và chính quyền đề nghị tiếp tục ưu đãi cho người dan khu vực lân cận.
Cần giải pháp hữu hiệu
Phải nhìn nhận một thực tế, hiện nay đang có sự xung đột về lợi ích giữa các bên, khi đơn vị đầu tư dự án BOT luôn muốn tăng phí, đặt vị trí trạm thu phí tại các điểm “yết hầu” để thu phí triệt để các phương tiện lưu thông trên đường, nhằm sớm hoàn vốn và sớm có lãi.
|
Trạm thu phí BOT Bến Thủy 1, chủ đầu tư là Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) |
Trong lúc người dân và chính quyền địa phương thì đòi hỏi quyền lợi chính đáng, với phương châm “có sử dụng dịch vụ mới phải trả phí”. Cho nên, việc đặt trạm thu phí với mật độ dày đặc, địa điểm không hợp lý, nhầm chỗ như hiện nay khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc là điều dễ hiểu.
Nhưng để “giải” được bài toán này cũng không đơn giản, khi con số thống kê cho thấy, hầu hết các dự án BOT trên quốc lộ 1 cả nước, nhà đầu tư chỉ đầu tư nâng cấp, mở rộng từ 30 đến 50 km.
Trên hệ thống quốc lộ cả nước, có 86 trạm thu phí, trong đó có 53 trạm (chiếm 62%) khoảng cách lớn hơn 70 km; 24 trạm (chiếm 28%) khoảng cách nhỏ hơn 60 km; 9 trạm (chiếm 10%) khoảng cách 60 đến 70 km.
|
Người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đồng loạt ký đơn kiến nghị trình lên Chính phủ về việc trạm thu phí "đặt nhầm chỗ". |
Đối với Bắc Trung Bộ, các trạm thu phí cho dự án BOT hầu hết chưa đảm bảo khoảng cách. Do đó, địa điểm đặt trạm thu phí đảm bảo cự ly tối thiểu theo quy định của Bộ GTVT, phù hợp với địa điểm tuyến BOT đi qua là điều rất nan giải.
Để làm được việc này, cần phải đặt quyền lợi người dân lên trên hết, cũng như phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để đặt ra phương án thu phí hoàn vốn, không thể bất chấp pháp lệnh Phí và Lệ phí để đặt ra mức thu quá cao như hiện nay ở các trạm thu phí tuyến BOT.
Riêng đối với các trạm thu phí, nhiều ý kiến cho rằng cần phải theo nguyên tắc, thu phí tuyến BOT nào, thì đặt trạm thu phí ngay trên tuyến đó, không nên đề ra khoảng cách tối thiểu. Măt khác, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu lộ trình phát triển các tuyến giao thông theo hình thức BOT, tránh tình trạng trạm thu phí BOT dày đặc như hiện nay.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.