Trả lời phóng viên bề hành lang Quốc hội về đề xuất “không để xe ở tầng hầm chung cư” liệu có khả thi hay không khi quỹ đất ở các đô thị lớn rất hiếm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng hoàn toàn khả thi.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
Trước nhiều luồng dư luận khác nhau về đề xuất không cho đỗ xe (có bình xăng) tại tầng hầm của chung cư, khách sạn cao tầng của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình), bên hành lang Quốc hội sáng nay (15/11), trao đổi nhằm làm rõ hơn về đề xuất của mình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết thực sự với những khu chung cư, trung tâm thương mại hiện hữu thì “chịu” không thể áp dụng phương án mà ông đưa ra nhưng có thể dùng những giải pháp khác để ngăn chặn không để xảy ra các vụ cháy, nổ.
“Nhưng trong tương lai, khi xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng thì trong phê duyệt, nhất thiết phải quy định có khu đỗ xe riêng biệt cho người dân, còn khu tầng hầm chỉ để làm siêu thị hoặc các hoạt động khác. Muốn làm được vậy phải sửa các luật liên quan, trong đó có luật Xây dựng", ĐB Phương nói.
Trả lời về đề xuất này liệu có khả thi hay không khi quỹ đất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM rất hiếm, vị đại biểu đến từ tỉnh Quảng Bình cho rằng, hoàn toàn khả thi bởi khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý phải yêu cầu chủ đầu tư bố trí quỹ đất để làm bãi đỗ xe riêng với tòa nhà ở. “Chủ đầu tư có thể bố trí một diện tích nhất định, sau đó làm cao tầng để đỗ xe như ở Nhật chẳng hạn, ông Phương nói.
Trước đó, ngày 13/11, tại buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội, báo cáo giám sát của Quốc hội về công tác PCCC, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những bất cập trong công tác PCCC tại nhà chung cư, cao tầng hiện nay.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị không cho đỗ xe (có bình xăng) tại tầng hầm của chung cư, khách sạn cao tầng.
Lý giải đề xuất này, ông Phương cho biết, bình quân mỗi năm xảy ra 30 vụ cháy lớn. Trong thời gian giám sát 4 năm là hơn 3.000 vụ cháy, 36 người chết, 92 người bị thương. “Điều này cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy vẫn chưa tốt”, đại biểu Phương nói và kiến nghị cần phải sửa đổi luật Phòng cháy chữa cháy để yêu cầu thiết kế các đường thoát hiểm trong các công trình xây dựng sử dụng khi xảy ra cháy, nổ.
“Hiện nay, trong các nhà chung cư chưa có đường thoát hiểm, kể cả nhà nghỉ, khách sạn cũng chưa có đường thoát, phải đi xuống theo cầu thang bộ. Vì vậy cần phải sửa đổi luật Xây dựng để các nhà cao tầng đều phải có đường thoát. Đồng thời khi xảy ra cháy thì lực lượng cứu hộ cứu nạn có thể sử dụng để xử lý”, ông Phương phân tích.
Vì vậy, đại biểu này kiến nghị không cho đỗ xe (có bình xăng) tại tầng hầm của chung cư, khách sạn cao tầng.
ĐB Phương đề nghị, bây giờ, trong luật Xây dựng làm thế nào để sửa đổi các chung cư cao tầng, các khách sạn không để tầng hầm là nơi đậu xe.
Bởi theo đại biểu, mỗi xe đều có bình xăng và tầng hầm nơi đậu xe máy, xe ô tô trở thành kho xăng dầu ngầm, khi cháy thì không thể nào cứu chữa được, nếu phun nước vào thì xăng nổi lên và xăng vẫn cháy.
"Khi cháy thì không những nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, mà nguy hiểm nhất là nhà cao 50, 70 tầng khi cháy các trụ sẽ bị nóng và bị ảnh hưởng, chắc chắn rất khó để nói rằng an toàn của chung cư đó, khách sạn đó được đảm bảo” - ông Phương nói.
Theo đó, ĐB Phương đề nghị trong tương lai xây dựng các khu chung cư, cao ốc phải dành riêng một khu vực để làm bãi đỗ xe.
Ngay sau phát biểu của đại biểu Phương đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo đó, ủng hộ đề xuất này vì “đúng là quá nguy hiểm” nhưng nhiều ý kiến cũng bày tỏ không đồng tình bởi hiện trạng các khu đô thị, Thành phố lớn hiện nay quỹ đất hạn hẹp. Nếu thực hiện theo đề xuất này thì cư dân các chung cư… để xe ở đâu?. Chưa kể các quy định về quy hoạch, về xây dựng, quản lý các chung cư hiện nay cũng không có quy định này. Nếu thực hiện sẽ phải sửa rất nhiều luật.
Có ý kiến hài hước cho rằng “không cho để xe dưới hầm thì sau mỗi ngày đi về, người dân phải tháo bình xăng, xách lên nhà, cho vào tủ lạnh, tủ bảo ôn… đảm bảo an toàn tuyệt đối”