Năm 2024, tỉnh Cao Bằng được giao 5.838,1 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm 1.222,8 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 và 4.615,3 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh phân bổ, triển khai 5.651,4 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao (bằng 96,8% kế hoạch), còn 186,7 tỷ đồng chưa được phân bổ, (bằng 3,2% kế hoạch).
Đến hết ngày 24/6/2024, toàn tỉnh giải ngân VĐTC 745,6 tỷ đồng (đạt 13,2% kế hoạch). Trong đó, giải ngân 114,7 tỷ đồng vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 (đạt 9,4% kế hoạch); giải ngân 630,8 tỷ đồng VĐTC năm 2024 đã giao (đạt 14,2% kế hoạch).
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường thị trấn Xuân Hòa - thị trấn Thông Nông (Hà Quảng, Cao Bằng). Ảnh: Báo Cao Bằng. |
Theo đó, 23 chủ đầu tư là các sở, ban, ngành giải ngân 232,7 tỷ đồng/3.508,9 tỷ đồng (bằng 6,6% kế hoạch), thấp hơn so với trung bình của tỉnh. 10 chủ đầu tư là UBND các huyện, Thành phố giải ngân 512,9 tỷ đồng/2.108,8 tỷ đồng (đạt 24,3% kế hoạch).
Trong đó, UBND huyện Thạch An có tỷ lệ giải ngân cao nhất (đạt 51% kế hoạch); UBND huyện Bảo Lạc có số vốn giải ngân lớn nhất với 79,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân chậm tiến độ triển khai các dự án, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp theo Sở Kế hoạch và Đầu tư là do các chủ đầu tư chưa đánh giá đầy đủ những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án, không chủ động đưa ra các giải pháp, đánh giá chưa sát tình hình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến GPMB, nguyên vật liệu, giải pháp thi công...
Dẫn giải các dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn trong tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024, có Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư 1.934,2/5.651,4 tỷ đồng (chiếm 34,2% kế hoạch vốn năm 2024). Tuy nhiên, kết quả giải ngân mới được 29,8 tỷ đồng (đạt 1,5% kế hoạch).
Nguyên nhân do công tác GPMB vừa thực hiện xong các công tác kiểm đếm, chưa phê duyệt phương án và dự toán bồi thường GPMB.
Thêm vào đó, các dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát trình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa sát với thực tế, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, đầy đủ, nhất là văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp thực hiện chương trình.
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường cam kết giải ngân theo từng mốc thời gian, phân công nhiệm vụ cho từng lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và chịu trách nhiệm về tiến độ, kết quả giải ngân từng dự án.
Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm và UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp trong công tác GPMB…
Đối với dự án dự kiến khởi công mới năm 2024, cần hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt dự án để đủ điều kiện giao vốn khởi công mới và chuyển sang thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với dự án dự kiến khởi công mới năm 2025 cần hoàn thiện hồ sơ và được phê duyệt dự án. Những dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và phải bồi thường GPMB cần chủ động lập hồ sơ…