Xưa nay trong các văn kiện quan trọng của Đảng, trong hiến pháp và nhiều đạo luật của Nhà nước luôn đề cao vai trò dân chủ.
Bài 2: Vấn nạn “hợp thức hóa" dân chủ
Đảng ta xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa động lực của phát triển. Nhưng tại sao quan điểm cơ bản này càng ngày càng bị xem nhẹ và bị biến thái trên thực tế. Đây cũng là một nguyên nhân để các thế lực thù địch xuyên tạc lên án chế độ cộng sản ở Việt Nam, cổ xuý cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị và đa đảng cầm quyền.
Trên thực tế hiện nay, cùng với những cán bộ đảng viên suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hoá ” có một bộ phận nhân dân đang “dị ứng” hoặc ngán với kiểu thực thi thiếu dân chủ, dân chủ hình thức ở nước ta. Họ không bị kích động bởi các thế lực thù địch, nhưng họ hoài nghi về chế độ độc đảng. Họ cho rằng chế độ độc đảng không thể nào phát huy được dân chủ như chế độ đa đảng. Thậm chí họ còn có nhận định sớm muộn Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ bị sụp đổ như Đông Âu - Liên Xô. Nhiều người phát ngôn rằng, nơi sinh ra CNXH đã sụp đổ thì Việt Nam có nên níu kéo nữa không?
Quan điểm trên của một bộ phận đảng viên và quần chúng là sai lầm. Nhìn lại quá trình phát triển ở nhiều nước thì thể chế chính trị đa đảng, hay độc đảng đều có mặt lợi và bất lợi, mặt trái và mặt phải… Ở đây vấn đề không phải đa đảng hay một đảng mà là thể chế có dân chủ hay không? Có một số nước họ không theo con đường XHCN, họ vẫn duy trì chế độ độc đảng, nền dân chủ của họ vẫn phát huy tốt, vẫn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Những người yêu nước Việt Nam hãy quên câu chuyên đa đảng, hãy lên tiếng mạnh mẽ và hiến kế các giải pháp hữu hiệu để đất nước ta bảo đảm thực thi dân chủ. Một đảng vẫn phát huy triệt để dân chủ nếu có hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp.
Người viết bài này đã nêu rõ nhận thức và quan điểm của mình về vấn đề dân chủ trong hai loạt bài đã đăng báo: “Chống được “chạy” sẽ thành công” và “Binh pháp” chống “giặc nội xâm”. Ở đây tác giả không nhắc lại những nhận thức đó.(*)
Chúng ta cần khẳng định rằng nếu duy trì kiểu dân chủ như lâu nay, không quyết liệt đổi mới để thực thi dân chủ thì Đảng sẽ ngày càng khó khăn trong thực hiện vai trò lãnh đạo, Đảng sẽ tự làm hại mình và sớm muộn cũng bị nhân dân loại ra khỏi vũ đài chính trị.
Kiểu dân chủ như lâu nay chính là dân chủ hình thức, không thực chất và thực sự dân chủ. Dân chủ thực chất chính là hội tụ và phát huy trí tuệ tài năng của mọi người vào sự nghiệp chung, công việc chung. Nhưng lâu nay dân chủ thường được biến thái để hợp thức ý chí của những người dùng quyền, tiền và tình cảm chi phối. Nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị đề ra và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhưng thực hiện cũng chỉ là hình thức. Nhiều cuộc họp văn bản được hợp thức hoá ý chí của người đứng đầu thành ý chí của tập thể. Sự đồng thuận của tập thể chỉ ở trên giấy.
Hiện nay dường như tất cả các cuộc họp, hội nghị, ý kiến người chủ trì hội nghị coi như là ý kiến kết luận. Có người chủ trì có tâm và có tầm thì thường chắt lọc các ý kiến, đồng thời nêu ra ý kiến phản biện thuyết phục khi có ý kiến trái chiều để đi đến thống nhất. Nhưng có rất nhiều trường hợp mặc cho các ý kiến phản biện đúng, nhưng người chủ trì vẫn quyết theo quan điểm, ý chí cá nhân của mình. Thường những quyết định này về những vấn đề liên quan đến tiền bạc, tài sản có dính dáng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Chúng ta phải thấy rằng không thể có các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị có chất lượng nếu không bảo đảm sự phản biện, tranh luận. Lâu nay các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị vẫn theo khuôn mẫu và kịch bản chuẩn bị sẵn. Nói thẳng, nói thật không được phát huy, có khi nói ra lại mang vạ vào thân. Trong lúc nói thẳng, nói thật của cán bộ, đảng viên, nhân viên vừa là ý kiến mà người lãnh đạo cần sàng lọc tiếp thu, vừa là một kênh thông tin để tổ chức đánh giá về người phát ra ý kiến.
Khi cán bộ, nhân viên trong cơ quan nói ra phải “uốn lưỡi” không dám bộc lộ những suy nghĩ thật, thì tập thể khó đánh giá đúng về họ và bản hân họ trong giao tiếp, ứng xử ở công sở thường xuyên phải “ đeo mặt nạ”, sống giả dối, thiếu sự chân thành, thiếu tình đồng chí. Khi trong tập thể thiếu vắng sự chân thành, thiếu tình đồng chí thì không thể có sự phê bình và tự phê bình đúng đắn, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở đây cũng suy giảm. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra môi trường nịnh hót, tung hô, dối trá, lọc lừa trong cơ quan, đơn vị. Và rồi nhân tài, hiền tài không được trọng dụng, khéo ăn, khéo nói lại được đề cao. Thậm chí có Đại biểu Quốc hội còn nêu lên một thực tế diễn ra ở nhiều nơi, người nắm quyền nghiêm trị trung thần, bảo vệ nịnh thần, gần gian thần.
Chúng ta không thể thu hút được nhân tài vào nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công... nếu không mở rộng và thực thi dân chủ thực chất. Nhiều câu chuyện về công tác cán bộ thời gian qua, như bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực vẫn được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng, trong khi có nhiều cán bộ khác tâm và tầm hơn hẳn thì lại không được bổ nhiệm... Khi kiểm tra hồ sơ bổ nhiệm đều theo quy trình, đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện.
Việc hợp thức hoá để đúng quy trình cũng giống như thủ tục đấu thầu. Khi đã quyết định nhà thầu là ai thì mọi thủ tục đấu thấu đều theo quyết định đó. Bản chất của đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu có khả năng đáp ứng tốt công việc chủ đầu tư giao và chi phí hợp lý. Nhưng thực tế không có sự lựa chọn thông qua cạnh tranh về năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính mà được áp đặt theo ý chí của những người có quyền và có tiền.
Công tác cán bộ cũng vậy, khi nhân sự bị cản trở, không xếp đặt được theo ý của người có quyền, thì bằng mọi cách cũng được hợp thức hoá. Thực tế có nhiều trường hợp tín nhiệm thấp, thậm chí rất thấp, nhưng hồ sơ bổ nhiệm lại có số phiếu cao. Kết quả đảo chiều của số phiếu không phải do gian lận trong kiểm phiếu mà do sức ép và các thủ đoạn tinh vi của những người nắm quyền đạo diễn.
Ở đơn vị nọ, có một cán bộ, dưới con mắt của mọi người cùng công tác, nói theo cách nói dân gian thì cán bộ đó có “mồ mả ông, cha đang phát”, vì phẩm chất và năng lực của họ chưa xứng với hàng nhân viên, thế mà họ đã giữ chức cấp phó của đơn vị to. Thế rồi ông cấp trưởng chuẩn bị lên cao hơn, người cấp phó khác nghĩ rằng mình sẽ thay thế cấp trưởng và ai trong đơn vị cũng nghĩ thế. Nhưng khi trên chỉ đạo làm quy trình bổ nhiệm thì lại chỉ đưa ông được coi là “mả phát” ra bỏ phiếu. Hai cấp bỏ phiếu ông này đều có số phiếu tín nhiệm thấp không bảo đảm tỷ lệ phiếu để bổ nhiệm.
Chưa ra được quyết định bổ nhiệm, trên lại giao cho ông “mả phát” phụ trách đơn vị khi ông cấp trưởng phải đi nhận nhiệm vụ mới. Sau một thời gian sắp xếp, thay đổi nhiều vị trí nhân sự trong đơn vị, được sự hỗ trợ của trên việc điều chuyển một số cán bộ nhân viên đi nơi khác và nhận mới một số lượng cần thiết. Sau đó làm quy trình bổ nhiệm, kết quả bỏ phiếu lại đủ điều kiện bổ nhiệm. Và sau đó đương nhiên ông “mả phát” có quyết định bổ nhiệm cấp trưởng. Trong khi đó hoạt động của đơn vị trong thời gian ông phụ trách kém hiệu quả, nội bộ rối ren, phức tạp.
Câu chuyện tương tự nêu trên không phải là cá biệt mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Chuyện hợp thức hoá chứng từ để thanh quyết toán, hơp thức hoá hồ sơ để cho trúng thầu, hợp thức hoá thủ tục để bổ nhiệm cán bộ... có lẽ không có nước nào như ở Việt Nam ta.
|
|
Viêc hợp thức hoá ý chí của người có quyền lực phù hợp với ý chí của số đông còn thể hiện ngay trong bầu cử. Luật bầu cử và các quy định khác về bầu cử ở nước ta so với nhiều nước thì quyền dân chủ còn bị hạn chế. Mặt khác trong thực tế khi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân chưa được phát huy triệt để dân chủ, nếu không muốn nói là mất dân chủ. Nội dung thông tin tuyên truyền về nhân sự cũng mù mờ, phần lớn cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân không nắm rõ được người được bầu, ai xứng đáng hơn ai, và có xứng đáng nằm trong danh sách bầu cử hay không. Cử tri đi bầu chủ yếu là thực hiện quyền bầu cử, còn điều kiện và cách thức để họ chọn ra đại biểu có xứng đáng không lại rất hạn chế, bất cập. Mục đích của cơ quan được lập ra để tổ chức bầu cử là để làm cho xong việc, chứ không phải làm cho được việc, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng đại biểu, họ chỉ quan tâm tỷ lệ cử tri đi bầu, tiến độ bầu cử nhanh, hoàn thành việc bầu cử sớm. Thậm chí có nơi công dân đi bầu cử được vận động định hướng bầu cử cho ai. Quyền bầu cử không được phát huy do xem nhẹ tính mục đích của bầu cử. Còn quyền ứng cử cũng bị hạn chế. Nhiều người muốn ứng cử tự do nhưng chưa chắc đã lọt vào danh sách bầu cử, vì phải qua hiệp thương, qua cấp ủy Đảng...
Nếu Quốc hội ta không sớm sửa luật bầu cử, vẫn theo luật cũ, cách làm cũ sẽ hạn chế dân chủ, cơ cấu đại biểu Quốc hội không được đổi mới, chúng ta sẽ không thực hiện được việc kiểm soát quyền lực như mong muốn, và quyền lực vẫn tiếp tục bị tha hoá gây nhiều hệ lụy xấu cho Đảng, cho chế độ.
Không đổi mới mở rộng và thực thi dân chủ một cách thực chất, chẳng những chúng ta không kiểm soát được quyền lực, không thu hút được nhân tài, không huy động được sức người, sức của, nghị lực và trí tuệ của toàn dân vào sự nghiệp chung, mà chúng ta còn kéo lùi lịch sử, tạo nhiều bất công trong xã hội.
Lạm dụng quyền lực nhà nước
Bên cạnh dân chủ không được thực thi đúng nghĩa, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, việc lạm dụng quyền lực của cán bộ, công chức còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp.
Bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng do một bộ phận không nhỏ cán bộ trong các cơ quan công quyền suy thoái nên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ xa rời, sai lệch với bản chất Nhà nước. Khi cán bộ công chức suy thoái thì quyền lực do họ nắm giữ cũng bị tha hóa. Khi quyền lực bị tha hóa thì việc sử dụng quyền lực luôn hướng vào mục đích cá nhân. Và vì thế mà quyền lực nhà nước thể hiện cụ thể trong nhiều trường hợp mâu thuẫn, xung đột, trái chiều với bản chất gốc rễ của Nhà nước.
Nhân dân trao quyền cho bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm hại, không được bảo vệ, hoăc có được bảo vệ thì người dân cũng phải “chạy”. Có nhiều vụ việc cơ quan công quyền làm ngơ trước khiếu nại, đề đạt nguyện vọng của người dân, thậm chí còn sử dụng quyền lực để bảo vệ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Vấn nạn "hợp thức hoá" dân chủ và lạm dụng quyền lực nhà nước đã đưa hoạt động của nhiều cơ quan công quyền xa rời và sai lệch với bản chất Nhà nước ta. Không hoá giải được những vấn nạn này, sự nghiệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động không thể thực hiện được.
(*) Tìm đọc bài 8: Phát huy dân chủ và truyền thông trong loạt bài "Chống được "chạy" sẽ thành công" của cùng tác giả. (www.nhabaovn.vn - Chuyên mục Diễn đàn Nhà báo - Hội viên)
Bài 3: Thanh lọc, sàng lọc Cán bộ Đảng viên.