Cả đêm 15/3 và ngày 16/3, tại trụ sở Công ty Bách Đạt An (Quảng Nam), nhiều khách hàng tiếp tục kiên trì bám trụ để gây sức ép buộc chủ đầu tư cùng Công ty CP Hoàng Nhất Nam phải tìm tiếng nói chung, nhằm ra sổ cho người dân. Điều đáng nói ở đây, để xảy ra những vấn đề tiêu cực nêu trên, chính quyền có phần lớn trách nhiệm.
|
Dân vây trụ sở Công ty Hoàng Nhất Nam. |
Như PLVN đã thông tin, gần 1.000 khách hàng mua sản phẩm tại ba dự án Hera Complex Riverside, Sakura và Eco Future Park do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, Công ty CP Hoàng Nhất Nam phân phối, nhưng không có sổ đỏ. Sự việc gây ra nhiều cuộc tụ tập giăng băng rôn, làm mất trật tự an ninh của người dân tham gia mua đất dự án. Trước tình hình trên, chiều 15/3, chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án cùng đại diện cho 1.000 khách hàng mua sản phẩm tại ba dự án Hera Complex Riverside, Sakura và Eco Future Park tổ chức cuộc họp với nhau.
Trải qua nhiều tiếng làm việc, cả 3 vẫn không tìm được tiếng nói chung. Nhận thấy câu chuyện ra sổ đỏ cho gần 1.000 hộ dân gần như bế tắc, đại diện những khách hàng mua sản phẩm 3 dự án trên đã chặn cổng, không cho lãnh đạo hai Công ty rời khỏi trụ sở của Công ty Bách Đạt An. Lời qua tiếng lại, một số hộ dân quá khích đã đánh người. Khi được Công an có mặt lập biên bản, mọi việc tạm lắng, nhưng cũng từ đó, người dân chọn giải pháp thức trắng đêm tại trụ sở Công ty Bách Đạt An để buộc đôi bên tiếp tục giải quyết những bất đồng.
|
Người dân thức trắng đêm 15/3 để đợi ngày 16/3 tiếp tục đòi sổ đỏ |
Theo một số khách hàng phản ánh, điều khó chấp nhận ở chỗ, đại diện các đơn vị chức năng của chính quyền sở tại có mặt tại hiện trường, chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng lại không có sự ngăn chặn, phương án kịp thời để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc kể trên. Đến tối cùng ngày, lãnh đạo UBND phường Điện Ngọc cũng chỉ đến thăm hỏi, xem xét tình hình, nhưng không có biện pháp xử lý, dẹp yên bất ổn, nhằm tránh trở thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn mình quản lý.
Đại diện Công ty Bách Đạt bức xúc, thừa nhận rằng, một phần hành động kể trên đến từ sự bức xúc, lo lắng của người dân, khi họ bỏ tiền mua sản phẩm ba dự án kể trên, đã qua nhiều tháng vẫn chưa có sổ đỏ. Tuy nhiên, việc chính quyền, lực lượng chức năng tại phường Điện Ngọc nói riêng và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nói chung, đã thiếu đi những biện pháp để tránh sự vụ diễn ra tối 15/3 tại trụ sở Cty Bách Đạt An trở thành sự việc sẽ tái diễn trên địa bàn, nếu tranh chấp xảy ra giữa các đơn vị liên quan trong lĩnh vực bất động sản.
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Lê Cao thuộc đoàn Luật sư Đà Nẵng đã chia sẻ với PLVN về góc nhìn pháp lý. Cụ thể, theo Luật sư Lê Cao, khi mua đất tại các dự án chưa đủ điều kiện (căn cứ thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam vừa nêu và khuyên cáo ra tòa), để được mở bán, chưa có giấy CNQSDĐ, người mua sẽ gặp rủi ro về pháp lý và rủi ro về tài chính.
Ở đây, đang nói đến Công ty CP Nhất Nam đã thay mặt chủ đầu tư giao dịch với khách hàng. Xét rủi ro về pháp lý như chủ đầu tư tranh chấp với bên môi giới, bị thu hồi dự án, bán trùng cho người mua khác, hoặc chủ đầu tư viện lý do hợp đồng vô hiệu để hủy giao dịch với người mua bởi dự án chưa được mở bán, tài sản chưa được hình thành và chưa được phép giao dịch.
|
Sự việc trong đêm 15/3 căng thẳng tới mức các bên xô xát, đánh nhau buộc Công an vào cuộc lập biên bản |
Tiếp đó là rủi ro về tài chính, có thể công ty sử dụng nguồn vốn huy động từ người mua để thực hiện các công việc không liên quan đến dự án, do vậy dự án bị kéo dài, chậm tiết độ. Và nếu người mua trước đó có vay mượn tạm để mua đất dự án và trông vào việc có giấy CNQSDĐ để thế chấp vay vốn, với việc dự án bị treo, sẽ chịu thêm chi phí lãi vay. Hoặc trường hợp công ty liên quan phá sản, không có nguồn vốn để đầu tư dự án, cũng không có tiền để trả lại.
“Theo quy định tại Điều 13, Điều 67, Điều 72 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, nhà môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản trước khi bán sản phẩm cho khách hàng phải “Bảo đảm bất động sản được đưa lên sàn giao dịch phải có đủ điều kiện được giao dịch”. Như vậy, nếu khách hàng tham gia mua bất động sản tại sàn giao dịch nhưng có rủi ro xảy ra, trong trường hợp, nếu các bên không tìm ra được cách thức để giải quyết tranh chấp, có thể lựa chọn tòa án để giải quyết”, Luật sư Lê Cao diễn giải.
Nói về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đối với các dự án đất nền, Luật sư Lê Cao cho rằng, do việc cấp phép thuộc về cơ quan chính quyền, do vậy trong trường hợp để xảy ra việc huy động vốn, mở bán khi chưa đủ điều kiện là có phần trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý.
UBND tỉnh, các sở, ban, ngành địa phương cần vào cuộc quyết liệt, sớm có những cảnh báo người dân tránh đầu tư vào các dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Sở Xây dựng có thể thông báo danh sách những dự án đủ điều kiện được bán. Tiến hành việc thanh tra, kiểm tra các dự án có dấu hiệu sai phạm về đất đai, xử lý việc phân lô bán nền trái phép. Tiến hành thu hồi các dự án sai phạm, không đúng tiến độ. Cơ quan công an có thể điều tra các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng vốn huy động, lừa đảo, để bảo vệ quyền lợi của người dân.