Có thể khẳng định, hầu hết trong số hơn 60 triệu người Việt tham gia mạng xã hội đều có thái độ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực với cộng đồng xã hội. Không những vậy, một bộ phận cộng đồng mạng rất có trách nhiệm trong phản biện, phát hiện và đấu tranh phê phán tình trạng vi phạm pháp luật; vi phạm đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục; thói hư tật xấu trong xã hội; góp phần đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng; mua quan bán chức; tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận công chức, viên chức …
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận tham gia mạng xã hội có ý đồ xấu; thiếu trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; cố tình làm hại lợi ích, xúc phạm danh dự của người khác; vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục …
Trong bài viết này, người viết có đôi điều nói về hậu quả do bộ phận tham gia mạng xã hội có bài viết, video, clip, ảnh trái với đạo đức, thiếu chuẩn mực trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Xin nêu một số dẫn chứng về tình trạng tung tin bịa đặt, làm hại cộng đồng; vi phạm đời tư, danh dự cá nhân trên mạng xã hội và hậu quả của nó.
Tháng 7/2016, chủ một trang Facebook (FB) có tên D.T.N, đăng clip với danh nghĩa cảnh tỉnh người mua xoài, bằng cách bịa ra hình ảnh có một lớp nylon màu trắng trong quả xoài. Clip này đã làm người trồng xoài lao đao, nhưng sau khi xác minh, đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt.
Nông dân trồng vải thiều (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) không ít lần lâm vào cảnh giá vải rớt thê thảm vì những tin đồn thất thiệt. Mùa thu hoạch năm 2016, xuất hiện thông tin bịa đặt trên mạng xã hội “ăn vải thiều dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản”, làm cả người trồng vải, người tiêu dung vô cùng hoang mang. Đến mùa vải năm 2018, trên mạng xã hội lại xuất hiện thông tin sai sự thật, rằng ở Bắc Giang có nơi vải thiều bán với giá chỉ còn 3.000 đồng/kg, dân phải đổ xuống sông khiến người nông dân trồng vải nơi đây chịu cảnh bị ép giá, thiệt hại rất lớn.
Nguy hại hơn là tình trạng cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân trên mạng xã hội, khiến nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng; trong đó, các đối tượng dễ tổn thương như học sinh, sinh viên lâm vào khủng hoảng tâm lý dẫn đến quyên sinh. Dưới đây là một vài ví dụ nhói lòng.
Tháng 6/2015, nữ sinh T (sinh năm 2000, tỉnh Đồng Nai) đã tự vẫn bằng thuốc diệt cỏ do bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng xã hội.
Tháng 9/2016, nam sinh B.Q.H (lớp 8, trường THCS U Lâu, tỉnh Yên Bái) quyên sinh vì quá uất ức khi clip ghi lại hành ảnh bản thân bị đánh và phải quỳ xin lỗi người đánh mình, đăng lên FB.
Tháng 3/2018, nữ sinh H.T.L (16 tuổi, ở Nghệ An) cũng quyên sinh sau khi một trang mạng đăng clip nữ sinh này và một nam sinh có hành vi “nhạy cảm”.
Nguyên nhân dẫn đến các tình trạng đau lòng như trên là bởi tâm lý các em còn non nớt, dễ bị tổn thương, không chịu nổi những hành động ác ý có chủ đích của các đối tượng xấu lên mạng xã hội và vô vàn lời bình luận ác ý kèm theo, cố tình chà đạp danh dự của nạn nhân.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi người dân cả nước đang rất lo lắng, hoang mang bởi dịch Covid-19; khi các cấp, các ngành cùng đội ngũ y, bác sỹ đang gồng mình chống dịch thì nghịch cảnh là, nhiều người đã tán phát lên mạng xã hội hàng loạt những thông tin bịa đặt; rằng nơi này, nơi kia có người bị nhiễm hoặc bị chết vì Covid-19. Trong số này có cả những ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi mà lâu nay công chúng từng mến mộ...
Rất nhiều người đã bị xử phạt hành chính bởi hành vi tung tin đồn nhảm về dịch bệnh Covid-19, nhưng có lẽ chưa đủ sức răn đe nên việc tung tin đồn nhảm về dịch bệnh nguy hiểm này vẫn đầy rẫy trên mạng xã hội.
Giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội, mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại 4.0. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi clip mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp; tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng; mặt khác, góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống …
Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần có ý thức, rằng mình phải là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác; và nhất là biết tôn trọng danh dự bản thân thì mới có trách nhiệm với mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi comment khi đăng lên mạng xã hội. Với những kẻ cố tình sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, làm hại người khác cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Nguyễn Huy Viện - Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam