Yêu cầu kiểm điểm, nhận trách nhiệm
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang hồi cuối tháng 10/2024, tiến độ, kết quả thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn đang ở mức rất thấp.
Theo đó, tiến độ các chủ dự án nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (từ năm 2012 đến 20/10/2024) có 29 chủ dự án đã nộp 59.713.219.791 đồng, tương đương diện tích phải trồng rừng thay thế là 518,160 ha.
Đến nay, diện tích đã trồng rừng thay thế là 80,394 ha/518,160 ha kế hoạch, đạt 15,5% diện tích phải thực hiện trồng thay thế theo quy định.
Diện tích chưa thực hiện là 437,765 ha, trong đó diện tích UBND tỉnh đã giao cho 3 chủ đầu tư thực hiện trồng thay thế trong năm 2024, nhưng chưa thực hiện trồng được là 214,721 ha; diện tích phải trồng thay thế (chưa giao kế hoạch) là 223,045 ha.
Để thực hiện dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, tỉnh Tuyên Quang phải trồng thay thế số rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác là 188,14ha. (ảnh chụp đoạn đi qua huyện Hàm Yên). |
Ngày 29/10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã họp về tiến độ thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Sau khi nghe Chi cục Kiểm lâm báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận như sau: Việc triển khai trồng rừng thay thế 234,81664 ha theo Quyết định của UBND tỉnh đã giao cho 03 chủ đầu tư thực hiện trong năm 2024, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Nguyên nhân ngoài yếu tố khách quan còn có nhiều nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Kiểm lâm với nhau và giữa Chi cục Kiểm lâm với các các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa tốt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm chưa quyết liệt, việc phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm chưa rõ ràng, còn đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; các chủ đầu tư (Ban Quản rừng phòng hộ Lâm Bình, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Lâm Bình, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Chiêm Hoá) chưa chủ động thực hiện những nội dung thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; không kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trong việc không triển khai thực hiện được nhiệm vụ trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của cấp trên.
Nhiều vướng mắc, khó khăn
Đối với diện tích 234,81664 ha đã được UBND tỉnh giao cho Ban Quản rừng phòng hộ Lâm Bình, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Lâm Bình, Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Chiêm Hoá làm chủ đầu tư trồng rừng thay thế tại các Quyết định: số 318/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 và số 508/QĐ-UBND ngày 23/12/2023 phải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ (thiết kế, dự toán trồng rừng) theo các quyết định phê duyệt của Sở NN&PTNT; rà soát, lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán theo quy định của Nhà nước để kịp thời triển khai trồng rừng trong vụ Xuân - Hè năm 2025.
Giao Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tổ chức hướng dẫn, tham mưu thẩm định điều chỉnh thiết kế, dự toán theo quy định.
Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa vận động nhân dân xã Phú Bình trồng rừng thay thế để thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. |
Về diện tích 217,3377 ha trồng rừng thay thế các chủ dự án đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhưng chưa giao kế hoạch, Chi cục Kiểm lâm tham mưu văn bản của Sở báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố tổ chức trồng rừng thay thế ngay trong năm 2025, gửi xin ý kiến các huyện, thành phố trước ngày 08/11/2024.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng đã giao cho Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nghiên cứu, đề xuất phân công, giao nhiệm vụ cho một lãnh đạo Chi cục phụ trách và một phòng chuyên môn trực tiếp tham mưu, thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo thống nhất, hiệu quả, đúng quy định.
Yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Lâm Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Chiêm Hóa nghiêm túc triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo kịp thời lãnh đạo Sở để chỉ đạo, giải quyết.
Trước đó, trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Triệu Đăng Khoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang (phụ trách lĩnh vực phát triển rừng) cho biết: “Việc trồng rừng thay thế thực tế hiện nay cực kỳ khó khăn và nhiều vướng mắc. Cái khó là không nhận trồng thay thế thì không thể thực hiện kịp thời tiến độ các dự án mà tỉnh được giao, chẳng hạn như cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang”. Theo ông Khoa, thực tế qua rà soát tại một số địa phương như huyện Lâm Bình có rất ít quỹ đất để thực hiện dự án trồng rừng thay thế. Hoặc, rà soát có diện tích nhưng người dân không đồng ý trồng. Ông Khoa lấy ví dụ, đợt vừa rồi ông có đi thực tế tại một số xã của huyện Lâm Bình tiếp xúc với 2 trưởng thôn người Mông. Đoàn công tác vận động họ trồng rừng thì họ trả lời, khu vực đất trống mà ngành chức năng rà soát là nơi chăn thả gia súc nhiều năm nên khi trồng rừng vào người dân không có nơi chăn thả. Thêm vào đó, nhiều diện tích được rà soát là đất trống nhưng xa khu dân cư, khi trồng sẽ khó chăm sóc, bảo vệ. |
Tags: