Trước sự tái lấn chiếm đất tại Khu Tái định cư Đông Hội, Ban Quản lý Hạ tầng Tả Ngạn (đơn vị chủ đầu tư) đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND huyện Đông Anh và UBND xã Đông Hội xử lý. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại chính quyền địa phương chưa xem xét giải quyết, thậm chí còn để hiện tượng chiếm đất với quy mô lớn.
UBND xã Đông Hội "đứng nhìn" trước những hành vi chiếm đất?
Sau khi Pháp luật Plus phản ánh hiện tượng hàng nghìn m2 đất tại Khu Tái định cư Đông Hội (Đông Anh) bị chiến dụng để thành lập bãi tập kết, trưng bày xe tải, xe chuyện dụng,… trái phép, thì được đông đảo bạn đọc quan tâm. Đặc biệt UBND Thành phố Hà Nội đã ra văn bản yên cầu UBND huyện Đông Anh phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm tại Khu Tái định cư Đông Hội.
|
Rất nhiều bãi trưng bày ô tô trái phép mọc lên trên phần đất thuộc Khu Tái định cư Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội). |
Để rộng đường dư luận phóng viên đã có buổi làm việc với Ông Hoàng Trọng Tùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Hạ tầng Tả Ngạn (đơn vị chủ đầu tư Dự án Khu Tái định cư Đông Hội) về vấn đề này. Ông Tùng cho biết: “Tình trạng tái lấn chiếm đất tại Khu Tái định cư Đông Hội diễn ra hàng năm nay. Ban Quản lý Hạ tầng Tả Ngạn đã gửi nhiều văn bản yêu cầu UBND huyện Đông Anh và UBND xã Đông Hội xử lý ngăn chặn và có phương án cưỡng chế đối với những lô đất bị chiếm trái phép tại Khu Tái định cư Đông Hội. Tuy nhiên đến thời điển hiện tại chính quyền địa phương chưa xem xét giải quyết, thậm chí còn để hiện tượng chiếm đất với quy mô lớn hơn và mở rộng sang các lô đất khác trong khu này.”
|
Văn bản Ban QLDAHT Tả Ngạn yêu cầu UBND huyện Đông Anh, xã Đông Hội xử lý hành vi lấn chiếm đất tại Khu Tái định cư Đông Hội. |
Qua khảo sát thực tế của phóng viên thì những gì ông Tùng nói là có căn cử bởi những lô đất đất thuộc dự án Khu Tái định cư Đông Hội nằm cạnh đường 5 thời gian gần đây đã bị biến thành bãi tập kết trưng bày xe tải, xe chuyên dụng cùng với đó là biển hiện của các công ty chuyên về sản xuất, buôn bán ô tô các loại.
“Ủng hộ” địa phương là được hoạt động?
Câu hỏi được dư luận đặt ra ở đây là tại sao Ban Quản lý hạ tầng Tả Ngạn đã nhiều lần yêu cầu UBND huyện Đông Anh và UBND xã Đông Hội vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên nhưng lại không được quan tâm, xem xét giải quyết?
|
Mặc dù những bái xe trái phép này tồn tại đã lâu nhưng không hiểu vì lý do gì các cơ quan hữu quan lại không tiến hành xử lý nghiêm. |
Nhằm trả lời câu hỏi trên, phóng viên Pháp luật Plus có buổi trao đổi với Ông Đang Xuân Thiện – Chủ tịch UBND xã Đông Hội. Ông Thiện cho hay: “Đúng là Ban Quản lý hạ tầng Tả Ngạn đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu huyện Đông Anh cũng như là xã Đông Hội xử lý tình trạng này. Qua kiểm tra tình hình thực tế cũng đã phát hiện tình trạng tái lấn chiếm tại đây. Nhưng bên phía Ban Quản lý Dự án Hạ tầng Tả Ngạn không sang tận nơi phối hợp mà chỉ gửi văn bản suông. Hơn nữa kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng để xử lý việc này phải là chủ đầu (ở đây là Ban Quản lý Dự án Hạ tầng Tả Ngạn) cùng phối hợp với UBND.”
|
Chỉ cần "ủng hộ" địa phương là những bãi xe này có thể ngang nhiên tồn tại, bấp chấp sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng? |
Khi được hỏi UBND xã Đông Hội đã đi kiểm tra, lập biên bản những cá nhân, tổ chức lấn chiếm hay chưa? Ông Thiện cho biết: “Khi Ủy ban ra lập biên bản yêu cầu những bãi xe này di chuyển đi thì họ có những nội dung xin được để xe ở đây và hàng năm sẽ ủng hộ cho xã, khi nào nhà nước lấy đến thì sẽ tự di chuyển. Tôi đánh giá đây là việc làm tốt, giúp địa phương có thêm kinh phí trong các hoạt động phong trào.”
Khi phóng viên hỏi số tiền ủng hộ từ những bãi xe trái phép này cho xã hàng năm là bao nhiêu, vị Chủ tịch xã Đông Hội cho hay: “Cuối năm 2015 người ta tập kết xe ở đây, đầu năm 2016 tôi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban thì chưa bàn giao các nội dung vì vậy chưa rõ một năm người ta ủng hộ bao nhiêu.”
Việc những cá nhân, tổ chức lấn chiếm hàng nghìn m2 đất tại Khu Tái định cư Đông Hội (Đông Anh) để lập bãi trưng bày xe ô tô các loại là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Mặc dù biết hiện tượng đó nhưng UBND huyện Đông Anh và UBND xã Đông Hội đã bỏ qua, không xử lý dứt điểm. Phải chăng những bãi xe trái phép này đã qua mặt chính quyền bằng việc “ủng hộ” các hoạt động của địa phương?
Video hàng chục nghìn m2 đất thuộc Khu Tái định cư Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) "biến" thành bãi xe:
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 10, nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này. 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở. 4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác. |